Thách thức biến đổi khí hậu
Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường: Hành tinh của chúng ta đang trong thời kỳ khủng hoảng. Kể từ năm 1970, quần thể các loài hoang dã đã giảm khoảng 60%. Trong khi đó, tác động của con người và sự khai thác quá mức tài nguyên thiên nhiên tiếp tục tăng theo cấp số nhân.
Những hậu quả con người đang phải hứng chịu từ thiên nhiên đó là lũ lụt, cháy rừng và các hiện tượng thời tiết cực đoan ngày càng gia tăng, trong đó có Việt Nam.
GS.TSKH, anh hùng sinh học ASIAN cho biết: Trong những năm qua, Việt Nam là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi biến đổi khí hậu, đe dọa đến môi trường như mất sinh cảnh, mất đa dạng sinh học, khai thác tài nguyên không bền vững ngày càng trầm trọng.
Những tác động của biến đổi khí hậu, chưa bao giờ rõ nét như hiện nay, đó là cháy rừng, lũ lụt, hạn hán và các hiện tượng thời tiết cực đoan. Các bằng chứng khoa học cảnh báo, nếu không có những hành động khẩn cấp từ các quốc gia, thiên tai sẽ ngày càng nguy hiểm hơn.
Trong một đoạn phim ngắn chiếu tại sự kiện các nhà lãnh đạo vì thiên nhiên và con người, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định: “Việt Nam đang rất nỗ lực chung tay cùng với thế giới thực hiện các quá trình chuyển dịch hướng tới mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kiên quyết không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế, làm ảnh hưởng tới phát triển bền vững, luôn đặt ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường ở vị trí quan trọng trong nghị quyết và định hướng phát triển”.
Cam kết phát triển bền vững
Marco Lambertini, Tổng Giám đốc của WWF Quốc tế phát biểu: “Cuộc họp của các nhà lãnh đạo trên thế giới tại New York năm 2020 sẽ là cơ hội để đảm bảo một tương lai bền vững cho con người và thiên nhiên”.
Tuyên truyền người dân nói không với rác thải nhựa (Ảnh VK). |
Những quyết định đó sẽ có tác động tới nhiều thập kỷ sau này. Vì thế, các nhà lãnh đạo cần thừa nhận tình trạng khẩn cấp mà con người đang phải đối mặt, thể hiện cam kết của mình trong việc coi đa dạng sinh học là trọng tâm của các hiệp định, cùng thảo luận về một bản tuyên bố khẩn cấp về thiên nhiên và con người ngay từ bây giờ.
Tháng 9 hằng năm, các nhà lãnh đạo thế giới tập trung tại trụ sở của Liên Hợp Quốc để thảo luận về những vấn đề quan trọng nhất mà con người đang phải đối mặt.
Do vậy, kêu gọi sự cam kết mạnh mẽ của các nguyên thủ quốc gia trong việc củng cố các mục tiêu toàn cầu cũng như các cơ chế nhằm đảo ngược sự mất mát của tự nhiên vào năm 2030.
Để đạt được điều này, Hội đồng Liên Hợp Quốc lần thứ 74 diễn ra tại New York kêu gọi chính phủ, doanh nghiệp và các tổ chức xã hội của 193 quốc gia thành viên cần hợp tác chặt chẽ với nhau và nâng cao khả năng của mình đối với các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) và Thỏa thuận Paris.
Đồng thời kêu gọi các nước hãy tăng cường các cam kết giảm ô nhiễm rác thải nhựa, tiêu thụ và sản xuất lương thực bền vững, lâm nghiệp, đa dạng sinh học và các mục tiêu phát triển xanh.