Trên thế giới hiện có nhiều quốc gia áp dụng “Hộ chiếu vắc xin” để mở cửa nền kinh tế, đưa hoạt động kinh tế-xã hội trở lại trạng thái bình thường mới. Việc công nhận “Hộ chiếu vắc xin” lẫn nhau giữa Việt Nam với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới rất quan trọng và đặc biệt cần thiết trong bối cảnh hiện nay.
Về việc này, trước đó Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã giao Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan khẩn trương làm việc với các cơ quan chức năng của các quốc gia ASEAN, EU, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và các quốc gia khác trên thế giới để công nhận lẫn nhau về “Hộ chiếu vắc xin”.
Tại họp báo thường kỳ chiều 21/10, trả lời câu hỏi về yêu cầu cung cấp thêm thông tin về quy trình công nhận và cấp giấy chứng nhận tiêm chủng hay hộ chiếu vắc xin, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nêu rõ:
"Hiện nay Việt Nam đang tạm thời công nhận mẫu giấy chứng nhận tiêm chủng hay còn gọi là hộ chiếu vắc xin của 72 quốc gia, vùng lãnh thổ đã được đại diện của các quốc gia và vùng lãnh thổ này giới thiệu chính thức tới Bộ Ngoại giao".
Theo đó, những người mang giấy tờ này sẽ được sử dụng trực tiếp ở Việt Nam và giảm thời gian cách ly tập trung xuống còn 7 ngày theo hướng dẫn của Bộ Y tế (rút ngắn thời gian cách ly đối với người đã tiêm đủ liều vắc xin Covid-19 hoặc đã mắc Covid-19 nhưng khỏi bệnh).
"Bộ Ngoại giao cũng đang trao đổi với gần 80 đối tác về việc công nhận lẫn nhau giấy chứng nhận tiêm chủng hay còn gọi là hộ chiếu vắc xin. Trên thực tế, hiện giấy chứng nhận vắc xin của Việt Nam cung cấp đã được một số quốc gia công nhận", bà Hằng nói thêm.
Cũng theo Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho lao động, chuyên gia, nhà đầu tư và một số đối tượng đặc thù khác phục vụ mục tiêu phát triển, Bộ Ngoại giao đã tham khảo ý kiến của các bộ, ngành, địa phương về những vướng mắc và kiến nghị cấp có thẩm quyền điều chỉnh các quy trình xét duyệt cho người nước ngoài nhập cảnh theo hướng bổ sung hộ chiếu/giấy chứng nhận tiêm chủng vào thành phần hồ sơ của quy trình cấp thị thực, giảm thời gian xử lý hồ sơ và tăng cường phân cấp hơn nữa cho các bộ, ngành.