Việt Nam chưa ghi nhận phản ứng bất thường sau tiêm vắc xin COVID-19 AstraZeneca

GD&TĐ - Việt Nam chưa ghi nhận hiện tượng đông máu sau tiêm vắc xin COVID-19 của AstraZeneca. Công tác bảo đảm an toàn tiêm chủng và theo dõi phản ứng sau tiêm tiếp tục được thực hiện nghiêm túc.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Ngày 12/3, thông tin trên báo chí, GS-TS Đặng Đức Anh - Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, Việt Nam đã triển khai tiêm vắc xin COVID-19 của AstraZeneca cho gần 1.600 người trong 4 ngày qua nhưng chưa ghi nhận hiện tượng đông máu sau tiêm.

Hiện Việt Nam vẫn triển khai tiêm vắc xin ngừa COVID-19 của hãng này như kế hoạch và tiếp tục theo dõi chặt các phản ứng sau tiêm.

Việt Nam bắt đầu triển khai tiêm kế hoạch tiêm vắc xin phòng COVID-19 của AstraZeneca từ ngày 8/3, đến nay đã tiêm được 1.585 người tại 13 cơ sở của 9 tỉnh, thành phố: Hà Nội, TP. HCM, Hải Dương, Bắc Ninh, Hải Phòng, Hưng Yên, Bắc Giang, Gia Lai và Long An.

Những mũi tiêm vắc xin COVID-19 đầu tiên tại Hải Dương hôm 8/3. Ảnh: VNVC.
Những mũi tiêm vắc xin COVID-19 đầu tiên tại Hải Dương hôm 8/3. Ảnh: VNVC.

Theo Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia, tính từ ngày 8/3 đến sáng nay (12/3), Việt Nam đã triển khai tiêm vắc xin COVID-19 cho 13 cơ sở của 9 tỉnh, thành phố: Hải Dương, Hà Nội, Gia Lai, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Hưng Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang và Long An.

Qua triển khai tiêm chủng, đã ghi nhận 6 trường hợp phản vệ độ 2 được xử lý kịp thời và tình trạng sức khỏe những người này đã ổn định, đang tiếp tục được theo dõi.

Một số trường hợp khác có phản ứng sau tiêm thông thường. Công tác bảo đảm an toàn tiêm chủng và theo dõi phản ứng sau tiêm tiếp tục được thực hiện nghiêm túc.

Bộ Y tế cho biết, vắc xin phòng COVID-19 của AstraZeneca sử dụng lần này là vắc xin mới, vì vậy ngành y tế các cấp cũng đã chuẩn bị tốt nhất cho tình huống có thể xảy ra.

Tại tất cả các điểm tiêm, công tác chuẩn bị đã được thực hiện chu đáo, hộp chống sốc được trang bị đầy đủ để xử trí tại chỗ kịp thời.

Các bệnh viện cũng đã sẵn sàng tổ chức các đội cấp cứu lưu động hỗ trợ các điểm tiêm.

Do yêu cầu của công tác phòng, chống dịch COVID-19, trong quá trình triển khai tiêm chủng lần này, ngoài đảm bảo an toàn tiêm chủng, các địa phương phải tuân thủ nghiêm các quy chuẩn kỹ thuật phòng lây nhiễm SARS-CoV-2. 

Hướng tới mục tiêu đảm bảo an toàn cho người được tiêm vắc xin phòng COVID-19 là ưu tiên cao nhất, Bộ Y tế sẽ tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát cùng với các địa phương về thực hiện nguyên tắc “4 tại chỗ”, đảm bảo sẵn sàng các phương tiện phòng chống sốc và xử trí kịp thời, yêu cầu các địa phương thực hiện nghiêm túc đúng đối tượng ưu tiên theo Nghị quyết 21/NQ-CP của Chính phủ, đảm bảo công bằng trong tiếp cận vắc xin.

Bên cạnh đó, các tuyến thực hiện giám sát hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật và rút kinh nghiệm cụ thể, từ đó chia sẻ cho các cán bộ y tế tại các tuyến để triển khai tiêm chủng an toàn, đạt tỷ lệ cao.

Cũng như bất kỳ một loại thuốc hay vắc xin nào khác, vắc xin COVID-19 có thể gây nên một số phản ứng không mong muốn sau khi tiêm, từ mức độ nhẹ như sốt, sưng đau tại chỗ tiêm, đau đầu, buồn nôn, đau cơ, đau khớp, mệt mỏi, bồn chồn đến nghiêm trọng như sốc phản vệ.

Sau khi tiêm vắc xin, người được tiêm chủng cần ở lại cơ sở y tế 30 phút để được nhân viên y tế theo dõi tình trạng sức khỏe; và tiếp tục tự theo dõi sức khỏe bản thân trong vòng 1-2 ngày tiếp theo. Khi gặp các dấu hiệu bất thường, hãy đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán và xử trí kịp thời.

Theo Bộ Y tế, đây là loại vắc xin phòng COVID-19 lần đầu sử dụng, theo nguyên tắc đảm bảo an toàn tối đa nhất cho người dân. Vì thế, Bộ Y tế trong thời gian qua đã tích cực trao đổi, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn để tổ chức điểm tiêm chủng, buổi tiêm và chiến dịch tiêm một cách an toàn nhất.

Do đó, Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu tất cả cơ sở y tế tập huấn tiếp tục nghiên cứu sao cho đảm bảo việc tiêm chủng thật an toàn.

Bộ trưởng cũng cho biết điểm khác với quốc tế trong tiêm vắc xin phòng COVID-19 ở Việt Nam. Đó là, khác với các nước và khác với các quy trình tiêm chủng trước đây, Việt Nam sẽ thực hiện khám sàng lọc trước khi tiêm vắc xin ngừa COVID-19 để đảm bảo an toàn tiêm chủng, dù mất nhiều thời gian hơn.

Bộ Y tế cho biết, đợt tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 lần này là khởi đầu cho chiến dịch tiêm chủng có quy mô lớn nhất từ trước đến nay với hơn 100 triệu mũi tiêm được thực hiện trên toàn quốc, với nguồn lực đầu tư rất lớn của Chính phủ để phòng chống dịch COVID-19 hiệu quả, góp phần bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe người dân.

Do đó, khi đến lượt mình, người dân hãy đi tiêm chủng để bảo vệ cho cá nhân, người thân và vì một cộng đồng khỏe mạnh.

Các phản ứng có thể xảy ra sau tiêm chủng vaccine phòng COVID-19

PGS.TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ TW, Phó trưởng Ban điều hành Dự án Tiêm chủng rộng cho biết vaccine được sử dụng trong đợt tiêm đầu tiên này là vắc xin AstraZeneca, do Tập đoàn AstraZeneca sản xuất bởi SK Bioscience (SKBio) Hàn Quốc.

Vắc xin được Tổ chức Y tế giới (WHO) thông qua chấp thuận sử dụng trong trường hợp khẩn cấp vào ngày 15/2/2021. Đến ngày 25/2, vaccine này đã được 25 quốc gia chấp thuận lưu hành và sử dụng, trong đó có Việt Nam.

Vắc xin ở dạng dung dịch, đóng 10 liều/1 lọ, sẽ sử dụng tiêm chủng mỗi liều 0,5 ml. vắc xin được yêu cầu bảo quản ở nhiệt độ 2-8 độ C, cũng giống như các vắc xin khác trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng, song nhà sản xuất cũng lưu ý tuyệt đối không được để đông băng vắc xin.

Vắc xin chỉ hạn sử dụng 6 tháng từ ngày sản xuất. Lọ vaccine đã mở chỉ sử dụng trong vòng 6 giờ.

Bộ Y tế nhấn mạnh, đảm bảo an toàn cho người được tiêm vắc xin phòng COVID-19 là ưu tiên cao nhất. Tất cả quy trình từ nhập khẩu đến khi tiêm chủng vắc xin COVID-19 tại Việt Nam đều được giám sát chặt chẽ. Ảnh: SKĐS.
Bộ Y tế nhấn mạnh, đảm bảo an toàn cho người được tiêm vắc xin phòng COVID-19 là ưu tiên cao nhất. Tất cả quy trình từ nhập khẩu đến khi tiêm chủng vắc xin COVID-19 tại Việt Nam đều được giám sát chặt chẽ. Ảnh: SKĐS.

Các phản ứng có thể xảy ra sau tiềm gồm: Phản ứng phổ biến đau tại chỗ tiêm, đau đầu, buồn nôn, mệt mỏi, ớn lạnh, sốt.., và có thể có các phản ứng hiếm gặp khác như phản ứng phản vệ, dị ứng.

Theo PGS. TS Dương Thị Hồng, đây là vắc xin rất mới, các thông tin về tai biến, biến cố bất lợi sau tiêm chủng cũng chưa được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cung cấp đầy đủ.

Cũng như tất cả các vắc xin khác, vắc xin này khi đưa vào cơ thể cũng có thể xảy ra phản ứng nghiêm trọng như phản ứng sốc (trong vòng 30 phút sau tiêm hoặc phản ứng quá mẫn muộn trong 1-2 ngày đầu sau tiêm). Cũng vì thế, để đảm bảo cho đợt tiêm chủng này, ngoài các quy định đảm an toàn tiêm chủng, đối tượng tiêm sẽ được khám sàng lọc cẩn thận trước khi tiêm.

Tại các điểm tiêm chủng phải bố trí để đảm bảo giãn cách, bố trí hộp chống sốc, thường xuyên có cán bộ y tế theo dõi sát sức khỏe của các đối tượng được tiêm. Đồng thời, sắp xếp không quá 100 đối tượng/điểm tiêm chủng/buổi tiêm chủng.

Vắc xin AstraZeneca có hiệu lực bảo vệ 76% sau mũi 1 và 84% sau mũi 2. Do hiệu lực bảo vệ không đạt 100% nên song song tiêm vắc xin, người dân vẫn cần thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, đặc biệt tuân thủ tốt thông điệp 5K.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tên lửa đạn đạo phi hạt nhân mới “Oreshnik” của Nga

'Mục tiêu nóng' đang chờ Oreshnik?

GD&TĐ -Nga được cho là đã biên soạn một danh sách các địa điểm quân sự quan trọng của Kiev sẽ bị nhắm mục tiêu trong giai đoạn tiếp theo của cuộc xung đột.

Truyện ngắn: Sau lưng ba

Truyện ngắn: Sau lưng ba

GD&TĐ - Ngồi sau lưng ba, tôi vui vẻ hát vu vơ mấy bài hát trên lớp cô giáo dạy. Ba tôi khen tôi hát hay, càng làm tôi hưng phấn rống cổ hát to hơn.