Bệnh nhân ung thư nào có thể tiêm vắc-xin Covid-19?

GD&TĐ - Bệnh nhân ung thư đang điều trị có thể tiêm vắc-xin Covid-19, miễn không có tiền sử bị dị ứng với một trong các thành phần trong sinh phẩm.

Việt Nam tiến hành tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 trên nhân viên y tế từ ngày 8/3.
Việt Nam tiến hành tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 trên nhân viên y tế từ ngày 8/3.

Bệnh nhân ung thư nên tiêm vắc-xin vào giữa các chu kỳ điều trị, hoặc sau khi được ghép tế bào gốc đúng lúc các tế bào miễn dịch “khỏe mạnh” nhất để đáp ứng tốt nhất.

Vì sao cần tiêm 2 mũi vắc-xin?

Theo Chương trình Tiêm chủng Mở rộng quốc gia, trong tháng 3 - 4, Việt Nam sẽ nhận được 4.177.000 liều vắc-xin phòng Covid-19 do COVAX Facility hỗ trợ thông qua Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) cung ứng.

Cụ thể, ngày 25/3, Việt Nam sẽ tiếp nhận 1.373.800 liều vắc-xin và trong tháng 4 sẽ tiếp nhận 2.803.200 liều. Tất cả đều là vắc-xin phòng Covid-19 của AstraZeneca. Cũng trong tháng 4, Việt Nam sẽ tiếp nhận 1,48 triệu liều vắc-xin phòng Covid-19 của AstraZeneca do Bộ Y tế mua thông qua VNVC.

Tổng cộng trong tháng 3 và 4, Việt Nam sẽ tiếp nhận 5,657 triệu liều vắc-xin phòng Covid-19 của AstraZeneca.

COVAX Facility là cơ chế do Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Liên minh Toàn cầu về vắc-xin và tiêm chủng (GAVI), UNICEF, Liên minh đổi mới sáng tạo sẵn sàng cho dịch bệnh (CEPI), các nhà sản xuất vắc-xin và đối tác lập ra. Nhờ đó, bảo đảm các quốc gia đều được tiếp cận với vắc-xin công bằng và hiệu quả.

Vắc-xin Covid-19 của Astrazeneca giúp hệ thống miễn dịch của người được tiêm có khả năng nhận biết và tiêu diệt virus SARS-CoV-2. Vắc-xin chứa một loại virus gây cảm lạnh thông thường đã được biến đổi gen. Công nghệ “virus biến đổi” được sử dụng để tạo ra loại vắc-xin này từng được thử nghiệm và ứng dụng thành công trong việc tạo ra vắc-xin cho các bệnh khác.

Lý giải về việc cần tiêm 2 liều đối với vắc-xin Covid-19 của AstraZeneca, ThS.BS Nguyễn Tiến Đồng - Trung tâm Y học Hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết, mũi tiêm đầu tiên giúp hệ thống miễn dịch tạo phản ứng chống lại SARS-CoV-2. Trong khi đó, mũi tiêm thứ hai làm tăng phản ứng miễn dịch để đảm bảo sẽ bảo vệ lâu dài.

Nhóm chiếm tỷ lệ lớn bệnh nhân Covid-19 nặng

Không ít người đặt ra câu hỏi, liệu bệnh nhân ung thư có thể tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 của AstraZeneca không. Tuy nhiên, theo TS.BS Phạm Nguyên Quý - Bệnh viện Trung ương Miniren Kyoto, Bệnh viện Đại học Kyoto, hiện chưa có đủ dữ liệu về sự an toàn và hiệu quả của vắc-xin trên các bệnh nhân ung thư.

“Cần lưu ý, hiệu quả bảo vệ cơ thể khỏi Covid-19 có thể không như kỳ vọng vì một số điều trị ung thư như hóa trị, xạ trị, ghép tủy... có thể làm suy giảm chức năng hệ miễn dịch (thường là tạm thời)”, TS Quý cho biết.

Tuy nhiên, chuyên gia này dẫn chứng, vắc-xin có thể mang lại một số lợi ích nhất định như giảm nguy cơ hoặc mức độ nghiêm trọng của Covid-19. Đặc biệt là khi bệnh nhân ung thư chiếm tỷ lệ cao trong số ca mắc Covid-19 nặng.

“Bệnh nhân ung thư đang điều trị có thể tiêm vắc-xin Covid-19, miễn không có tiền sử bị dị ứng với một trong các thành phần trong sinh phẩm. Các điều trị ung thư như hóa trị và liệu pháp miễn dịch có thể làm giảm chức năng miễn dịch theo đợt/chu kỳ. Bệnh nhân ung thư nên tiêm vắc-xin vào giữa các chu kỳ điều trị hoặc sau khi được ghép tế bào gốc đúng lúc các tế bào miễn dịch “khỏe mạnh” nhất để đáp ứng tốt nhất”, TS Quý giải thích.

Cân nhắc kỹ trước khi tiêm

Trước đó, TS.BS Nguyễn Tiến Quang - Chủ tịch Hội đồng quản lý Bệnh viện K (Hà Nội), nhận định, người mắc ung thư cũng như các bệnh nhân có bệnh lý nền khác, nằm trong nhóm khuyến cáo tiêm phòng Covid-19.

“Tiêm phòng không làm ảnh hưởng đến liệu trình điều trị ung thư cũng như không giảm hiệu quả của vắc-xin. Đối với những bệnh nhân hóa trị phác đồ đa thuốc, liều cao hoặc ghép tế bào gốc tạo máu, khuyến cáo nên trì hoãn tiêm vắc-xin Covid-19 dựa trên dữ liệu cho thấy, hầu hết các loại vắc-xin chủng ngừa bệnh có hiệu quả hạn chế trong thời gian bệnh nhân ức chế miễn dịch nhiều nhất”, TS Quang lý giải.

Theo chuyên gia này, các bác sĩ sẽ cân nhắc tình hình dịch bệnh tại mỗi địa phương, tình trạng bệnh ung thư và ảnh hưởng của việc tạm dừng các phương pháp điều trị ung thư trên người bệnh cụ thể. Nhờ đó, giúp quyết định có tiêm vắc-xin ngay hay không.

Bệnh nhân đang sử dụng các loại thuốc nội tiết như tamoxifen, anastrozol, letrozol, exemestane, thuốc đồng vận LHRH, các thuốc kháng androgen… trong ung thư vú, ung thư tuyến tiền liệt, có thể tiêm phòng Covid-19 mà không ảnh hưởng đến hiệu lực của vắc-xin.

Bệnh nhân đang ung thư xạ trị có thể tiêm phòng vắc-xin sớm và không cần ngừng quá trình xạ trị. Trong khi đó, bệnh nhân liên quan đến ung thư nên tiêm vắc-xin vài ngày trước khi tiến hành phẫu thuật. Bệnh nhân ung thư vú có kế hoạch phẫu thuật tuyến vú và vét hạch nách, nên tiêm vắc-xin ở tay đối diện. Bởi, sau khi tiêm vắc-xin có thể xuất hiện phản ứng tại hạch.

“Bệnh nhân ung thư đã kết thúc điều trị, đang theo dõi định kỳ có thể tiêm vắc-xin Covid-19, miễn không có chống chỉ định hay dị ứng với bất kỳ thành phần nào của thuốc”, chuyên gia nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ