Lễ ký kết thỏa thuận là cơ hội mở rộng quan hệ hợp tác, thu hút các chuyên gia, nhà khoa học tham gia hoạt động nghiên cứu xây dựng pháp luật, phản biện chính sách, hoạt động nghiên cứu khoa học và các lĩnh vực hoạt động khác của Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng như tăng cường nghiên cứu khoa học, năng lực đào tạo và các lĩnh vực hoạt động khác của Trường ĐH Luật Hà Nội.
Ngoài ra, thỏa thuận còn góp phần tham gia tích cực, hiệu quả vào công tác xây dựng pháp luật, chính sách, đóng góp vào việc hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nâng cao năng lực quản trị quốc gia.
Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đã tới dự Lễ ký kết. Cùng dự có: Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long; đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban: Đối ngoại, Pháp luật, Kinh tế, Văn hóa, Giáo dục, Tài chính - Ngân sách. Thay mặt hai cơ quan, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển và Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội Đoàn Trung Kiên đã ký Thỏa thuận hợp tác giữa hai bên.
Phát biểu tại lễ ký kết, Thứ Trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh nói: Cơ hội hợp tác giữa Trường ĐH Luật Hà Nội và Viện Nghiên cứu lập pháp được phát triển lên 1 tầm cao mới, đa dạng hơn, thuận lợi hơn và hiệu quả hơn với sự hỗ trợ, tạo điều kiện của lãnh đạo Quốc hội và lãnh đạo Bộ Tư pháp.
Bên cạnh đó, sự hợp tác này là cơ hội để các tri thức khoa học, ý kiến phản biện xã hội của các nhà khoa học có uy tín trong trường được truyền tải tới diễn đàn lập pháp của cơ quan dân cử; góp phần nâng cao hiệu quả thực hiện các nhiệm vụ, công tác quan trọng của từng đơn vị nói riêng và nâng cao chất lượng xây dựng pháp luật, theo dõi, thi hành pháp luật của Bộ Tư pháp, ngành Tư pháp và của cả nước nói chung.
Đồng thời, việc hợp tác với các cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng là cơ hội rất tốt để Trường ĐH Luật Hà Nội nâng cao vị thế, chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học, phục vụ cộng đồng.
TS Đoàn Trung Kiên phát biểu. Ảnh NC |
Cũng tại buổi lễ này, TS Đoàn Trung Kiên – Hiệu trưởng Trường ĐH Luật Hà Nội cho biết: Ngay sau lễ ký kết này, hai đơn vị sẽ thảo luận và thống nhất triển khai ngay thành các kế hoạch công việc, nhiệm vụ cụ thể từ nay đến cuối năm và những năm tiếp theo, cho đến năm 2026, gắn với chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”.
Cương lĩnh chính trị đại hội Đảng, chương trình xây dựng pháp luật hàng năm của Quốc hội, thu hút, tận dụng được tối đa nguồn lực của các bên, đặc biệt là tri thức, bề dầy kinh nghiệm, tâm huyết, cống hiến của đội ngũ các nhà khoa học đầu ngành trong lĩnh vực khoa học pháp lý tham gia vào các công tác, nhiệm vụ chung.
“Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của mình, Viện Nghiên cứu lập pháp và Trường Đại học Luật Hà Nội mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ”, TS. Kiên nói.
Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác này là cơ sở quan trọng cho sự hợp tác bền vững, lâu dài giữa Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Trường ĐH Luật Hà Nội góp phần tích cực vào thúc đẩy sự tăng trưởng mạnh mẽ của đôi bên.
Nội dung chính của thỏa thuận hợp tác giữa Viện Nghiên cứu lập pháp và Trường ĐH Luật Hà Nội giai đoạn 2022-2026
1. Hoạt động nghiên cứu khoa học lập pháp: tham gia thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học; tham gia tổ chức hội thảo, tọa đàm; viết sách chuyên khảo; hỗ trợ công bố quốc tế; hợp tác trong Diễn đàn Luật học và Phát triển.
2. Hợp tác tổ chức các tọa đàm, hội thảo liên quan đến chính sách và pháp luật, nhà nước pháp quyền, quản trị quốc gia, phản biện, tư vấn chính sách, pháp luật.
3. Trao đổi tri thức chuyên gia: Trường tạo điều kiện để các nhà khoa học của Viện tham gia hoạt động nghiên cứu khoa học và giảng dạy các bậc, hệ của Trường; Viện tạo điều kiện để các nhà khoa học của Trường tham gia các hoạt động khoa học, tham mưu xây dựng chính sách, pháp luật của Quốc hội; tham gia hội đồng tư vấn về khoa học và công nghệ.
4. Trao đổi kết quả nghiên cứu khoa học: trao đổi kết quả, công trình nghiên cứu khoa học của mỗi bên (sách chuyên khảo, tạp chí khoa học, các công trình khoa học khác) dưới dạng bản in và số hóa; chia sẻ, trao đổi tổng hợp thông tin khoa học trong các lĩnh vực.
5. Hỗ trợ cán bộ, giảng viên và sinh viên của Trường Đại học Luật Hà Nội có môi trường thực tập, kiến tập tại Viện và các cơ quan của Quốc hội.
6. Các lĩnh vực khác hai bên cùng quan tâm.