Gây thiệt hại tài sản nhà nước mà kỷ luật như sai phạm thông thường là chưa nghiêm

GD&TĐ - Dư luận đang rất quan tâm hiện tượng người có hành vi tham nhũng gây thiệt hại rất lớn về kinh tế, ngân sách nhưng chỉ bị xử lý như những cán bộ, công chức vi phạm kỷ luật hành chính... làm cho hiệu quả của việc chống tham nhũng, lãng phí chưa đạt được kết quả như xã hội mong đợi.  

Ảnh minh họa (theo laodong.com.vn)
Ảnh minh họa (theo laodong.com.vn)

Thời gian gần đây, trước nỗ lực của các cơ quan chức năng, rất nhiều vụ việc tham nhũng, lãng phí, tiêu cực được phát hiện, xử lý. Điều này đã mang lại một xung lực, khí thế mới trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Kết quả đạt được không những mang lại niềm tin cho người dân về một xã hội tốt đẹp hơn mà còn tạo động lực cho cả cán bộ, công chức tham gia tích cực hơn trong cuộc chiến chống nạn tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.

Tuy nhiên, dưới gốc độ bài viết này chúng tôi chỉ đề cập đến những bất hợp lý trong việc xử lý đối với hành vi gây thiệt hại, lãng phí. Đó là xử lý chưa triệt để, “đến nơi, đến chốn” các vụ việc thiệt hại, thất thoát, nhất là việc xử lý trách nhiệm những người gây thiệt hại, thất thoát, lãng phí.

Vấn đề dư luận đang rất quan tâm hiện nay là có nhiều trường hợp người có hành vi tham nhũng gây thiệt hại rất lớn về kinh tế, ngân sách nhưng cũng chỉ bị xử lý hành chính thông thường như những cán bộ, công chức vi phạm kỷ luật hành chính khác. Đặc biệt nếu không có yếu tố tham nhũng, cố ý làm trái thì rất ít vụ việc bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi gây thiệt hại, thất thoát tài sản.

Nhiều vụ việc gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng, hậu quả hết sức nghiêm trọng như tàn phá môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng ngàn người dân nhưng cũng chỉ bị xử lý kỷ luật cảnh cáo, cách chức... như các hành vi vi phạm kỷ luật thông thường khác. Minh chứng là một số cán bộ, công chức chỉ vi phạm kỷ luật thông thường như uống rượu trong giờ làm việc, thiếu sót nhỏ trong công tác chuyên môn, nghiệp vụ, vi phạm chính sách dân số,... cũng bị xử lý kỷ luật bằng các hình thức tương tự như cảnh cáo, cách chức…

Theo chúng tôi, cơ quan chức năng cần xem xét lại cách thức, mức xử lý kỷ luật cho phù hợp với mức độ của hành vi và tình hình thực tế. Theo đó, đối với các hành vi gây thiệt hại, thất thoát tài sản hoặc gây ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của người dân phải bị xử lý nghiêm minh với mức xử lý nghiêm khắc hơn.

Đặc biệt, trường hợp tham nhũng, gây thiệt hại, thất thoát tài sản thì ngoài xử lý trách nhiệm theo quy định về trách nhiệm hình sự thì phải kiên quyết thu hồi tài sản tham nhũng, thất thoát, lãng phí, nhất là áp dụng chế tài tịch thu toàn bộ tài sản.

Đối với trường hợp cán bộ, công chức có hành vi hành chính gây thiệt hại cho tài sản của Nhà nước nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì bắt buộc phải bồi thường, tùy theo mức lỗi của hành vi là vô ý hoặc hoặc cố ý mà đưa ra tỷ lệ bồi thường hợp lý, nhưng ít nhất phải từ 20% số tài sản đã gây thiệt hại trở lên.

Có làm được như vậy, việc đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí mới thật sự có tác dụng, góp phần quan trọng vào việc phòng ngừa, đủ sức răn đe đối với các hành vi tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, đồng thời đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ