Viêm mũi xoang lúc giao mùa

Bệnh viêm mũi xoang là bệnh rất thường gặp trong các bệnh chuyên khoa tai mũi họng, có thể chiếm từ 20 - 25% dân số.

Viêm mũi xoang lúc giao mùa

Viêm mũi xoang ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống cũng có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm như áp xe não, viêm tai giữa, viêm phế quản (hội chứng xoang phế quản).

Những biểu hiện

Bệnh xảy ra quanh năm thường gặp khi thời tiết chuyển mùa. Nguyên nhân là do thời tiết thay đổi thất thường. 

Khi chênh lệch nhiệt độ giữa ban ngày và đêm, khói xe, ô nhiễm môi trường và làm việc quá thường xuyên trong môi trường có điều hòa nhiệt độ nên vi khuẩn, nấm mốc, virut phát triển nhanh… đã dẫn tới bệnh cảm cúm, viêm họng, viêm mũi dị ứng và viêm xoang.

Ngoài ra bệnh hay gặp nhiều ở những đối tượng làm những nghề tiếp xúc với khói, bụi, như thợ mộc, thợ xây dựng, công nhân quét đường… 

Nhiều trường hợp mắc bệnh do đi ngoài đường thường không đeo khẩu trang, hoặc sống ở khu vực có môi trường bị ô nhiễm.

Khi bị viêm mũi xoang, thông thường bệnh nhân chỉ thấy mệt mỏi, sốt nhẹ, nhưng cũng có trường hợp sốt cao (nhất là ở trẻ em). 

Đau vùng mặt là dấu hiệu chính, thường đau về sáng do đêm bị ứ đọng xuất tiết, đau thành từng cơn gây nhức đầu. Đau nhức nhất là vùng quanh mắt, đau thành cơn, theo nhịp mạch đập. 

Ấn thấy đau ở phía dưới ổ mắt, cơn đau có chu kỳ đúng khoảng thời gian nhất định trong ngày, thường vào lúc từ 8 giờ tới 11 giờ. Bên cạnh đó, bệnh nhân thường thấy ngạt, tắc mũi. 

Tùy theo tình trạng viêm mà tắc một hay cả hai bên, mức độ nhẹ hoặc vừa, từng lúc hay tắc liên tục gây mất ngửi, ngạt nhiều bên đau, ngạt tăng về ban đêm. Chảy mũi đặc có thể mủ lẫn máu.

Trường hợp viêm xoang do răng số 5, 6, 7 hàm trên sẽ thấy bị áp-xe quanh răng, đau nhức theo nhịp mạch đập.

Lợi quanh đó bị viêm, mủ chảy từ xoang ra rất thối, chảy mủ mũi vàng đục làm hoen bẩn khăn tay, có mùi hôi. Xì mạnh đôi khi thường gây đau và lẫn tia máu. Viêm xoang cấp có thể tự khỏi nhưng cũng dễ chuyển thành viêm xoang mạn.

Phòng bệnh viêm mũi, viêm xoang

Bệnh đường hô hấp tiến triển có thể dẫn tới viêm xoang nên cần phải có sự phòng ngừa và điều trị đúng để không gặp phải những trường hợp đáng tiếc xảy ra. Dưới đây là một số cách phòng ngừa bệnh viêm xoang, viêm mũi lúc giao mùa:

Luôn luôn giữ ấm là điều rất quan trọng trong mùa lạnh, đặc biệt là vùng cổ, ngực và mũi khi trời lạnh.

Khi đi ra ngoài đường cần sử dụng khẩu trang không những giữ ấm được mũi mà còn hạn chế sự xâm nhập của bụi, vi khuẩn.

Không tắm nước lạnh mà cần tắm nước nóng, tắm nhanh trong buồng kín gió, lau thân mình và đầu, mặt, cổ thật khô và mặc quần áo ngay.

Thường xuyên vệ sinh họng, miệng hàng ngày như đánh răng trước và sau khi ngủ dậy, sau mỗi bữa ăn và súc họng nước muối sinh lý. Giữ họng và miệng không bị viêm sẽ hạn chế việc bị viêm xoang cũng như bệnh viêm xoang tái phát, bởi hệ thống xoang và các bộ phận đường hô hấp trên liên thông với nhau.

Nên đi khám khi có những nghi ngờ biểu hiện của viêm mũi, viêm xoang, viêm đường hô hấp. Người bị viêm xoang và viêm xoang tái phát cần thiết điều trị theo đơn của bác sĩ, không nên tự mua thuốc kháng sinh để điều trị bệnh. 

Vì nếu làm như vậy sẽ lợi bất cập hại, nghĩa là bệnh không khỏi mà có khi còn tăng lên hoặc gây tai biến rất nguy hiểm.

Trường hợp bị viêm mũi dị ứng, tái đi tái lại nhiều lần, có các biểu hiện như chảy nước mũi, ngạt mũi, điếc mũi do thay đổi thời tiết có thể điều trị và dự phòng bằng cách sử dụng các vị thuốc thảo dược có tính ấm, tính kháng sinh tự nhiên như thương nhĩ tử, kim ngân hoa, phòng phong, bạc hà... để làm ấm cơ thể, tăng sức đề kháng, phòng bệnh viêm mũi viêm xoang khi mùa đông tới.

Tránh uống rượu, bia quá nhiều, vì nó làm cho niêm mạc mũi xoang phù nề do vậy rất dễ đưa đến viêm xoang.

Uống nhiều nước, ăn nhiều trái cây và rau xanh: Nước giúp làm loãng niêm dịch nên sự dẫn lưu của mũi xoang tốt hơn, tránh sự ứ đọng bụi bẩn và vi khuẩn. 

Trái cây và rau xanh cung cấp cho cơ thể nhiều chất chống ôxy hóa và vitamin, giúp hệ miễn dịch của cơ thể mạnh hơn trong phòng chống nhiễm trùng.

Người bị viêm mũi dị ứng thường có các triệu chứng hắt xì, chảy mũi, ngứa mũi và nghẹt mũi khi tiếp xúc với dị nguyên, các triệu chứng này có thể quanh năm hoặc theo mùa. Khi đó niêm mạc mũi xoang bị phù nề, tiết dịch, nếu không điều trị tích cực sẽ dẫn đến viêm xoang do bội nhiễm vi khuẩn từ môi trường. 

Muốn phòng bệnh tốt nhất nên tránh tiếp xúc với dị nguyên đã biết, rửa mũi bằng nước muối sinh lý hằng ngày, khám và sử dụng các loại thuốc chống dị ứng theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa...

Tránh ngoáy mũi nhiều thì sẽ gây tổn thương phần tiền đình mũi và niêm mạc mũi.

Theo Sức khoẻ và Đời sống

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Trao quà Tết cho học trò nghèo tại huyện Krông Bông, Đắk Lắk. (Ảnh: HT)

Lặng thầm trao gửi yêu thương

GD&TĐ - Thời gian qua, Báo GD&TĐ tại miền Trung - Tây Nguyên thường xuyên phối hợp Hội nội thất ô tô Tây Nguyên hỗ trợ học bổng, quà cho học trò nghèo.

Trịnh Ngọc Thanh Tú nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT. Ảnh: TT

Nữ sinh phố núi ước mơ thành cô giáo

GD&TĐ - Trịnh Ngọc Thanh Tú - lớp 12A1, Trường THPT Lê Quý Đôn (TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) luôn nuôi ước mơ làm cô giáo để nối tiếp truyền thống gia đình.