Viêm loét đại tràng

GD&TĐ - Viêm loét đại tràng là một trong những bệnh mạn tính không lây thường gặp.

Ảnh minh họa: ITN
Ảnh minh họa: ITN

Đây là bệnh xảy ra ở đường tiêu hóa có tiến triển lâu dài, làm suy giảm chất lượng cuộc sống và làm suy mòn cơ thể.

Cấu tạo và chức năng

Đại tràng còn được gọi là ruột già. Đây là phần cuối của hệ thống tiêu hóa. Đại tràng nằm trọn trong ổ bụng và phần nằm lộ thiên... “một chút” được gọi là hậu môn.

Chiều dài của đại tràng thay đổi tùy dân tộc, có thể dài đến 1,9m. Chiều dài trung bình của đại tràng người Việt Nam là 1,48m. Nhìn chung chiều dài của đại tràng chiếm tỉ lệ 1/5 chiều dài của ống tiêu hóa (bắt đầu từ miệng và kết thúc là hậu môn).

Trong ổ bụng, đại tràng xếp uốn lượn thành một cái khung. Khung đại tràng bao gồm: Đại tràng phải bắt đầu từ manh tràng - nơi ruột non (tiểu tràng) đổ vào ruột già (đại tràng).

Tiếp đến là đại tràng ngang, gần như nằm vắt ngang qua ổ bụng nối với đại tràng trái, nằm ở bên trái ổ bụng và cuối cùng là một đoạn đại tràng ngắn “loằng ngoằng” gọi là đại tràng sigma (∑) nối với trực tràng hay ống hậu môn (dài khoảng 15cm).

Nơi phân được dẫn ra bên ngoài lỗ hậu môn. Đoạn nối giữa ruột non và ruột già có một cái van ngăn chặn sự trào ngược “chất thải” từ ruột già đi lên ruột non.

Đại tràng có các chức năng chính sau đây:

- Tiếp nhận và lưu trữ thức ăn đã được tiêu hóa. Vi khuẩn trong đại tràng tiếp tục phân hủy phần thức ăn đã được tiêu hóa này thành phân. Đại tràng còn thực hiện nhiệm vụ tái hấp thu lại lượng nước và các chất điện giải để làm khô chất thải trước khi đủ lượng để tống xuất ra ngoài.

Tuy nhiên, nếu nhu động của đại tràng giảm thì việc hấp thu nước và các chất khác kéo dài. Điều này làm cho phân khô cứng nên gây ra hiện tượng táo bón.

Ngược lại, trong các trường hợp viêm ruột cấp nhu động của đại tràng co bóp quá nhanh và niêm mạc bài tiết ra nhiều nước thay vì hấp thu nước khiến cho phân bị pha loãng và bị đẩy nhanh qua khỏi trực tràng gây ra bệnh cảnh tiêu chảy và mất nước.

Song, tiêu chảy cũng không phải là điều gì tồi tệ cho lắm. Nó giúp thải nhanh chóng các chất bất lợi ra khỏi cơ thể, nên giúp cho bệnh nhân sớm đỡ và khỏi bệnh.

- Tiếp tục tiêu hóa thức ăn: Niêm mạc đại tràng tiết dịch có môi trường kiềm tiêu hóa phần thức ăn chưa được tiêu hóa trong môi trường acid của dạ dày và ruột non. Dịch tiết ở đại tràng còn có tác dụng bảo vệ niêm mạc đại tràng nhờ trung hòa acid từ dạ dày và ruột non đi theo thức ăn xuống. Ngoài ra, nó còn có tác dụng làm mềm phân.

- Tạo ra nhiều chất vi lượng cần thiết cho cơ thể: Một số vi khuẩn ký sinh trong ruột già đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra các thiamine, vitamin K, vitamin B12, riboflavin... là những chất vi lượng rất cần cho cơ thể mà thức ăn đưa từ bên ngoài vào không cung cấp đủ cho nhu cầu của cơ thể.

- Tiết chất nhầy bảo vệ thành ruột không bị trầy xước trong quá trình phân được làm cho cô đặc và di chuyển. Ngoài ra, chất nhầy làm cho phân thải ra ngoài kết dính với nhau thành khối.

Các biểu hiện

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Các vị trí viêm loét đại tràng xảy ra càng nhiều nơi thì bệnh cảnh càng nặng nề. Các biểu hiện thường thấy bao gồm:

- Co thắt và đau vùng bụng

- Tiêu chảy hoặc táo bón và mót rặn

- Mệt mỏi nhiều và có thể mất nước

- Đi cầu phân máu do xuất huyết

- Thiếu máu và thậm chí là… đau các khớp xương

Ngoài ra, người mắc bệnh viêm loét đại tràng còn có thể có các biểu hiện: Nhức đầu, chóng mặt, màu da và niêm mạc nhợt nhạt.

Tất cả các biểu hiện trên, nếu để diễn ra lâu dài sẽ làm cho người bệnh suy nhược và suy kiệt. Qua đó, chất lượng cuộc sống cũng bị giảm sút một cách nghiêm trọng.

Viêm loét đại tràng là bệnh có diễn biến kéo dài và không có khả năng điều trị khỏi hoàn toàn. Vì vậy, đây là một căn bệnh mạn tính. Các biểu hiện của bệnh có những giai đoạn dường như biến mất, nhưng bất ngờ lại tái phát và bùng nổ dữ dội.

Tập sống chung với… lũ

Như đã nói ở trên, bệnh viêm loét đại tràng là bệnh mạn tính ở đường tiêu hóa. Bệnh diễn biến dọc theo chiều dài thời gian còn lại của suốt một đời người, khi thì không có biểu hiện gì, tưởng chừng như không bệnh, lúc thì bùng nổ.

Dần dà rồi thành quen, người bệnh biết cách thích nghi và tập sống chung với bệnh như người ta thường bảo đùa là tập sống chung với... lũ.

Những người có biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh viêm loét đại tràng như đã nói ở trên cần đi khám sớm để thực hiện một số xét nghiệm, nội soi chẩn đoán hoặc chụp CT... theo như chỉ định của các bác sĩ chuyên khoa.

Với sự phát triển của ngành Y học hiện nay, bệnh sẽ được chẩn đoán xác định sớm và một số loại thuốc mới đã tỏ ra rất hiệu quả trong việc kiểm soát các biểu hiện của bệnh viêm loét đại tràng.

Tuy nhiên, theo Tổ chức về bệnh lý đường tiêu hóa của Hoa Kỳ (Crohn’s and Colitis Foundation of America), khoảng 25% bệnh nhân mắc bệnh này cần được hội chẩn phẫu thuật mới kiểm soát được bệnh.

“Theo báo cáo của một tổ chức về bệnh lý đường tiêu hóa của Hoa Kỳ (Crohn’s and Colitis Foundation of America), hiện có khoảng gần 1 triệu người trong số hơn 350 triệu người dân Mỹ mắc bệnh viêm loét đại tràng ở nhiều mức độ khác nhau. Mọi lứa tuổi đều có thể mắc bệnh viêm loét đại tràng. Tuy nhiên, tỉ lệ phát hiện mắc bệnh cao nhất tập trung ở độ tuổi sau 30.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ