Ảnh minh họa: Internet
Chị Thanh Mai 45 tuổi ở Thanh Xuân, Hà Nội mắc bệnh viêm loét dạ dày mãn tính, nhưng chữa trị nhì nhằng mãi bệnh tình chỉ thuyên giảm chứ không thể nào khỏi hẳn, lâu ngày chị Mai đâm ra chán nản nghĩ bệnh tình không có gì nguy hiểm nên chị không tiếp tục chữa trị mà bỏ mặc bệnh tình.
Nhưng thời gian gần đây, những cơn đau của chị xuất hiện nhiều hơn kèm theo chứng trướng bụng khó tiêu, ăn không hề thấy ngon miệng, người gầy sút nhanh. Chị Mai đi khám bác sĩ và làm các xét nghiệm thì được biết bệnh tình của chị đã chuyển sang giai đoạn ung thư giai đoạn đầu, chị Mai mới tá hỏa.
Tâm lý chủ quan
Theo TS. Nguyễn Tuyết Mai (Trưởng khoa Nội 1, Bệnh viện K, Hà Nội): Các trường hợp viêm dạ dày nếu không phát hiện sớm và điều trị đúng thì sẽ dẫn đến viêm mạn tính hoặc trở thành loét. Trong các bệnh về dạ dày thì đáng sợ nhất là viêm, loét bờ cong nhỏ, tiền môn vị, môn vị hoặc có thể viêm loét hang vị rất dễ biến chứng thành ung thư hóa.
Tuy rằng, viêm loét dạ dày thì ít đau hơn là viêm loét tá tràng. Ngược lại, viêm loét tá tràng thì ít bị ung thư hơn nhưng thường hay đau, dễ làm hẹp môn vị (do hành tá tràng loét xơ chai gây co kéo môn vị), đặc biệt là loét hành tá tràng rất dễ làm chảy máu. Chảy máu hành tá tràng có thể ồ ạt phải cấp cứu hoặc chảy máu ri rỉ làm cho phân thường có màu đen. Trong trường hợp chảy máu nhiều thì phân thường đen như nhựa đường và mùi hôi thối rất đặc biệt như “mùi cóc chết”. Và tất nhiên, các vị trí loét khác của dạ dày cũng có thể bị biến chứng chảy máu.
Một loại biến chứng cũng rất thường gặp và rất nguy hiểm là thủng dạ dày - tá tràng. Có những bệnh nhân do bị loét ngầm nên bình thường không đau bụng hoặc đau rất ít, đột nhiên bị thủng dạ dày phải cấp cứu. Trong trường hợp bị thủng dạ dày mà cấp cứu không kịp thời thì dễ dẫn đến viêm phúc mạc (màng bụng), gây sốc và có thể tử vong.
Để không quá muộn
Bệnh viên loét dạ dày, tá tràng chủ yếu do vi khuẩn HP, vi khuẩn này lây theo đường ăn uống lây truyền. Vì vậy, ăn uống hợp vệ sinh là khâu quan trọng hàng đầu. Trong gia đình khi có người bị viêm loét dạ dày tá tràng thì bát, đũa, cốc, chén… vật dụng cá nhân của người nhiễm khuẩn HP… không nên dùng chung hoặc phải nhúng vào nước đun sôi sau khi đã rửa sạch.
Để phòng bệnh, mọi người cần có chế độ ăn uống hợp vệ sinh, không nên sử dụng quá nhiều các gia vị chua cay, không nên uống nhiều rượu, không để cho cơ thể trong tình trạng đói quá mới ăn, nên sử dụng thức ăn mềm, chín, dễ tiêu hóa. Khi có những dấu hiệu bệnh cần được đi thăm khám và điều trị sớm.
Không tự mua thuốc Aspirin, Corticoid, thuốc Non-steroid (thuốc điều trị khớp) để tự điều trị. Không lạm dụng rượu bia, không ăn quá chua cay và tránh căng thẳng thần kinh.