Dễ lây, khó biết
Trong lần khám sức khỏe định kỳ ở cơ quan, anh Nguyễn Văn Đông (Cầu Giấy, Hà Nội) hốt hoảng khi được bác sĩ thông báo mình bị nhiễm virus viêm gan (VG) C.
Các bác sĩ chỉ định anh phải điều trị, nếu không sẽ có nguy cơ bị các bệnh nguy hiểm về gan. Vì virus lây truyền qua đường tình dục, vợ anh cũng được yêu cầu đi xét nghiệm.
“Một thời gian trước, tôi thường mệt mỏi, đau đầu, chán ăn nhưng chỉ nghĩ mình lao động vất vả, cảm cúm nên bỏ qua. Nếu không đi khám sức khỏe định kỳ thì cũng không biết được” – Anh Đông cho biết.
Theo PGS.Trần Đắc Phu – Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ nhiễm virus VGB và VGC khá cao.
Một số kết quả nghiên cứu cho thấy, tại một số quần thể dân cư ở Việt Nam, tỷ lệ dân số có virus VGB dao động từ 6-20%, VGC là 0,2-4%. Ngoài ra, còn có tỷ lệ không nhỏ người dân nhiễm virus VGA, D, E.
“Trong số những người hiến máu lần đầu ở tuổi từ 18 - 60, tỷ lệ người khỏe mạnh mang virus VGB thay đổi theo từng địa phương, vùng, miền và dao động từ 15 - 25%.
Tình hình nhiễm virus VGB ở nhóm người khỏe mạnh và phụ nữ có thai tại Việt Nam cũng có tỷ lệ từ 10 - 20% và có khả năng lây sang trẻ sơ sinh.
Nghiên cứu cũng cho thấy, 90% trẻ nhiễm virus VGB ngay sau khi sinh có nguy cơ chuyển thành bệnh nhiễm virus VGB mãn tính” – PGS Phu nhấn mạnh.
Theo PGS Phu, trong 5 loại virus VG thì virus VGB và VGC có ảnh hưởng đến sức khỏe con người hơn cả. Ước tính virus VGB và VGC là nguyên nhân gây ung thư gan hàng đầu.
Có khoảng 57% các trường hợp xơ gan và 78% trường hợp ung thư gan tiên phát do nhiễm VGB và VGC. Theo kết quả điều tra gánh nặng bệnh tật toàn cầu năm 2013, nguyên nhân có liên quan đến virus VG đứng hàng thứ 7 trong số các nguyên nhân gây ra tử vong nhiều nhất.
PGS Phu cũng cho biết, virus VG rất nguy hiểm, và rất dễ lây. Virus VGB và C lây qua truyền máu và dịch thể, qua quan hệ tình dục. Còn virus VGD chỉ lây truyền khi cơ thể đã có virus VGB và cũng lây truyền qua truyền máu và quan hệ tình dục.
Virus VGA và E lây qua đường phân – miệng do thức ăn, nước uống và thực hành vệ sinh không đầy đủ. “Đáng lo ngại, trừ khi được làm xét nghiệm máu để tìm virus, còn mọi người đều không biết mình bị nhiễm virus VG. Tuy nhiên, khi nhiễm virus này, người dân có nguy cơ mắc bệnh VG mãn tính, xơ gan, ung thư gan” – PGS Phu cho biết.
Phát hiện bệnh gan rất muộn
Tiên lượng viêm gan siêu vi B
PGS.TS Nguyễn Văn Kính – Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới T.Ư cho biết, hàng năm có hàng triệu người mắc bệnh VG và hàng vạn người đã tử vong vì căn bệnh này.
“Người ta gọi bệnh VG là “kẻ giết người thầm lặng” bởi không có dấu hiệu lâm sàng để nhận biết. Chỉ có 10% người bị bệnh gan có các dấu hiệu rõ ràng như vàng mắt, mệt mỏi. 90% còn lại luôn thấy mình khỏe mạnh và chỉ đi khám khi cơ thể có các dấu hiệu đau đớn, chướng bụng… Khi đó, bệnh đã chuyển thành xơ gan, ung thư gan giai đoạn cuối. Lúc đó tốn tiền điều trị mà tỷ lệ sống cũng rất nhỏ” – PGS Kính cho biết.
Đáng nói, việc điều trị VG rất tốn kém và dai dẳng. Người nhiễm virus VGB phải uống thuốc cả đời với số tiền từ vài trăm ngàn đến vài triệu đồng một tháng.
Còn người bị VGC chỉ cần điều trị 1 năm, có thể khỏi hẳn nhưng chi phí rất lớn, từ 200-300 triệu đồng. “Nhiều người dù biết bệnh nhưng chấp nhận đánh cược số phận vì không có tiền điều trị” – PGS Kính cho biết.
PGS Kính khuyến cáo, để bản thân không mắc bệnh trọng, không tốn khoản tiền lớn, người dân cần đi kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện bệnh sớm.
Nếu không bị nhiễm virus VG nên tiêm phòng vaccine. Hiện trên thị trường đã có các vaccine VGB, VGA. Đặc biệt, người dân cần cho trẻ đi tiêm vaccine VGB miễn phí ngay 24 giờ sau sinh để loại trừ bệnh cho con.