Chuyến đi này, người đứng đầu Nhà Trắng thăm Ả-rập Xê-út, Các Tiểu Vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE) và Qatar. Kể từ khi trở lại cầm quyền đến nay, ông Trump mới chỉ rời nước Mỹ, tới thủ đô Roma (Italy) để dự lễ tang Giáo hoàng Francis trong Toà thánh Vatican. Hiện tại, ông Trump vẫn chưa quyết liệu có tới La Haay (Hà Lan) trong tháng 6 để tham dự cuộc gặp cấp cao thường niên của NATO hay không.
Ba quốc gia Vùng Vịnh kể trên và Mỹ là những đồng minh quân sự chiến lược truyền thống và đối tác kinh tế, thương mại quan trọng. Những vương triều dầu lửa và khí đốt lắm tiền nhiều của này đầu tư trực tiếp rất nhiều vào Mỹ, mua sắm vũ khí và thiết bị quân sự hiện đại của Mỹ, đều là những mắt xích rất quan trọng trong chiến lược địa chính trị, quân sự và an ninh toàn cầu của Mỹ nói chung và đối với khu vực Trung Đông, Vùng Vịnh và Bắc Phi nói riêng.
Dù vậy, giữa họ với Mỹ vẫn có những khúc mắc nhất định liên quan đến Palestine, Israel và Iran, những biến động vẫn đang tiếp diễn ở Iraq và Syria. Cả ba đều là những đầu mối quan hệ và cửa ngõ của Mỹ trong thế giới Ả rập và Hồi giáo. Cả ba đều nhìn nhận rằng không thể thiếu Mỹ nếu muốn đảm bảo an ninh cho chính họ và an ninh khu vực.
Vậy nên, việc được ông Trump chọn làm những điểm đến đầu tiên trong chuyến công du đối tác bên ngoài thật chẳng khác nào cầu được ước thấy đối với bộ ba này. Ả-rập Xê-út và UAE đều đã có động thái tranh thủ ông Trump khi cam kết đầu tư thêm nhiều tỷ USD vào Mỹ. Qatar đã rất hăng hái hậu thuẫn Mỹ sắm vai trò ngoại giao trung gian cho các cuộc chiến tranh và xung đột vũ trang xảy ra trong khu vực hay ở đâu đó trên thế giới.
Các vương triều Vùng Vịnh gần đây đều ít nhiều cải thiện quan hệ với Iran trong khi Mỹ và Iran vẫn đối địch nhau rất quyết liệt, họ cũng phản đối cách thức Israel tiến hành chiến tranh với Hamas ở Dải Gaza mà ông Trump lại hậu thuẫn gần như đến mức dung túng Israel. Vì thế, bộ ba này càng phải khôn khéo trong xử lý quan hệ với Mỹ và với cá nhân ông Trump.
Thời chính quyền tiền nhiệm của ông Trump, mối quan hệ giữa Mỹ với cả ba vương triều này không được bền chặt. Vì vậy, họ kỳ vọng rất nhiều ở ông Trump và chính quyền mới ở Mỹ. UAE thậm chí còn nhìn nhận sự trở lại cầm quyền của ông Trump ở nước Mỹ là “cơ hội cả đời người chỉ có được một lần”.
Ngoài cam kết an ninh của Mỹ, Ả-rập Xê-út mong muốn được Mỹ bán vũ khí hiện đại và ký kết chương trình hợp tác hạt nhân dân sự, trước hết để xây dựng một số nhà máy điện hạt nhân. UAE muốn dựa vào Mỹ để hiện thực hóa chiến lược đầy tham vọng trở thành cường quốc thế giới về phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo.
Qatar chủ định dựa vào sự hậu thuẫn của Mỹ để tăng cường và phát huy vai trò ngoại giao trung gian ở khu vực. Trong bối cảnh như thế, ông Trump dễ dàng có được chuyến thăm thành công cho dù không phải vương triều nào ở Vùng Vịnh hiện cũng đều sẵn sàng chiều lòng ông Trump mà chịu bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Israel.