Kiểm điểm 8 tập thể, 22 cá nhân
Ngày 7/3, bà Ngô Thị Minh Trinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pắc (Đắk Lắk) cho biết, UBND huyện đã có báo cáo kết quả thực hiện kiểm điểm, xử lý trách nhiệm với tập thể và cá nhân có liên quan đến việc một số doanh nghiệp xây dựng kho sầu riêng trái phép trên địa bàn.
Theo đó, quá trình thực hiện nhiệm vụ, UBND huyện Krông Pắc đã có văn bản yêu cầu 8 tập thể và 22 cá nhân liên quan tổ chức kiểm điểm do để hàng loạt kho sầu riêng xây không phép, xây dựng trên đất nông nghiệp…
8 tập thể bị kiểm điểm gồm: Phòng Kinh tế và Hạ tầng, Phòng Tài nguyên và Môi trường, UBND thị trấn Phước An, UBND xã Ea Yông, UBND xã Ea Knuếc, UBND xã Ea Kênh, UBND xã Ea Phê và UBND xã Hòa An.
22 cá nhân gồm trưởng, phó các phòng, chủ tịch, phó chủ tịch UBND cấp xã và công chức phụ trách địa chính - xây dựng thuộc 8 tập thể nói trên.
Quá trình kiểm điểm, lãnh đạo huyện này cũng đánh giá: “Việc để xảy ra sai phạm là do số lượng công trình xây dựng kho xưởng tăng đột biến. Ngoài ra, việc xử lý các công trình vi phạm chưa cương quyết, dứt điểm, nể nang, chậm báo cáo nên dẫn đến việc xây dựng kho bãi ồ ạt. Các tập thể và các cá nhân liên quan đã nghiêm túc nhìn nhận những khuyết điểm, thiếu sót”.
Còn theo lý giải của 8 tập thể, 22 cá nhân bị kiểm điểm, nguyên nhân dẫn đến các khuyết điểm, tồn tại là do số lượng công trình xây dựng kho xưởng tăng đột biến nhằm phục vụ việc kinh doanh, xuất khẩu sầu riêng.
Mặt khác, do nhu cầu của thị trường, mùa vụ thu hoạch sầu riêng chỉ kéo dài trong khoảng 1 tháng, lợi nhuận từ việc kinh doanh và cho thuê kho bãi rất cao. Từ đó, dẫn đến việc các tổ chức, cá nhân xây dựng công trình kho, bãi tăng nhanh với số lượng rất lớn, bất chấp việc vi phạm pháp luật. Việc xây kho cũng được thực hiện vào các ngày nghỉ lễ, thứ Bảy và Chủ nhật…
Một kho sầu riêng trái phép trên địa bàn huyện Krông Pắc. Ảnh: TT |
Kiên quyết xử lý vi phạm
Trao đổi với phóng viên, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pắc, Ngô Thị Minh Trinh khẳng định, UBND huyện đã lập đoàn liên ngành xử lý vi phạm hành chính lĩnh vực xây dựng, đất đai đối với các kho sầu riêng trên địa bàn.
“Chúng tôi thống nhất quan điểm là tất cả các hành vi vi phạm hành chính đều được xử lý triệt để, không né tránh. Làm như vậy nhằm đảm bảo công bằng theo quy định của pháp luật”, bà Trinh nói.
Bà Trinh cũng cho biết thêm, UBND huyện đã lập kế hoạch và sẽ kiên quyết xử lý, tháo dỡ đối với những kho sầu riêng không đúng quy hoạch, chưa có chủ trương.
Theo tìm hiểu của phóng viên, phần lớn các công trình vi phạm được cho nộp phạt, chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ nông nghiệp sang đất ở để được cấp phép xây dựng. Có 4/5 công trình có giấy phép đã chấp hành nộp phạt vi phạm hành chính.
Riêng Công ty TNHH Thương mại xuất nhập khẩu Hòa Hạnh xây kho chứa sầu riêng trái phép trên tổng diện tích hơn 1.900m2 thì UBND xã Ea Kênh không liên lạc được chủ đầu tư là bà Lê Thị Phương Thảo (Giám đốc, trú tỉnh Đồng Nai), nên địa phương sẽ xem xét xử lý đúng quy định pháp luật.
Đối với nhóm 9 công trình không có giấy phép xây dựng, đã có 5/9 trường hợp nộp phạt.
Các trường hợp khác, địa phương cũng “đang vận động các cá nhân, doanh nghiệp đăng ký chuyển đổi mục đích sử dụng đất để cấp giấy phép xây dựng” cho công trình tồn tại.
Liên quan đến 2 công trình sai phạm của nguyên lãnh đạo UBND huyện như Báo GD&TĐ đã chỉ ra trước đó, gồm: Kho sầu riêng của ông Y Suôn Byã (nguyên Chủ tịch UBND huyện) ở xã Ea Yông và ông Trần Đức Lanh (nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện) ở xã Hòa Đông, đã không được Sở Xây dựng Đắk Lắk đưa vào diện thanh tra. Về vấn đề này, bà Trinh cho biết, đến nay ông Y Suôn và ông Lanh đã chấp hành nộp phạt. UBND huyện đang yêu cầu ông Y Suôn chuyển đổi mục đích sử dụng đất để cấp phép xây dựng, nếu không sẽ buộc tháo dỡ. Trong khi đó, kho của ông Trần Đức Lanh đã chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Riêng phần diện tích kho của ông Lanh vi phạm hành lang giao thông đường tránh phía Đông TP Buôn Ma Thuột (đang thi công) nằm ngoài thẩm quyền của địa phương.