Các địa phương hoàn toàn ủng hộ việc giảm tải
Việc thực hiện chỉ thị 5105 của Bộ GD&ĐT về chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm ở cấp tiểu học là một trong những vấn đề nóng nhất tại Hội nghị giao ban lần thứ nhất năm học 2014 - 2015 ngành GD-ĐT 5 thành phố trực thuộc Trung ương vừa diễn ra tại Hà Nội.
Đây không phải lần đầu tiên những quy định liên quan đến vấn đề dạy thêm, học thêm ở tiểu học được triển khai. Trước đó đã có Thông tư 17 ra đời năm 2012 với quy định chấm dứt dạy thêm, học thêm và Thông tư 30 ra đời năm 2014 về đánh giá học sinh tiểu học.
Tuy nhiên, hiện tượng vi phạm quy định về dạy thêm, học thêm ở cấp tiểu học vẫn còn tồn tại đã gây áp lực với học sinh và cha mẹ học sinh, tạo bức xúc trong xã hội và làm giảm uy tín của ngành.
Sau 3 ngày ban hành Chỉ thị, Bộ GD&ĐT tiếp tục thể hiện sự quyết tâm trong việc giảm tải cho HS tiểu học khi ra văn bản điều chỉnh nội dung của 2 cuộc thi giải toán trên Internet và Olympic tiếng Anh trên Internet, yêu cầu các đơn vị không căn cứ vào số lượng HS tham gia, kết quả tham gia của HS tại các hoạt động giao lưu, "sân chơi"… để xếp loại thi đua.
Đã đến lúc phải giảm tải cho các cháu, không thể chần chừ được nữa. Giảm tải sớm được ngày nào sẽ tốt cho các cháu ngày ấy.
Trao đổi với PV báo GD&TĐ, lãnh đạo các Sở GD&ĐT của 5 thành phố đều nhận định rằng việc không tổ chức dạy thêm, học thêm với học sinh tiểu học là hoàn toàn đúng đắn.
Thời lượng học 2 buổi/ngày ở trường đủ để HS phát triển toàn diện cả kiến thức, kỹ năng, bảo đảm hài hòa giữa hoạt động trí óc và vận động chân tay đối với lứa tuổi tiểu học. Việc giao bài về nhà dễ khiến các em bị quá tải, ảnh hưởng đến sức khỏe và tâm lý.
Ông Nguyễn Minh Hùng - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đà Nẵng cho biết: Chúng tôi ủng hộ việc không tổ chức dạy thêm, học thêm để việc học ở bậc tiểu học. Chúng ta cần dạy học đơn giản, không gây áp lực thi cử, để cho các em học sinh phát triển bằng năng lực bản thân theo định hướng thầy cô.
Và việc đổi mới đánh giá học sinh tiểu học là xu thế đánh giá mới tiến bộ, nhận được sự ủng hộ từ cấp lãnh đạo sở đến các trường, giáo viên.
“Rõ ràng cái mới khi làm thường khó. Một bộ phận nhà quản lý và giáo viên ngại thay đổi, cộng với thông tin không kịp thời nên nảy sinh vướng mắc, hiểu chưa đầy đủ tinh thần, chưa có cách làm đầy đủ nhằm đánh giá chính xác học sinh và giảm thời gian lao động cho giáo viên môn chung và bộ môn” – Ông Hùng cho hay.
Nhiều vấn đề "nóng" được bàn luận tại Hội nghị Giao ban ngành GD-ĐT 5 thành phố trực thuộc Trung ương |
Kiên quyết làm đến cùng
Vấn đề được bàn luận nhiều nhất trong buổi họp giao ban chuyên đề của lãnh đạo các Sở GD&ĐT 5 thành phố là những băn khoăn về việc cấm tổ chức thi tuyển vào lớp 6.
Đã thành thông lệ, kỳ tuyển sinh vào lớp 6 THCS của một số trường trọng điểm được so sánh với... thi đại học về mức độ căng thẳng và yêu cầu cao khi tỷ lệ “chọi” không thua kém các trường đại học.
Tại Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam, chỉ tiêu vào lớp 6 hệ THCS mỗi năm chỉ khoảng 200 học sinh, nhưng số lượng đăng ký dự tuyển năm nào cũng trên dưới 4.000 học sinh. Trường THPT bán công Nguyễn Tất Thành có gần 2.600 học sinh đăng ký nhưng cũng chỉ tuyển trên dưới 200 học sinh...
Lý giải về điều này, lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết: Nếu chỉ xét học lực theo học bạ thì số học sinh trình độ tương đương nhau quá lớn, không đủ tiêu chí để lựa chọn nên bắt buộc phải tổ chức thi.
Lãnh đạo các Sở GD&ĐT đề xuất với Bộ trưởng: Với một số trường, lớp trọng điểm có đầu vào, nhu cầu cao hơn khả năng tiếp cận cần hướng dẫn chi tiết hơn việc không khảo sát học sinh đầu năm học, không tổ chức thi tuyển học sinh vào lớp 6 để cơ sở thuận tiện triển khai.
Trả lời thắc mắc của các Sở GD&ĐT, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết: Nguyên tắc là các trường không được dùng kiến thức để thi tuyển sinh đầu vào. Nếu tổ chức bài thi sẽ có luyện thi, dẫn đến một loạt hậu quả.
“Tùy các đồng chí chọn, xét, nhưng không được thi lấy trình độ văn hóa để chọn. Vì đây là cấp học phổ cập. Nếu mình tổ chức bài thi, luyện thi thì dẫn đến một loạt hệ quả và không đúng với chủ trương phổ cập. Nếu thi - kiểm tra văn hóa để tuyển vào thì chính chúng ta gây nên tình trạng dạy thêm học thêm chứ không phải các cháu và cha mẹ các cháu”.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết thêm: Chuyện không cho điểm học sinh tiểu học, ngành Giáo dục đã thí điểm mấy năm gần đây. Lúc đầu thí điểm cũng nhiều băn khoăn lo lắng, thắc mắc nhưng sau khi làm kỹ và thực tế chứng minh các trường, giáo viên, nhà trường rất ủng hộ.
Thắc mắc của thầy cô là có cơ sở bởi các thầy cô đã quá quen với cách làm cũ, đã trở thành máu thịt, thành thói quen từ rất nhiều năm nay. Các thầy cô càng tâm huyết, càng gắn bó với nghề thì càng trăn trở, càng khó để họ tiếp nhận cái mới.
Nhưng theo Bộ trưởng, việc nào tốt cho học sinh thì phải làm ngay, càng sớm càng tốt, cho dù người chịu thiệt thòi có thể chính là các thầy cô giáo.