Đăng lên mạng Twitter hôm qua (17/6), ông Trump nói rằng ông đã yêu cầu hoãn các cuộc tập trận trong các cuộc đàm phán với Triều Tiên. Tổng thống Mỹ cũng tái khẳng định kế hoạch dừng các cuộc tập trận thường niên giữa Mỹ và Hàn Quốc và cho rằng chúng “khá khiêu khích”.
Đồng thời, ông cũng chỉ ra rằng các cuộc tập trận chỉ hoãn chứ không hủy bỏ hoàn toàn, cho phép Washington có cơ hội khôi phục “ngay lập tức nếu các cuộc đàm phán (về phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên) đổ vỡ”. Tuy nhiên, ông thể hiện hy vọng rằng các cuộc đàm phán cuối cùng sẽ thành công.
Kế hoạch của ông Trump dường như phù hợp với lộ trình ban đầu do Nga và Trung Quốc đề xuất. Đó là sáng kiến mà Moscow và Bắc Kinh đưa ra vào tháng 9/2017 khi tình hình bán đảo Triều Tiên trở nên tồi tệ. Theo sáng kiến này, Triều Tiên dừng các chương trình hạt nhân và tên lửa để đổi lấy Mỹ và Hàn Quốc bỏ các cuộc tập trận trong khu vực.
Liên tục cho rằng các cuộc tập trận này là “một sự khiêu khích”, Bình Nhưỡng được cho là sẽ hoan nghênh động thái trên. Tuy nhiên, quân đội Mỹ và đồng minh của Mỹ ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương lại không ủng hộ.
Làm hao mòn tính sẵn sàng chiến đấu và khiến Trung Quốc mạnh hơn?
Lầu năm góc hiện do dự trong việc ủng hộ sáng kiến của Tổng thống, tuy nhiên họ vẫn cố gắng duy trì hòa khí. Sau tuyên bố của ông Trump về kế hoạch dừng tập trận, phát ngôn viên Lầu năm góc Dana White nói với hãng tin CNN rằng Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis “đã được tư vấn” về vấn đề này và do đó đã “không ngạc nhiên” trước tuyên bố của ông Trump. “Bộ trưởng hoàn toàn theo tổng thống trong nỗ lực đạt được mục tiêu của ông ấy là phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên” – bà White nói.
Cuối tuần qua, Lầu năm góc cũng đưa ra tuyên bố về cuộc điện đàm của ông Mattis với người đồng nhiệm Hàn Quốc và Nhật Bản, theo đó ông Mattis tái khẳng định với các đồng minh Mỹ rằng Washington vẫn theo cam kết phòng vệ “bọc thép” và cam kết đồng minh với Seoul và Tokyo.
Chỉ huy lực lượng Mỹ Hàn Quốc cho biết chưa nhận được bất kỳ “hướng dẫn cập nhật về việc thực hiện hay chấm dứt các bài tập huấn luyện” và sẽ tiếp tục chuẩn bị cho các cuộc tập trận dự kiến diễn ra vào mùa thu.
Tuy nhiên, theo một số hãng truyền thông, các quan chức Lầu năm góc sợ rằng việc hoãn tập trận sẽ làm “sói mòn” tính sẵn sàng chiến đấu của quân đội Mỹ trong khu vực. Một cựu quan chức Lầu năm góc, ông Brian McKeon, cho rằng nó cũng làm giảm hiệu quả của liên minh giữa Washington và Seoul.
Ông Moon Seoung-mook - một cựu quan chức quân đội Hàn Quốc và hiện là nhà phân tích cao cấp của viện nghiên cứu Triều Tiên có trụ sở ở Hàn Quốc, cho rằng sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Hàn quốc không có ý nghĩa nhiều nếu hai bên không tập trận chung.
Trong khi đó, truyền thông Nhật Bản cảnh báo về ảnh hưởng đang tăng lên của Trung Quốc trong khu vực khi hôm qua cho rằng Bắc Kinh được cho là đứng sau ý tưởng dừng các cuộc tập trận của Mỹ.
Trong một cuộc họp đầu tháng 5 vừa qua, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình được cho là đã thúc giục nhà lãnh đạo Kim Jong-un kêu gọi Washington dừng tập trận quân sự với Seoul – báo Asahi Shimbun của Nhật cho biết khi trích nguồn tin ngoại giao giấu tên của Trung Quốc.
Khi trích lời hãng tin KCNA của Triều Tiên, tờ báo Nhật Bản cũng cho rằng ông Kim đã theo đuổi vấn đề trên trong cuộc gặp với ông Trump. Tờ báo cũng nói rằng các cuộc tập trận Mỹ - Hàn Quốc là “mối lo lắng đáng kể” của Trung Quốc và Bắc Kinh đang cố gắng “xoay chuyển” các cuộc đàm phán giữa Washington và Seoul theo hướng có lợi cho mình.
Chi phí tốn kém?
Việc ông Trump than phiền vì chi phí đắt đỏ của cuộc tập trận không thuyết phục được các quan chức Mỹ. Nghị sĩ Lindsey Graham cho rằng đây không phải là gánh nặng đối với người chịu thuế của Mỹ khi triển khai lực lượng ở Hàn quốc, đồng thời nó mang lại sự ổn định và là cảnh báo với Trung Quốc về việc kiểm soát toàn bộ khu vực.
Ông Trump đáp lại rằng thỏa thuận phi hạt nhân hóa với Triều Tiên đang được khen ngợi vì nó có khả năng cứu sống hàng triệu mạng người.
Tuy chưa được công khai tiết lộ nhưng hãng tin CBS tính toán rằng chi phí cho 3 loại máy bay thả bom Mỹ bay từ căn cứ Guam của Mỹ tới Hàn Quốc trong các cuộc tập trận là 3.470.337 USD và cho con số này chỉ là một phần nhỏ của ngân sách quốc phòng 687,1 tỉ USD mà Lầu năm góc đề xuất cho năm tài khóa 2019. Tuy nhiên, CBS không đề cập tới việc đây chỉ là một phần chi phí của cuộc tập trận.