Hàng ngàn người đã xuống đường ở Berlin vào ngày 3/8 để tham gia cuộc biểu tình “hòa bình và tự do” nhằm phản đối chính sách đối ngoại của Đức, và việc nước này tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ukraine.
Sự kiện này được tổ chức bởi các nhóm Querdenker (suy nghĩ bên lề), một phong trào ban đầu được hình thành trong đại dịch Covid-19 để phản đối các chính sách phong tỏa của chính phủ Đức và phản ứng chung của đại dịch.
Kể từ đó, nó đã thu hút những người khác chỉ trích chính phủ. Một số phương tiện truyền thông Đức đã gọi phong trào này là tràn lan những người theo thuyết âm mưu hoặc có liên hệ với các nhóm cực hữu.
Khoảng 5.000 người đã đăng ký tham gia cuộc tuần hành, theo cảnh sát thành phố. Một số phương tiện truyền thông địa phương đưa ra con số người tham gia là 9.000, trích dẫn ước tính của cơ quan thực thi pháp luật.
Nhiều người mang theo cờ xanh với hình chim bồ câu trắng tượng trưng cho hòa bình, trong khi những người khác cầm biểu ngữ và áp phích có nội dung: “Không có tên lửa của Mỹ trên đất của chúng tôi!”; “Không có tên lửa chống lại Nga!”; “Không có lô hàng vũ khí nào cho Ukraine và Israel!”; hoặc “Đàm phán hòa bình!”
Một số người biểu tình cũng mang theo biểu ngữ có khẩu hiệu “Tạo ra hòa bình mà không cần vũ khí!”. Câu nói này xuất phát từ Bản kiến nghị Berlin năm 1982, một bản kiến nghị thẳng thắn do hai nhà bất đồng chính kiến Đông Đức soạn thảo kêu gọi giải trừ vũ khí.
Bắt đầu từ Quảng trường Ernst Reuter ở trung tâm Berlin, những người biểu tình cuối cùng đã tiến đến Công viên Tiergarten để tham gia một cuộc biểu tình với sự tham gia của khoảng 12.000 người, theo ước tính của cảnh sát.
Những người biểu tình kêu gọi "tính khu vực, dân chủ trực tiếp và hạn chế quyền lực" của chính phủ, mà nhiều người cho rằng, đầy rẫy "những kẻ ngốc tuyệt đối".
Một số người biểu tình vẫn muốn chính phủ "chịu trách nhiệm" về những chính sách phong tỏa mà họ cho là bất công trong đại dịch Covid-19.
Những người tham gia cũng yêu cầu Đức phải "có khả năng hòa bình thay vì sẵn sàng cho chiến tranh" khi ám chỉ đến tuyên bố vào tháng 6/2024 của Bộ trưởng Quốc phòng Boris Pistorius rằng, quốc gia này "phải sẵn sàng cho chiến tranh vào năm 2029" trong khi ủng hộ cải cách quân đội và "hình thức nghĩa vụ quân sự mới”.
Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Đức đã đưa ra những tuyên bố tương tự, đặc biệt là trích dẫn mối đe dọa được cho là do Nga gây ra.
Một số diễn giả tại cuộc biểu tình đã thúc giục Đức rời khỏi NATO.
"Chúng tôi muốn một chính phủ đại diện cho lợi ích của chúng tôi chứ không phải lợi ích của Mỹ và các doanh nghiệp lớn", một người nói, theo các báo cáo của phương tiện truyền thông địa phương.
Hàng ngàn người biểu tình được cho là đã ở lại địa điểm biểu tình trong nhiều giờ. Khoảng 7.000 người vẫn đang biểu tình vào tối 3/8, theo ước tính của cơ quan thực thi pháp luật.
Cảnh sát cho biết, sự kiện này phần lớn diễn ra trong hòa bình, chỉ có một số ít vụ bắt giữ, đồng thời nói thêm rằng, hầu hết những người bị bắt giữ đã vi phạm các quy định về biểu tượng bị cấm, chẳng hạn như logo của Tạp chí German Compact, bị cơ quan an ninh trong nước coi là cực đoan.
Một số cuộc biểu tình phản đối nhỏ hơn do nhiều nhóm cánh tả tổ chức cũng diễn ra tại thành phố vào ngày 3/8.