Video đòn chính xác tuyệt đối của tên lửa chiến thuật

GD&TĐ -Lực lượng Nga tại Ukraine vừa công bố video ghi lại màn tấn công chính xác tuyệt đối của hệ thống tên lửa chiến thuật Iskander.

Cầu Antonovsky bị Iskander đánh trúng.
Cầu Antonovsky bị Iskander đánh trúng.

Hãng RIA Novosti dẫn tuyên bố của lực lượng Nga cho biết, cuộc tấn công diễn ra hôm 30/6 nhằm vào lực lượng Ukraine tập trung tại chân cầu Antonovsky ở tỉnh Kherson. Đòn đánh cực chính xác đã khiến 30 binh sĩ đối phương thiệt mạng.

"Nhóm tác chiến Dnepr tiếp tục loại bỏ những đơn vị đối phương khỏi khu vực quanh cầu Antonovsky. Một tên lửa Iskander đã đánh trúng mục tiêu, khiến 30 lính Ukraine thiệt mạng và hơn 10 người bị thương", quyền Thống đốc Kherson do Nga bổ nhiệm Vladimir Saldo cho biết.

Quan chức Nga nói rằng binh sĩ Ukraine đang ẩn nấp trong các ngôi nhà nằm hai bên chân cầu và hạn chế lộ diện nhằm tránh bị tập kích. "Pháo binh đang bắn phá, trước khi lính đặc nhiệm được triển khai để truy quét tàn quân ở khu vực này", ông Saldo cho biết thêm.

Cầu Antonovsky bắc qua sông Dnieper có 30 nhịp với tổng chiều dài 1.366 m, rộng 25 m, được đưa vào hoạt động năm 1985.

Trước khi Liên Xô xây dựng cầu Antonovsky, ôtô có thể qua sông Dnieper bằng tuyến đường đi qua đập thủy điện Kakhovka hoặc bằng phà.

Cây cầu này liên tục bị quân đội Ukraine sử dụng pháo phản lực HIMARS tập kích gây hư hỏng hồi giữa năm ngoái. Cây cầu bị gãy thành nhiều đoạn và không được phục hồi sau khi lực lượng Nga rút khỏi thành phố Kherson hồi cuối năm 2022.

Theo RIA, hệ thống Iskander-M sử dụng trong cuộc tấn công được đánh giá là một trong những vũ khí uy lực và chính xác bậc nhất của lực lượng Nga trong chiến dịch quân sự đặc biệt.

Tổ hợp Iskander-M có sai số khi tấn công mục tiêu (CEP) trong khoảng dưới 10m. Hệ thống có tầm bắn tối thiểu 50km và tầm bắn tối đa lên tới 500km. Trong vụ tấn công vào cầu Antonovsky, Iskander-M đã tung đòn chính xác tuyệt đối.

Mỗi hệ thống mang phóng của Iskander được thiết kế để mang theo hai quả tên lửa có thể mang đầu đạn thông thường kiểu đạn phá boong-ke và đầu đạn phân mảnh chùm nổ trên không cho đến đầu đạn phân mảnh có sức công phá cao và đạn xung điện từ (EMP) nặng từ 480 đến 700 kg.

Biến thể đầu đạn hạt nhân của hệ thống có công suất lên tới 50 kiloton. Iskander cũng có một biến thể tên lửa hành trình được gọi là Iskander-K.

Trong một thông báo về kế hoạch chuyển giao Iskander cho Belarus của Nga vào năm ngoái, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã xác nhận rằng các hệ thống được chuyển giao sẽ có thể bắn cả tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình cũng như cả đạn thông thường và hạt nhân.

Iskander tấn công chính xác vào cầu Antonovsky.

Thông tấn Nga cho biết thêm, sau quyết định của Mỹ rút khỏi Hiệp ước INF vào năm 2019, Moscow có thể dỡ bỏ các hạn chế tự áp đặt đối với phạm vi bay của Iskander và phát triển các tên lửa đạn đạo hoặc hành trình mới có thể mở rộng tầm bắn thêm hàng trăm, thậm chí hàng nghìn km.

Hiện nay, trong kho vũ khí của Nga có 162 bệ phóng của Iskander trở lên, 150 trong số đó thuộc lực lượng mặt đất và 12 bệ thuộc lực lượng phòng vệ bờ biển của Hải quân. Số lượng tên lửa với nhiều biến thể khác nhau được giữ kín.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ