Video Ấn Độ phấn khích khi tàu Chandrayaan-3 đáp thành công xuống Mặt trăng

GD&TĐ - Mô đun đổ bộ từ sứ mệnh Chandrayaan-3 của Ấn Độ đã đáp xuống thành công bề mặt Mặt trăng vào 23/8.

(Ảnh: ISRO)
(Ảnh: ISRO)

Tổ chức Nghiên cứu Vũ trụ Ấn Độ (ISRO) và người Ấn Độ trên toàn cầu đã ăn mừng thành tích này, đưa Ấn Độ trở thành quốc gia thứ 4 hạ cánh thành công tàu vũ trụ lên Mặt trăng, sau Liên Xô, Mỹ và Trung Quốc. Sự kiện này được ISRO phát trực tiếp trên trang YouTube của mình.

Điều độc đáo là sứ mệnh Chandrayaan-3 là sứ mệnh đầu tiên trong lịch sử hạ cánh gần cực nam Mặt trăng.

Tàu đổ bộ Chandrayaan-3 cao khoảng 2 mét và có khối lượng chỉ hơn 1.700kg. Tàu đổ bộ và tàu thám hiểm có 6 trọng tải để tiến hành nghiên cứu cực nam Mặt Trăng.

Đây là một khu vực có băng mà theo các nhà khoa học, có thể là nguồn cung cấp oxy, nhiên liệu và nước cho các sứ mệnh Mặt Trăng trong tương lai.

Ngày 18/8, ISRO đã đạt được một cột mốc quan trọng khi thực hiện thành công hoạt động giảm tốc đầu tiên, giúp giảm quỹ đạo xuống còn 113 km x 157 km.

Hoạt động này diễn ra một ngày sau khi tách mô đun tàu đổ bộ khỏi mô đun động cơ đẩy.

Việc tách rời trên đánh dấu sự kết thúc của chuyến thám hiểm 34 ngày hướng tới Mặt trăng. Sau đó, ngày 20/8, ISRO tiến hành giai đoạn cuối của quá trình giảm tốc cho mô đun tàu đổ bộ. Hoạt động này đã điều chỉnh hiệu quả quỹ đạo của mô đun đổ bộ tới 25km x 134km.

Sự mong đợi và phấn khích bao trùm Ấn Độ trong những ngày trước cuộc đổ bộ. Các đền chùa, nhà thờ vang vọng những lời cầu nguyện. Các trường học, trung tâm cộng đồng và các cơ quan ngoại giao của Ấn Độ ở nước ngoài mời mọi người đến xem cuộc đổ bộ Mặt trăng qua truyền hình trực tiếp.

Sự kiện trên diễn ra trước cuộc bầu cử quốc gia vào năm tới. Chính phủ do Thủ tướng Narendra Modi đứng đầu đang tập trung kích thích đầu tư vào lĩnh vực vũ trụ, đặc biệt là phóng vệ tinh.

Ông Modi nhấn mạnh trong buổi ra mắt sứ mệnh đổ bộ Mặt trăng này rằng ISRO đang viết “một chương mới trong cuộc phiêu lưu không gian của Ấn Độ”, qua đó nâng cao “khát vọng và tham vọng của mỗi người dân”.

Tàu Chandrayaan-3 đáp nhẹ nhàng xuống Mặt trăng.

Theo RT

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ