Vị tướng tài ba của lòng quân, lòng dân

GD&TĐ - Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên (tên khai sinh Nguyễn Hữu Vũ, bí danh Nguyễn Văn Đồng) sinh ra trong một gia đình chí sĩ kiên trung, giàu truyền thống yêu nước ở Quảng Bình. 

Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn Đồng Sỹ Nguyên thăm cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn vận tải 101 thuộc Tiểu đoàn trong một chiến dịch vận chuyển, mùa khô năm 1970 - 1971. Ảnh: Tư liệu.
Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn Đồng Sỹ Nguyên thăm cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn vận tải 101 thuộc Tiểu đoàn trong một chiến dịch vận chuyển, mùa khô năm 1970 - 1971. Ảnh: Tư liệu.

Trưởng thành trong chiến tranh du kích, cuộc đời binh nghiệp với những chiến công hiển hách, ông trở thành linh hồn của đường mòn Hồ Chí Minh trong kháng chiến chống Mỹ. Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên được tôn vinh là vị tướng huyền thoại trong các danh tướng của quân đội nhân dân Việt Nam.

Được phong hàm vượt cấp

Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên là một trong ba người (hai người kia là Trung tướng Lê Đức Anh, Thượng tướng Chu Huy Mân) cho đến nay được Nhà nước đặc cách phong quân hàm vượt cấp do những thành tích to lớn có ý nghĩa chiến lược trên cương vị Tư lệnh Binh đoàn Trường Sơn, góp phần vào chiến thắng mùa xuân năm 1975.

“Được phong tướng vượt cấp từ những đóng góp lớn làm nên “xương sống của cuộc kháng chiến chống Mỹ”, công lao của ông được tôn vinh trong nhiều lĩnh vực nhưng trên hết, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên luôn là một vị tướng của lòng dân và lòng quân”, Thiếu tướng Phan Khắc Hải - nguyên Thứ trưởng Bộ VH-TT, nguyên Tổng Biên tập Báo Quân đội nhân dân khẳng định.

Tìm hiểu về tầm chiến lược con đường huyết mạch Trường Sơn thời chống Mỹ càng thấm thía ý nghĩa và những đóng góp lớn lao của vị tướng tài giỏi này.

Cung đường vận chuyển lương thực, vũ khí, khí tài, quân trang, quân dụng phục vụ cuộc kháng chiến mà bị tắc thì biết bao thiệt hại, thương vong sẽ xảy ra. Ông chỉ đạo cán bộ, chiến sĩ nghiên cứu tìm ra qui luật hoạt động của máy bay địch, chỉ ra những yếu tố khiến các đơn vị không thể bám mặt đường.

Ông cũng là người đưa ra nhiều kế sách để phá thế độc đạo, mở ra nhiều tuyến đường 12 A, 20 A, 20 B, 20 C… bổ sung loại xe vận chuyển, dùng biện pháp nghi binh, liên tục giành thế chủ động, thắng lợi, hiệu quả trong mọi mặt hoạt động. Chỉ đạo thi công thành công tuyến đường ống xăng dầu phía Đông Trường Sơn từ Quảng Trị sang Lào…

Những kế sách táo bạo, nhạy bén và tinh thần quyết liệt của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đã luôn củng cố niềm tin và quyết tâm cho bộ đội. Thiếu tướng Phan Khắc Hải nhắc đến một chi tiết để khẳng định những suy nghĩ vừa khoa học vừa mang tính đột phá, sáng tạo đầy táo bạo của vị tướng tài giỏi.

Một lần ông Đồng Sỹ Nguyên đi họp ở Bắc Kinh, máy bay về đến sân bay Gia Lâm nhưng trời mù quá không thể hạ cánh được, lại phải vòng lại sân bay nước bạn. Từ chuyến bay đó ông trăn trở liên hệ đến thời tiết ở Trường Sơn, trong một năm có một tháng trời nhiều mây mù.

Tranh thủ khoảng thời gian kẻ địch gặp khó khăn ông đưa ra những giải pháp hữu hiệu để bộ đội ta chớp thời cơ khai thác hết công suất tuyến đường vận chuyển.

Vị tướng tài ba của lòng quân, lòng dân ảnh 1
  • Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên.

Tri ân đồng đội, đền đáp nghĩa tình

Ngay từ những ngày cả nước còn sục sôi ý chí giành độc lập, thống nhất hai miền, tất cả vì miền Nam ruột thịt, trong tâm tưởng tướng Đồng Sỹ Nguyên đã nung nấu việc qui tập hài cốt liệt sĩ về để vong linh người lính được đoàn tụ với quê hương, đồng đội. Thế nên, việc đầu tiên ông dốc sức làm sau chiến thắng là đi tìm địa điểm và đề xuất xây dựng nghĩa trang làm nơi an nghỉ cho hàng nghìn chiến sĩ ngã xuống vì độc lập của Tổ quốc.

Tâm nguyện đó hối thúc ông ngày đêm lặn lội đến khảo sát địa hình vùng Trang Cộn, một địa danh phía Tây Đồng Hới (Quảng Bình), dốc Con Mèo gần khu vực huyện A So, A Lưới (phía Tây Thừa Thiên - Huế) rồi vùng Bến Tắt địa phận xã Vĩnh Trường (Gio Linh - Quảng Trị).

Cuối cùng, ông đã chọn mảnh đất gần Đường 9, nơi xuất quân của Binh đoàn 559, trung tâm của ba miền để làm nơi yên nghỉ cho những đồng đội của mình. Dưới sự chỉ huy của tướng Đồng Sỹ Nguyên, hơn 40 đơn vị bộ đội chủ lực cùng bộ đội địa phương, tổ công nhân khắc bia đá Hòa Hải (Hòa Vang - Quảng Nam) đã làm việc miệt mài, ròng rã.

Sau gần 2 năm, Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn có diện tích 140.000m² nằm trên 3 quả đồi ở cạnh thượng nguồn sông Bến Hải đã hoàn thành, trở thành “ngôi làng” chung cho hơn 10.000 liệt sĩ Trường Sơn.

ông thấy mình luôn mắc nợ nhân dân, bởi thấu hiểu nỗi cơ cực của người dân miền Trung trước thiên nhiên khắc nghiệt nhưng lại vô cùng kiên cường, bất khuất, một lòng trung thành với cách mạng.

Trong chiến tranh họ đã sẵn sàng hy sinh cả tính mạng, tài sản, nhà cửa vườn tược để làm đường, hiến dâng những người con ưu tú nhất ra chiến trường đánh Mỹ. Thế là, ở tuổi 74, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên lại một lần nữa xông trận chống giặc đói, giặc dốt trong sứ mệnh xây dựng con đường ấm no, hạnh phúc, hiện đại, văn minh - đường Hồ Chí Minh, nối từ Pác Bó đến Cà Mau.

Trên cương vị nào, là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, Bộ trưởng Bộ Xây dựng hay đặc phái viên Chính phủ, Đặc trách Chương trình 327 về bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ và rừng đặc dụng… ông cũng dành trọn vẹn tấm lòng để cống hiến với tinh thần trách nhiệm vì nhân dân, vì đất nước.

Vị tướng tài ba của lòng dân, lòng quân đã để lại ấn tượng sâu đậm và nhiều bài học quý giá về nhân cách làm người.

Suốt 10 năm (1967 - 1975) sống chết với những cánh rừng đại ngàn Trường Sơn, trên mọi hành trình của tuyến đường đều in dấu chân của Đại tá Đồng Sỹ Nguyên - vị Tư lệnh của Binh đoàn Trường Sơn 559.

Chiến công lớn lao của ông là biến đường mòn Hồ Chí Minh thành “trận đồ bát quái xuyên rừng rậm” trở thành xương sống của cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Bản đồ đường mòn Hồ Chí Minh đã mở lan ra tới 14 tuyến với 800km đường kín, 1.500km đường rải đá, 200km đường nhựa, 1.500km đường ống xăng dầu, 1.350km cáp thông tin, 3.800km đường giao liên, 500km đường sông. Trong đó có Đường 20 Quyết Thắng là một trục ngang dài trên 120 cây số, từ trong Trường Sơn vượt biên giới Việt - Lào thông sang Tây Trường Sơn.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp sau này, trong một lần vào làm việc với Bộ Tư lệnh Trường Sơn, đã vô cùng thán phục gọi Đường mòn Hồ Chí Minh là một “kỳ công - kỳ tích - kỳ quan”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ