Trung tướng Hồng Cư và Đại tướng.
Hồi ức về Đại tướng Võ Nguyên Giáp đặc biệt rõ nét trong ba vị tướng đã được làm việc với ông qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Đó là Trung tướng Hồng Cư, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên và Trung tướng Lê Hữu Đức.
“Đại tướng xây dựng quân đội từ không đến có, từ yếu đến mạnh”
Trung tướng Hồng Cư chia sẻ: 50 năm trong quân ngũ, tôi có hai lần nhận lệnh trực tiếp của Đại tướng mà tôi nhớ mãi. Năm 1947, tôi là chính trị viên Tiểu đoàn 42 thuộc Trung đoàn bảo vệ Bộ Tổng tham mưu đóng ở Bình Ca.
Ngày 7/10, quân Pháp nhảy dù Bắc Cạn, mở đầu cuộc tấn công quy mô lớn đầu tiên lên Việt Bắc hòng tiêu diệt Chính phủ kháng chiến Hồ Chí Minh.
Trưa 7/10/1947, một sĩ quan liên lạc của Bộ Tổng tham mưu đi ngựa đến bìa rừng nơi chúng tôi đóng quân, cứ ngồi nguyên trên ngựa gọi rất to: “Ban chỉ huy tiểu đoàn 42! Ra nhận lệnh”.
Cả Ban chỉ huy tiểu đoàn chúng tôi chạy ra đứng nghiêm. Đồng chí sĩ quan liên lạc trao một bức thư, một mệnh lệnh viết tay của Tổng chỉ huy Võ Nguyên Giáp: “Tiểu đoàn 42 sống chết với con đường Bình Ca - Thái Nguyên. Văn”.
Đọc dòng chữ trên tờ lệnh chúng tôi vô cùng xúc động. Chúng tôi hiểu trọng trách đơn vị mình: Phía sau chúng tôi là Tân Trào, là thủ đô gió ngàn.
Chúng tôi vội vã phân công nhau: Tiểu đoàn trưởng Vũ Phương và tiểu đoàn trưởng Dương Hán đi kiểm tra trận địa. Tôi đi động viên bộ đội.
Đến các lán trú quân, tôi thấy các chiến sĩ nằm la liệt, trùm chăn run bần bật. Đó là các chiến sĩ Thủ đô mới lên Việt Bắc, hầu hết đều bị sốt rét.
Tôi nói: “Chú ý! Nghe lệnh của Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp”. Tất cả bật dậy. Nghe xong các chiến sĩ tung chăn đứng dậy, cầm súng ra trận địa.
Khi quân Pháp tấn công lên Việt Bắc, chúng tôi đã lập chiến công, tiêu diệt một trung đội địch, buộc chúng phải rút lui. Sau trận đánh, tiểu đoàn được Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp gửi thư khen:
“Trận Bình Ca, Tiểu đoàn 42 đã đánh tàu đổ bộ, bắn chìm pháo thuyền, xung phong cướp súng, lập chiến công, mở đầu cho những chiến công rực rỡ khác trên sông Lô”.
Những lời này được khắc trên bia đá đặt tại Đài chiến thắng Bình Ca trên sông Lô. Tiểu đoàn 42 được gọi tên là Tiểu đoàn Bình Ca.
Lần thứ hai nhận mệnh lệnh đó là, trong cuộc tấn công giải phóng miền Nam xuân 1975. Tôi là phái viên của Tổng cục Chính trị ở cánh quân Duyên hải gồm Quân đoàn 2 và Sư đoàn 3 Sao vàng.
Ngày 7/4/1975, đang ở Đà Nẵng, tôi được nghe mệnh lệnh lịch sử: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng giờ, từng phút, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng. Truyền đạt tức khắc đến đảng viên, chiến sĩ”.
Nghe xong lệnh, các chiến sĩ hét rầm trời: Hoan hô Đại tướng. Quyết chiến quyết thắng. Quyết chiến quyết thắng. Trên mấy trăm chiếc ô tô, cánh quân Duyên hải cùng xe tăng và các phương tiện kỹ thuật khác hành quân thần tốc, đánh thốc vào chọc thủng phòng tuyến Phan Rang của địch, tiến thẳng vào Sài Gòn.
Tăng của Quân đoàn 2 đã húc tung cánh cổng Dinh Độc Lập trưa ngày 30/4 lịch sử. Hai lần nhận mệnh lệnh trực tiếp từ Đại tướng, với tôi đó không chỉ là mệnh lệnh tác chiến mà là lời hịch của Tổ quốc.
Nói về Đại tướng, Trung tướng Hồng Cư xúc động: Đại tướng Võ Nguyên Giáp là Đại tướng được nhân dân yêu mến gọi là Đại tướng của nhân dân.
Thế giới đánh giá Đại tướng rất cao, là một trong những người làm thay đổi lịch sử, một trong những vị danh tướng của mọi thời đại. Đó là những đánh giá hiếm hoi, không phải ai cũng có được.
Đại tướng có những đặc điểm khác với các vị tướng khác: Một người chỉ huy không qua huấn luyện và đào tạo chính quy. Đại tướng Võ Nguyên Giáp nguyên là một nhà giáo, nhà báo được Bác Hồ nhìn thấy tài năng quân sự và trực tiếp giao nhiệm vụ.
Đại tướng trở thành Anh Cả của quân đội, xây dựng quân đội từ không đến có, từ yếu đến mạnh, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, vừa xây dựng về quân sự, vừa xây dựng về chính trị. Đặc điểm đó khiến Đại tướng trở thành Tư lệnh của các tư lệnh, Chính ủy của các chính ủy.
Đại tướng nghiên cứu để xây dựng những chiến lược, chiến thuật, đồng thời tự mình tổ chức thực hiện. Đại tướng trực tiếp chỉ huy các trận quyết chiến chiến lược: Điện Biên Phủ; Điện Biên Phủ trên không, chiến dịch Hồ Chí Minh.
Đại tướng đức tài trọn vẹn, trí dũng song toàn. Những đặc điểm đó lí giải vì sao Đại tướng là Anh Cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam.
“Đại tướng thực sự vì nhân dân, vì quân đội”
Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên kể: Khi chiến dịch Trung Hạ Lào mở ra năm 1953, Đại tướng Võ Nguyên Giáp phái tôi đi làm Đặc phái viên của chiến dịch.
Mới giải phóng xong đường 12 thì chiến dịch Điện Biên Phủ đã bắt đầu. Đại tướng lại yêu cầu tôi lập tức trở về. Đại tướng Võ Nguyên Giáp nghiên cứu chuyển từ “đánh nhanh thắng nhanh” sang “đánh chắc, thắng chắc”.
Sau đó, Đại tướng cử tôi xuống Sư đoàn 312 và 308 để gặp các đồng chí Chính ủy và kiểm tra thực địa một số trung đoàn. “Đã vào trận lại kéo pháo ra là một việc rất khó khăn.
Tuy nhiên, anh em phía dưới rất hiểu ý Đại tướng, làm như thế mới chắc thắng nên cố gắng làm công tác tư tưởng cho bộ đội để thực hiện nhiệm vụ kéo toàn bộ pháo ra”.
Tôi được Đại tướng khen: “Chú làm tư tưởng cho anh em tốt như vậy vì chú từ người lính mà lên và chú có tố chất của một người làm chính trị quân sự”.
Ngày 7/2/1954, hội nghị cán bộ được triệu tập tại Sở Chỉ huy Mường Phăng. Thay mặt Tổng Quân ủy, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy chiến dịch, Đại tướng Võ Nguyên Giáp điểm qua tình hình thắng lợi trên các hướng chiến trường phối hợp với Điện Biên Phủ, những ảnh hưởng có lợi cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Đại tướng tập trung phân tích một cách cụ thể, đầy sức thuyết phục về thay đổi phương châm tác chiến chiến dịch Điện Biên Phủ.
Đại tướng trở thành Anh Cả của quân đội, xây dựng quân đội từ không đến có, từ yếu đến mạnh, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, vừa xây dựng về quân sự, vừa xây dựng về chính trị. Đặc điểm đó khiến Đại tướng trở thành Tư lệnh của các tư lệnh, Chính ủy của các chính ủy.
Tôi suốt đời cảm phục Đại tướng. Ông là người thực sự vì nhân dân, vì quân đội. Trong tất cả các chiến dịch, Đại tướng luôn yêu cầu được gặp những đồng chí sâu sát tình hình dưới các đơn vị. Đại tướng luôn nắm tình hình rất cụ thể: Chỗ ăn, chỗ ngủ, y tế của chiến sĩ đều hỏi cặn kẽ.
Đại tướng và tôi cùng quê hương Quảng Bình. Năm 1968, khi ở chiến trường về, tôi đi qua quê của Đại tướng và ghé vào thăm. Sau đó, khi trở về, tôi có nói lại với Đại tướng: “Anh cho phép được sửa lại nhà của anh ở dưới quê để khỏi dột, nát”.
Đại tướng trả lời ngay rằng: “Cứ để nguyên xi thế thôi, vì nếu sửa thì sẽ đụng tới tiền của dân. Nếu có dột nát thì gá lại thôi, chứ đừng xây lại”. Đến ngay cả đường vào nhà, tôi định đề xuất sửa nhưng Đại tướng cũng gạt đi.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một người học trò xuất sắc nhất, thân cận nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh và học tập triệt để tinh thần “cần, kiệm, liêm, chính” của Bác.
Trung tướng Lê Hữu Đức tâm sự: Với tôi Đại tướng có 2 điều mà hiếm ai có được, đó là sự dân chủ và một đầu óc mở, không bao giờ duy ý chí. Ông sẵn sàng lắng nghe tất cả.
Phải nói Đại tướng có một tinh thần dân chủ đặc biệt. Ông không hề phê phán ý kiến nào, kể cả ý kiến khác với mình. Ông lắng nghe, gợi ý nói sâu hơn. Ý kiến đó đồng chí nói thế chưa rõ, nói hết đi. Tinh thần dân chủ đó thực sự quý, hiếm.
Một điều nữa làm nên con người đặc biệt Võ Nguyên Giáp đó là sự thông tuệ, uyên bác. Ông có kiến thức, lại được sớm giác ngộ cách mạng và được Bác Hồ bồi dưỡng, ông có một phương pháp luận hết sức biện chứng, khoa học, tỉ mỉ, không hề phạm một chút sai lầm nào về duy ý chí.
Từ Trung đoàn phó, đến trận Điện Biên Phủ được làm việc thường xuyên với Đại tướng, được Đại tướng rèn luyện, bồi dưỡng tôi trở thành Trung tướng Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Khi đang là Trung đoàn phó, tôi được chỉ định làm tổ trưởng. Chúng tôi được phân công theo dõi chiến trường Quân khu 5 (cả Tây Nguyên), Bình Trị Thiên, Trung Hạ Lào, Nam Bộ, Đông Bắc Miên.
Trước khi Điện Biên Phủ nổ súng, tôi không được gặp ngay Đại tướng, mà báo cáo phải qua thủ trưởng của tôi, lúc đó là Cục trưởng Cục Tác chiến, nay là Thượng tướng Trần Văn Quang.
Nhưng khi chiến dịch bắt đầu nổ ra, tôi không phải qua Cục trưởng nữa, mà được trực tiếp báo cáo với Đại tướng không quy định giờ giấc nào cả. Có thể là sáng, trưa, tối, khuya…
Dẫu công việc nhiều, căng thẳng nhưng 1, 2 giờ sáng Đại tướng vẫn tỉnh táo ngồi nghe trình bày, cái nào đúng thì biểu dương ngay, cái nào không đúng ông hướng dẫn thêm.
Từ sau chiến dịch Điện Biên Phủ, tôi làm việc gần Đại tướng 20 năm, không bao giờ ông mắng, không bao giờ đập bàn, xẵng giọng. Không chỉ với các cán bộ trẻ như chúng tôi, mà với cả các đồng chí ở quân khu xa về.
Bao giờ cũng thế, ông yêu cầu Cục Tác chiến bố trí để nghe tất cả báo cáo. Miền Nam báo cáo, Bình Trị Thiên báo cáo, Trung Hạ Lào báo cáo… Có khi báo cáo đến 5, 6 ngày, nhưng ông luôn muốn nghe trực tiếp từ các đồng chí ngoài mặt trận…