Vị Tiến sĩ nặng lòng với truyền thống văn hóa

GD&TĐ - Với tâm nguyện gìn giữ văn hóa cho muôn đời sau, TS Nguyễn Quang Cương đã thành lập bảo tàng Hoa Cương (huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh). Ít ai biết, để có thành quả này, ông đã lặn lội sưu tầm hơn 50 năm,

Tiến sĩ Nguyễn Quang Cương giới thiệu các hiện vật trong bảo tàng.
Tiến sĩ Nguyễn Quang Cương giới thiệu các hiện vật trong bảo tàng.

Thành lập nhà khuyến học cho trẻ em nghèo

Tiến sĩ Nguyễn Quang Cương (Sn 1957) hiện là giảng viên trường Đại học Quy Nhơn. Ông sinh ra tại làng Lộc Nguyên, huyện Can Lộc nay là xã Bình An, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh.  Hơn 40 năm theo nghiệp đèn sách, ông giáo Nguyễn Quang Cương luôn ý thức về nghề nghiệp thiêng liêng của mình. Với ông nghề dạy học vừa để mưu sinh, vừa mang sứ mệnh phải khơi dậy được niềm đam mê học hành ở những nơi mình có thể.

Bảo tàng Hoa Cương hiện có 4.000 hiện vật
Bảo tàng Hoa Cương hiện có 4.000 hiện vật 

Từ tư tưởng đó, ông giáo Cương đã nghĩ cách lập Nhà Khuyến học, nhằm cuốn hút con trẻ vào chuyện sách vở, học hành. Đồng thời, mong muốn người lớn, phụ huynh đồng hành với việc học của con trẻ.

Nghĩ là làm, năm 2004, ông đã bỏ ra cả tỉ đồng, xây dựng một Nhà khuyến học, mang tên Nhà khuyến học Hoa Cương trên diện tích 500m2 với gần 20.000 đầu sách. Không chỉ quan tâm đến nhu cầu đọc và học của người dân, hàng năm Nhà khuyến học Hoa Cương còn làm các chương trình khuyến học như dành nhiều phần quà cho các em xuất sắc học giỏi, những em học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Nhà khuyến học ra đời như thổi một luồng gió mới cho phòng trào học tập nơi đây, các em được “chìm đắm” trong kiến thức của nhân loại. Đáp ứng được tâm lý khát sách của dân quê, một thời đói chữ. Vì vậy, một cao trào đọc sách, học tập được dấy lên, rộn ràng, rộng khắp...

Tiến sỹ Nguyễn Quang Cương tỉ mỉ giới thiệu từng hiện vật với khách tham quan
Tiến sỹ Nguyễn Quang Cương tỉ mỉ giới thiệu từng hiện vật với khách tham quan

Từ chỗ, thưa thớt, đến nay số lượng học sinh địa phương đỗ vào Đại học tăng lên đột biến. Nhiều học sinh nhờ đam mê sách, đã đạt danh hiệu học sinh giỏi cấp Huyện, cấp Tỉnh; đỗ vào trường chuyên, lớp chọn; ...

Hoạt động của Nhà khuyến học Hoa Cương được truyền thông đưa tin, như một điển hình khuyến học độc đáo, hiệu quả. Các cấp Hội khuyến học, từ Trung ương đến địa phương, đánh giá là điển hình của cách làm khuyến học trí tuệ. Và, ghi nhận bằng nhiều kỷ niệm chương, giấy khen vì sự nghiệp khuyến học.

Đặc biệt, Nhà khuyến học Hoa Cương từng được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch từng đánh giá là 1 trong số 47 thư viện tư nhân tốt của cả nước.

Giữ gìn “truyền thống văn hóa Việt” 

Cả đời gắn với nghề giáo, Tiến sĩ Nguyễn Quang Cương luôn trăn trở với tâm niệm gìn giữ những hiện vật truyền thống văn hóa cha ông cho muôn đời sau. Chính vì vậy, ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường ông đã bắt đầu sưu tầm những đồ vật cũ và cất giữ như những bảo vật.

Ông kể: Từ khi đang học cấp 3 trường Năng khiếu Hà Tĩnh, bỗng có lần tôi thấy nhớ tiếc những kỷ vật, thời học cấp 1, cấp 2 tại trường làng. Trong đó, nuối tiếc nhất vẫn là những tấm giấy khen của Ty giáo dục khen tặng. Với tuổi nhỏ, nó đẹp, ấn tượng và rất quý giá. Nhưng do hoàn cảnh, mưa dạt, gió xô, nên bị thất lạc. Từ đó, đã thôi thúc tôi ý tưởng phải lưu giữ quá khứ! Cứ thế, nhận thức lớn dần, với tâm niệm: Lưu giữ hiện vật quá khứ, cũng là cách tái sinh hồn quá khứ, phục sinh những giá trị truyền thống.

Bảo tàng là tâm nguyện của ông giáo hơn 50 năm sưu tầm và gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống xưa.
Bảo tàng là tâm nguyện của ông giáo hơn 50 năm sưu tầm và gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống xưa.

Từ tâm niệm đó, cùng với ý thức của một nhà giáo đã thôi thúc ông giáo Cương thực hiện ý tưởng: xây dựng bảo tàng, mang tính chân quê, gần gũi nhất. Nơi đó, sẽ giáo dục tình yêu gốc gác, cội nguồn, truyền thống, thông qua trực quan hiện vật và những hình thức sinh hoạt văn hoá phi vật thể khác.

Ròng rã trong một thời gian dài, ông giáo Cương đã không quản thời gian, công sức đi lần tìm, sưu tập những hiện vật để phục vụ cho dự định của mình. Sau gần 50 năm gắn bó với nghiệp trồng người cũng là ngần ấy thời gian thầy Cương theo đuổi, gắn bó với  công việc tìm kiếm, sưu tầm hiện vật cổ. Đến nay, bộ sưu tập của ông đã có đến 4.000 hiện vật.

Một bộ sưu tầm bình rượu từ thời Nguyễn
Một bộ sưu tầm bình rượu từ thời Nguyễn

"Giá trị của những hiện vật này không phải ở số lượng nhiều hay ít, mà chính là sự đa dạng phong phú về chủng loại, hình thức, mẫu mã, chất liệu. Ngoài ra, thông qua những cổ vật, thể hệ trẻ và thậm chí nhiều người lớn có thể hiểu rõ thêm về các nên văn hóa của người Việt qua các thời kỳ", ông giáo Cương tâm sự.

Đầu tháng 11/2020, bảo tàng trưng bày của Tiến sĩ Nguyễn Quang Cương vừa được khai trương ngay tại làng Bình An, xã An Lộc.

Các hiện vật tại bảo tàng đã được các chuyên gia tại Bảo tàng Hà Tĩnh thẩm định, xử lý khoa học và số hóa. Tất cả đều được sắp xếp theo hệ thống với 13 chủ đề như: Nông cụ truyền thống, tiền cổ Việt Nam và nước ngoài; hiện vật chiến tranh, hiện vật thời bao cấp...

Chủ nhân bảo tàng mong muốn nơi đây trở thành trường học truyền thống để giáo dục thế hệ trẻ lưu giữ và phát huy tinh hoa của dân tộc
Chủ nhân bảo tàng mong muốn nơi đây trở thành trường học truyền thống để giáo dục thế hệ trẻ lưu giữ và phát huy tinh hoa của dân tộc

Phần lớn các hiện vật đều được sưu tầm ở khu vực Nghệ An - Hà Tĩnh. Trong đó nhiều cổ vật được tìm thấy ngay trên mảnh đất quê hương của chủ nhân bảo tàng. Nổi bật trong bảo tàng là những cổ vật được các nhà khoa học xác định hàng nghìn năm như: bộ dụng cụ bằng đá thời tiền sử có niên đại trên 4.000 năm cùng hàng ngàn hiện vật cổ xưa có từ thời Lý - Trần - Lê, thời nhà Nguyễn... Ngoài ra, tại bảo tàng còn lưu giữ hơn 3.700 đầu sách, bức ảnh, tư liệu quý giá.

Chia sẻ về dự định của mình, Tiến sĩ Nguyễn Quang Cương tâm sự: “Điều mong muốn của tôi đó là khách tham quan sẽ được thưởng lãm, soi vào những truyền thống tốt đẹp để từ đó thức tỉnh, sinh dưỡng tình yêu Tổ quốc, quê hương. Hơn hết, tôi còn muốn nơi đây trở thành trường học truyền thống để giáo dục thế hệ trẻ lưu giữ và phát huy tinh hoa của dân tộc”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ