Vị tiến sĩ hay chữ trở thành danh tướng triều Lê

GD&TĐ - Thi đỗ tiến sĩ, trở thành văn quan, vì có tài ở lĩnh vực quân sự nên Phạm Đình Trọng bước vào hàng võ quan, thành bậc 'danh tướng trong làng nho'.

Đền Phạm Thượng Quận (Hải Phòng) thờ danh tướng Phạm Đình Trọng.
Đền Phạm Thượng Quận (Hải Phòng) thờ danh tướng Phạm Đình Trọng.

Phạm Đình Trọng sinh năm Giáp Ngọ (1714), đời vua Lê Dụ Tông, người làng Khinh Dao, huyện Giáp Sơn, phủ Kinh Môn, tỉnh Hải Dương, nay là làng Khinh Dao, xã An Hưng (An Dương, Hải Phòng). Đây là mảnh đất có truyền thống khoa bảng nổi tiếng nho học thời phong kiến.

Dòng dõi nho học

Theo các nguồn tư liệu, Phạm Đình Trọng sinh ra trong một gia tộc nối đời nho học, thế phiệt trâm anh thuộc dòng dõi danh sĩ Phạm Sư Mạnh đời Trần, Phạm Gia Mô đời Hậu Lê; Cao tổ là Phạm Chất Lượng làm đến chức Tả thị lang bộ Hộ; Tằng tổ là Phạm Huy Ánh làm đến chức Đô ngự sử hàm Thái tử Thiếu bảo; Cha là Phạm Doãn Địch - Giám sinh Quốc Tử Giám làm đến chức Tri phủ phủ Thiệu Phong.

Tương truyền, khi sinh ra, Phạm Đình Trọng đã có vẻ mặt khôi ngô. Năm lên 8 tuổi đi học hiểu được luật thơ và khi lớn, có tài văn chương, thơ ca. Xuất thân từ lệnh tộc có nhiều người đỗ đạt làm quan nên năm 20 tuổi, ông đỗ Hương cống, đến khoa thi Kỷ Mùi, niên hiệu Vĩnh Hựu thứ 5 (1739) ông ứng thí và đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân.

Văn bia đề danh Tiến sĩ khoa thi Kỷ Mùi (1739) do Hàn lâm viện Thừa chỉ Bạch Phấn Ưng vâng sắc soạn; Tham tụng, Thượng thư bộ Lễ kiêm Đông các Hiệu thư Nguyễn Công Thái vâng sắc nhuận, có đoạn: “Mùa Xuân tháng 3 năm Kỷ Mùi thi Hội cho các cống sĩ trong nước.

Lúc bấy giờ, số người dự thi có đến 3.000 người. Viện quan tâu chọn được hạng xuất sắc là bọn Nguyễn Lâm Thái 8 người. Ngày tháng 5 vào Điện thí. Quan Độc quyển dâng quyển để Hoàng thượng ngự lãm. Ban cho Vũ Diệm đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân, bọn Vũ Trần Thiệu 7 người đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân.

Sau khi loa truyền liền cho vào chầu, thay bỏ áo thường dân, ban cho áo xanh đai thơm để được vinh hoa, cho yến Quỳnh hoa bạc để tỏ ưu đãi, ơn điển dồi dào, lễ nghi long trọng. Sau lại sai khắc bia để ghi sự việc…

Sĩ phu dùng nó làm bậc thang để bước lên đường huân nghiệp, nước nhà dùng nó làm công cụ tô điểm cho cuộc thái bình. Trong đó có những bậc tài hoa nổi tiếng, người hiền tuấn xếp hàng, đem đức vọng tài trí gánh vác công việc, lấy chính trực trung hậu mà đứng trong triều.

Có người dự bàn mưu mô ở chốn miếu đường nhằm khuếch trương văn trị, người thì sau lúc binh đao đến tận chiến trường khám định võ công, mưu xa bàn rộng, rạng rỡ sử sách, công tích lớn lao chiếu sáng vũ trụ…”.

Thời Lê Hiển Tông, Phạm Đình Trọng được trọng dụng, thăng chức Phó đô ngự sử, vào phủ chúa làm Bồi tụng, tước Dao Lĩnh hầu. Sau đó, ông được chúa Trịnh Doanh sai làm Hiệp thống lĩnh 3 đạo Đông, Nam, Bắc.

Lúc đó Đàng Ngoài có nhiều cuộc nổi dậy của nông dân chống triều đình như Nguyễn Cừ, Nguyễn Tuyển, Nguyễn Danh Phương, Lê Duy Mật... Sau khi Cừ và Tuyển bị dẹp, các thủ hạ là Nguyễn Hữu Cầu, Hoàng Công Chất lại tự xây dựng mỗi người một lực lượng riêng tiếp tục hoạt động mạnh hơn trước.

vi tien si hay chu tro thanh danh tuong trieu le (1).jpg
Đình Khinh Dao thờ Tiến sĩ Phạm Đình Trọng là Thành hoàng làng thứ 7.

Giai thoại giữa hai người bạn học

Nguyễn Hữu Cầu là người quen cũ của Phạm Đình Trọng khi còn nhỏ. Tương truyền Nguyễn Hữu Cầu và Phạm Đình Trọng cùng học một thầy. Trọng hay được thầy khen nhưng Cầu không phục.

Một hôm đi đám ma về, thầy cho cả hai người đi theo. Nhà đám biếu thủ lợn, Cầu và Trọng tỵ nhau không ai chịu xách. Thầy bèn ra vế đối, bảo ai đối được thì không phải xách: Huề trư thủ (xách đầu lợn).

Trọng đối lại: Phan long lân (Vịn vây rồng). Còn Cầu đối: Diệt Tần phá Sở. Thầy gõ quạt lên đầu Cầu nói câu đối không chuẩn, thừa chữ và bắt xách thủ lợn. Nhưng Cầu vẫn gân cổ cãi: Tôi đối sai thật, nhưng ý tôi là muốn bóc vẩy rồng kia, chứ không thèm vịn vây rồng như Trọng!

Một lần khác thầy lại ra vế đối: “Mười rằm trăng náu, mười sáu trăng treo”. Trọng đối: “Tháng Giêng rét đài, tháng Hai rét lộc”. Cầu lại đối rằng: “Tháng Mười sấm rạp, tháng Chạp sấm động”. Thầy nghe xong bảo: Thằng Trọng có khẩu khí làm quan to, còn thằng Cầu thì chỉ làm giặc!

Rồi từ đó ông đồ sợ không dám nhận dạy Cầu nữa. Sau này quả nhiên Trọng làm quan cho nhà Lê còn Cầu khởi nghĩa chống triều đình. Hai người bạn, từ chỗ là đồng môn đồng thầy, trở thành hai phía đối nghịch trên chiến trường.

Cũng có giai thoại kể rằng, khi ra trận Phạm Đình Trọng ra vế đối sai người đưa cho Cầu: “Thổ triệt bán hoành, thuận giả thượng, nghịch giả hạ” (nghĩa là: Chữ “thổ” nếu bỏ đi một nửa nét ngang, để xuôi là chữ “thượng”, để ngược là chữ “hạ”. Câu này có ý khuyên Cầu nếu thuận theo triều đình thì có chức, chống lại thì bị diệt).

vi tien si hay chu tro thanh danh tuong trieu le (1).png
Tượng thờ Tiến sĩ Phạm Đình Trọng.

Hữu Cầu viết thư đối lại rằng: “Ngọc tàng nhất điểm, xuất vi chúa, nhập vi vương” (nghĩa là: Bộ “ngọc” có một dấu chấm, để lên đầu là chữ “chúa”, bỏ đi là chữ “vương”. Ý nói chí lớn của mình chẳng làm chúa cũng làm vua chứ không chịu hàng).

Khuyên nhủ bạn không thành, Phạm Đình Trọng buộc phải đối đầu với Nguyễn Hữu Cầu. Phạm Đình Trọng chiêu mộ những người mạnh khỏe ở Thanh Hà, Tứ Kỳ, Vĩnh Lại và Thượng Hồng làm nghĩa binh, đặt hiệu riêng là bốn cơ Thanh, Kỳ, Hồng, Vĩnh, dùng hai người thủ hạ để quản lãnh.

Tháng 8/1745, Phạm Đình Trọng cùng Hoàng Ngũ Phúc đánh phá được Nguyễn Hữu Cầu ở thành Xương Giang. Ông được bổ dụng làm hiệp thống lãnh đạo Đông Bắc. Nguyễn Hữu Cầu ra Yên Quảng, chiếm cứ Hạc Động, nhờ vào biển để làm kiên cố, thường dùng hạng thuyền nhanh nhẹ cướp bóc vùng Đông Nam.

Phạm Đình Trọng cùng Ngũ Phúc đem các tướng đi đánh, phá tan chém được thủ hạ đắc lực của Hữu Cầu là Thông cùng hơn 10 người khác, thu được nhiều quân nhu và ngựa chiến.

Nguyễn Hữu Cầu nhiều lần bị Phạm Đình Trọng đánh bại, bèn đào mả mẹ Trọng quẳng xuống sông. Trọng khóc lóc tố cáo với Trịnh Doanh, thề quyết chí giết Cầu. Tháng 3 năm 1746, Cầu bị ông đánh thua nhiều thế lực suy yếu, bèn sai thủ hạ tên là Hựu đem nhiều bạc đút lót cho đại thần là Đỗ Thế Giai và nội giám Nguyễn Phương Đĩnh, để xin đầu hàng.

Trịnh Doanh y cho, hạ lệnh cho Cầu cùng thủ hạ Hoàng Phùng Cơ đều được phép rửa hết tội trước, ban cho hiệu là Ninh Đông tướng quân và phong tước Hương Nghĩa hầu, rồi hạ lệnh triệu về kinh đô.

Phạm Đình Trọng không nghe, có ý ngăn đường đón đánh Hữu Cầu. Cầu sai báo với Trịnh Doanh. Trịnh Doanh sai Thiêm tri Nguyễn Phi Sảng đem lệnh chỉ đến phủ dụ Đình Trọng hoãn đánh Hữu Cầu.

Trọng không nghe, nói với Sảng: “Người làm tướng ở ngoài chiến trường, có khi không chịu nhận mệnh lệnh của vua. Tôi với Cầu không cùng đội trời chung, tôi đã từng nói ở trước chúa thượng. Nay ông tự nhận mệnh lệnh đi chiêu hàng, tôi tự nhận mệnh lệnh đi giết giặc, nếu gặp thế có thể đánh được giặc, thì tôi cũng không vì cớ ông đến chiêu hàng mà ngần ngại”.

Sảng sợ hãi chạy đến báo cho Cầu biết. Trọng cũng mang quân đuổi đến phía sau. Cầu phải bỏ trốn. Gian thần trong triều nhân Đình Trọng có công, gièm pha với chúa Trịnh Doanh rằng: “Đình Trọng cầm quân ở ngoài, đặt bộ ngũ riêng, chẳng khỏi không có ý khác”. Trịnh Doanh biết ông là người tự nguyện một lòng trung thành, nên bỏ ngoài tai.

Danh tướng bách chiến bách thắng

vi tien si hay chu tro thanh danh tuong trieu le (2).jpg
Bia Tiến sĩ khoa thi Kỷ Mùi (1739) - khoa Phạm Đình Trọng đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân.

Tháng 9/1748, lực lượng của Nguyễn Hữu Cầu lại mạnh lên, mang quân đánh Sơn Nam. Trịnh Doanh sai Trấn tướng Vũ Tá Sắt đi đánh bị thua. Biết Hữu Cầu ngại Đình Trọng, Trịnh Doanh bèn sai ông ra trận.

Khi Hữu Cầu tiến đến Bồ Đề thì gặp quân Phạm Đình Trọng. Hai bên giao chiến, Hữu Cầu thua trận phải bỏ chạy. Đình Trọng mang quân đuổi theo. Hai bên lại đụng độ ở Cẩm Giàng. Phạm Đình Trọng lại thắng Cầu một trận nữa.

Hữu Cầu thua chạy, cho rằng triều đình vừa thắng sẽ không phòng bị, bèn mang quân đánh úp Thăng Long. Tuy nhiên quân Cầu đi chậm, khi đến bến Bồ Đề thì trời đã sáng. Đến nơi thì trời vừa sáng; có tin báo, Trịnh Doanh tự đem quân ra giữ ở bến Nam Tân. Phạm Đình Trọng biết tin ấy lập tức đem quân về đánh mặt sau, Hữu Cầu lại thua bỏ chạy.

Hữu Cầu cùng với Hoàng Công Chất cướp ở huyện Thần Khê và Thanh Quan. Phạm Đình Trọng và Hoàng Ngũ Phúc lại đem binh xuống đánh đuổi. Hoàng Công Chất chạy vào Thanh Hóa, Hữu Cầu chạy vào Nghệ An, hợp với thủ lĩnh khởi nghĩa tên là Diên ở Hương Lãm (thuộc huyện Nam Đường).

Năm 1751, Phạm Đình Trọng đem quân vào đánh phá trại. Hữu Cầu chạy đến làng Hoàng Mai (Quỳnh Lưu, Nghệ An) thì bị bộ tướng của Đình Trọng là Phạm Đình Sĩ bắt được, đóng cũi đem về nộp chúa Trịnh.

Trịnh Doanh cùng lúc đó dẹp được Nguyễn Danh Phương, bắt mang về kinh đô, đi đến làng Xuân Hi, huyện Kim Anh, gặp người của Phạm Đình Trọng giải Cầu đến.

Trịnh Doanh bèn mở tiệc khao quân, bắt Danh Phương dâng rượu, Hữu Cầu thổi kèn, sau đó mang về kinh đô giết cả hai. Các lực lượng nổi dậy bị dẹp gần hết, chỉ còn Hoàng Công Chất ở Tây Bắc và Lê Duy Mật ở Trấn Ninh.

Nhờ dẹp được Nguyễn Hữu Cầu, Phạm Đình Trọng được phong làm Thượng thư bộ Binh khi mới 37 tuổi. Ông được gia phong Thái tử thái bảo, tước Hải quận công. Sau đó Trịnh Doanh sai ông làm Đốc suất Nghệ An. Do có tiếng tăm, Đình Trọng nhanh chóng dẹp được các lực lượng trộm cướp, ổn định cuộc sống của dân trong vùng.

Thấy nhân dân một số nơi thiếu đói, ông xin cho xá thuế, thi hành đức trị nên đất Nghệ An, Bố Chính dân được an cư lạc nghiệp. Ông còn cho lập các đội hương binh ở Nghệ An, lại đặt các đồn binh liên hoàn ở những nơi xung yếu, cùng hương binh canh phòng tuần tiễu giữ gìn an ninh trật tự. Ông được nhân dân lập đền thờ sống tại Nghệ An.

Một số quan đại thần, tướng lĩnh cao cấp của triều đình Lê - Trịnh hẹp dạ, vốn ghen tài thấy thế lại gièm pha với chúa Trịnh rằng ông mưu phản. Chúa Trịnh Doanh tin lời xiểm nịnh, muốn chặt vây cánh của vua Lê đã ép Phạm Đình Trọng uống thuốc độc chết vào đêm 30 Tết năm Giáp Tuất (1754).

Khi sứ giả của phủ chúa đem rượu độc vào ban cho ông được chết toàn thây. Một bộ tướng cầu xin ông vào Nam theo chúa Nguyễn, nhưng ông không nghe lời, cho mời Đốc đồng Nguyễn Danh Lâm căn dặn mọi việc để giữ yên xứ Nghệ, rồi lặng lẽ mặc triều phục hướng về Bắc vái vọng vua Lê, đoạn uống cạn chén rượu độc chúa ban. Năm ấy, Phạm Đình Trọng mới 41 tuổi, tài năng đang ở độ chín.

Sau khi ông mất, triều đình truy tặng hàm thái bảo. Trịnh Doanh viết bốn chữ “văn võ toàn tài” ban cho, lại cho biển ngạch khắc chữ “đồng hưu công thần”, phong cho thái ấp vài ngàn hộ.

Sách “Khâm định Việt sử thông giám cương mục”, quyển 41 đánh giá: “Phạm Đình Trọng là một viên tướng có nho học, giữ vị vọng quan trọng, dầu ở nơi biên trấn mà sĩ phu không ai là không tưởng mến nghi phong thái độ”.

Sử gia Phan Huy Chú cũng nhận xét: “Ông tài kiêm văn võ, làm bậc nguyên thần của nước là danh tướng trong làng nho, sự nghiệp kỳ vĩ, gần đây chưa thấy có”.

Năm 2010, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Viện Sử học Việt Nam, Hội Khoa học lịch sử Hải Phòng đã phối hợp tổ chức hội thảo khoa học về thân thế và sự nghiệp của Tiến sĩ Phạm Đình Trọng.

Với tinh thần đổi mới theo phương châm nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật, cùng với việc kết hợp quan điểm dân tộc và quan điểm giai cấp, các tham luận trong hội thảo của các nhà nghiên cứu hướng tới mục tiêu đối xử một cách công minh với Phạm Đình Trọng, nhằm khôi phục và tôn vinh tên tuổi vị danh tướng.

Trong Văn tế Phạm Đình Trọng, Tiến sĩ Nguyễn Danh Lâm thảng thốt khóc than: “Tướng công hà cớ gì mà phải chết? Ngài là bậc quốc gia dựa cậy. Như cột trụ, như đá tảng giữa dòng nước xiết, triều đình tưởng trông. Ngài là một văn chương đạo đức, được dân chúng thực sự ngưỡng vọng. Ngài như cam lồ, mưa lành, phương trấn thảy đều chờ mong... Chưa bốn mươi, chức Thượng thư, với người là sớm, với ngài là còn chậm. Đội mũ nhà nho làm tướng, với người thì lạ, với ngài đúng sở trường”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ