Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (thứ ba từ trái sang) tại hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng. Ảnh: VGP |
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa kết thúc chuyến thăm Nhật Bản và tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng tại đây.
Theo Thứ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Hội nghị thượng đỉnh G7 và G7 mở rộng là diễn đàn giúp các nước phát triển hàng đầu tìm kiếm sự đồng thuận và thống nhất quan điểm, lập trường về những vấn đề quốc tế và khu vực.
Chuyến thăm Nhật Bản lần này là chuyến đầu tiên của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trên cương vị người đứng đầu chính phủ Việt Nam. Đây cũng là lần đầu tiên Việt Nam tham dự hội nghị G7 mở rộng với tư cách khách mời.
"Điều này có ý nghĩa quan trọng đối với Việt Nam, thể hiện sự ghi nhận của Nhật Bản và các nước G7 đối với vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế", ông Sơn nhấn mạnh.
Trong bức thư mời Thủ tướng Việt Nam tham dự cũng như trong các phát biểu tại hội nghị, các cuộc hội đàm hay gặp gỡ báo chí, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cũng nhiều lần khẳng định 10 năm qua, "Việt Nam đã không ngừng nâng cao được vị thế trong cộng đồng quốc tế".
Theo Thứ trưởng Ngoại giao, việc Nhật Bản và các nước G7 lần đầu tiên mời Việt Nam dự hội nghị G7 mở rộng thể hiện sự tin cậy, đánh giá cao vị thế, vai trò và tinh thần trách nhiệm của Việt Nam trong việc giải quyết các vấn đề của khu vực và quốc tế.
Hội nghị không chỉ là dịp để Việt Nam giới thiệu đường lối đối ngoại, hình ảnh đất nước, kêu gọi sự hỗ trợ và thu hút đầu tư nước ngoài mà còn là cơ hội thể hiện tinh thần trách nhiệm, đóng góp vào việc giải quyết các vấn đề quan tâm chung của khu vực và quốc tế.
Sau chuyến công tác của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Nhật Bản và Việt Nam đã thống nhất duy trì thường xuyên các chuyến thăm và tiếp xúc cấp cao, tăng cường gặp gỡ, trao đổi bên lề các hội nghị quốc tế... nhằm nâng cao hơn nữa sự tin cậy chính trị giữa hai quốc gia.
Đôi bên đồng thời nhất trí hợp tác chặt chẽ, cùng trao đổi để thống nhất các biện pháp thúc đẩy hơn nữa việc kết nối hai nền kinh tế thông qua hợp tác đầu tư, thương mại, ODA...
Nhật Bản và Việt Nam cũng đạt nhiều kết quả trong việc hợp tác ứng phó với vấn đề hạn hán và xâm nhập mặn. Thủ tướng Abe tuyên bố Nhật Bản hỗ trợ Việt Nam khoản viện trợ khẩn cấp không hoàn lại trị giá khoảng 2,57 triệu USD để ứng phó với tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn đang diễn ra trầm trọng tại Việt Nam và khẳng định Nhật Bản sẽ cùng Việt Nam nghiên cứu các giải pháp lâu dài và hỗ trợ ODA cho Việt Nam để ứng phó với tình trạng trên.
Hai bên đồng ý tiếp tục tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực nông nghiệp, đào tạo nguồn nhân lực, y tế và giao lưu nhân dân.
Nhật Bản và Việt Nam chia sẻ quan ngại sâu sắc của cộng đồng quốc tế về tình hình Biển Đông, nhất trí về lập trường giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình như đã được các nước ủng hộ tại Hội nghị Thượng đỉnh G7 và G7 mở rộng.