Vì sao Vinacomin có khoản nợ hơn 74 nghìn tỷ đồng?

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) trong năm 2022 liên tục đón nhận nhiều tin không vui.

Trụ sở Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam.
Trụ sở Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam.

Bên cạnh khoản nợ lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam cũng được chỉ ra còn tồn tại hàng loạt vấn đề liên quan đến quản lý tài chính.

Nợ “khủng”

Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) trong năm 2022 liên tục đón nhận nhiều tin không vui. Chủ tịch HĐTV, Tổng Giám đốc và 2 Phó Tổng Giám đốc của Vinacomin bị kỷ luật liên quan đến việc quản lý, khai thác than.

Về công tác tổ chức, ông Lê Minh Chuẩn đã từ chức sau gần 10 năm là lãnh đạo cao nhất của Vinacomin (ông Chuẩn được bổ nhiệm giữ chức Chủ tịch HĐTV Vinacomin lần đầu theo Quyết định số 1056/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 27/6/2014).

Bên cạnh những xáo trộn liên quan đến vấn đề nhân sự, về tình hình kinh tế, Vinacomin cũng là một trong số những cái tên nằm trong danh sách các doanh nghiệp Nhà nước đang phải “gánh” khoản nợ phải trả khổng lồ.

Theo tài liệu của Báo GD&TĐ, tính đến tháng 6/2022, tập đoàn này ghi nhận khoản nợ phải trả lên đến hơn 74 nghìn tỷ đồng, trong khi đó vốn chủ sở hữu chỉ là hơn 45 nghìn tỷ đồng.

Trong số 74 nghìn tỷ đồng nợ phải trả của Vinacomin, số nợ ngắn hạn là 44 nghìn tỷ đồng và nợ dài hạn là hơn 30 nghìn tỷ đồng.

Những khoản nợ lớn nhất của Vinacomin đến từ nợ người bán (hơn 12 nghìn tỷ đồng) và nợ vay thuê tài chính (hơn 38 nghìn tỷ đồng). Riêng về các khoản vay thuê tài chính, Vinacomin nợ ngắn hạn gần 12 nghìn tỷ đồng và hơn 26 nghìn tỷ đồng nợ dài hạn.

Vào thời điểm giữa năm 2022, tổng tài sản của Vinacomin vượt ngưỡng 120 nghìn tỷ đồng, tăng nhẹ so với hồi đầu năm (hơn 119 nghìn tỷ đồng). Trong đó, tài sản ngắn hạn được xác định là hơn 48 nghìn tỷ đồng, tài sản dài hạn hơn 72 nghìn tỷ đồng.

Doanh thu thuần đạt hơn 68 nghìn tỷ đồng, lợi nhuận trước và sau thuế đạt lần lượt hơn 2 nghìn tỷ đồng và hơn 1,6 nghìn tỷ đồng.

Hàng tồn kho của Vinacomin tính đến giữa năm 2022 lên đến hơn 22 nghìn tỷ đồng, tăng so hồi đầu năm (hơn 17 nghìn tỷ đồng). Mặt hàng tồn kho chủ yếu là than thành phẩm với hơn 11 nghìn tỷ đồng, nguyên vật liệu hơn 2,5 nghìn tỷ đồng…

Đến ngày 30/6/2022, Vinacomin có khoản phải thu lên đến gần 11 nghìn tỷ đồng, phần lớn là phải thu ngắn hạn (hơn 10 nghìn tỷ đồng).

Trong số này, Công ty mua bán điện - Tập đoàn Điện lực Việt Nam hơn 2,9 nghìn tỷ đồng, Nhiệt điện Mông Dương hơn 657 tỷ đồng, Công ty TNHH Điện lực AES - TKV Mông Dương hơn 956 tỷ đồng…

Đáng chú ý, Vinacomin có gần 271 tỷ đồng nợ khó đòi nhưng dự kiến chỉ có thể thu hồi được gần 38 tỷ đồng. Trong đó, có hơn 194 tỷ đồng là nợ quá hạn trên 3 năm.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, Vinacomin đã chi đến gần 2,7 nghìn tỷ đồng cho các phí quản lý doanh nghiệp. Con số này của cùng kỳ năm 2021 cũng lên đến gần 2,6 nghìn tỷ đồng. Trong khi, chi phí bán hàng được tập đoàn này chi ra chỉ là hơn 2,3 nghìn tỷ đồng và hơn 1,9 nghìn tỷ đồng vào cùng kỳ năm 2021.

Với số tiền chi cho quản lý doanh nghiệp, Vinacomin dành hơn 1,1 nghìn tỷ đồng để trả lương nhưng số tiền dành cho các khoản chi phí khác và chi phí dịch vụ mua ngoài (2 khoản này không được kê khai rõ) lại lên đến lần lượt là gần 926 tỷ đồng và hơn 193 tỷ đồng. Trong cùng kỳ năm 2021, khoản chi phí khác của tập đoàn này thậm chí lên đến hơn 955 tỷ đồng.

Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam đến giữa tháng 6 năm 2022 “gánh” khoản nợ lên đến hơn 74 nghìn tỷ đồng.

Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam đến giữa tháng 6 năm 2022 “gánh” khoản nợ lên đến hơn 74 nghìn tỷ đồng.

Hàng loạt tồn tại trong quản lý tài chính

Liên quan đến hoạt động của Vinacomin, mới đây, Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ ra rằng, trong năm 2021, việc quản lý nợ phải thu, phải trả của Vinacomin chưa chặt chẽ, để phát sinh nợ đọng, nợ phải thu khó đòi phải trích lập dự phòng.

Bên cạnh đó, Vinacomin vẫn còn trường hợp cho khách hàng nợ tiền hàng không đúng quy định theo hợp đồng, dư nợ vượt bảo lãnh thanh toán; chậm hoàn ứng theo quy định của đơn vị.

Một số hợp đồng bán than tại Chi nhánh Công ty Kinh doanh than Hải Phòng của Công ty Cổ phần kinh doanh than miền Bắc - Vinacomin chưa quy định hình thức bảo đảm thực hiện hợp đồng, chưa quy định điều khoản thưởng phạt. Ngoài ra, còn trường hợp có hệ số thanh toán nợ ngắn hạn chưa đảm bảo...

Về quản lý hàng tồn kho tại Vinacomin còn có trường hợp chưa yêu cầu đơn vị giám định cung cấp các tài liệu thể hiện số lượng mẫu được lấy, sơ đồ lấy mẫu; chưa thực hiện kiểm định/hiệu chuẩn và đánh giá sai số của thiết bị đo mức tự động tại bể chứa xăng dầu; chưa thực hiện giám định độ ẩm lượng than sau khi nhập về kho, tiềm ẩn rủi ro chất lượng, độ ẩm hàng nhập kho...

Về hiệu quả sử dụng tài sản cố định tại Vinacomin còn có các trường hợp công suất bình quân thực tế hoạt động của một số phân xưởng sàng tuyển thấp hơn so với công suất thiết kế; hiệu suất sử dụng một số đoàn tàu vận chuyển còn thấp, vòng quay chậm; chi phí xây dựng cơ bản dở dang; một số khoản chi phí xây dựng cơ bản dở dang của các dự án dừng/không tiếp tục đầu tư từ nhiều năm trước đến nay chưa được xử lý dứt điểm.

Bên cạnh đó, việc quản lý doanh thu, thu nhập tại Vinacomin còn có tình trạng đơn vị chưa thực hiện kê khai giá bán than theo quy định; một số khách hàng chưa có hồ sơ đủ điều kiện hộ kinh doanh thương mại.

Về quản lý chi phí, giá thành sản xuất kinh doanh cũng được chỉ ra chưa ban hành đầy đủ các định mức kinh tế - kỹ thuật; chưa xây dựng, ban hành tỷ lệ hao hụt đối với công đoạn vận chuyển than theo từng cung độ vận chuyển, loại phương tiện, độ ẩm thực tế áp dụng; chưa cập nhật, xây dựng định mức tiêu hao nhiên liệu trên cơ sở định mức tiêu hao nhiên liệu…

Ngoài ra, đối với việc quản lý các khoản phải nộp ngân sách Nhà nước, Vinacomin được chỉ ra chưa kê khai thuế GTGT đối với hàng biếu tặng; tính thiếu thuế TNCN; chưa loại trừ một số khoản chi phí khi tính thuế TNDN; chưa giảm thu nhập tính thuế TNDN đối với khoản thu nhập từ cổ tức; trích Quỹ Khoa học và Công nghệ vượt quy định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ