Vì sao Việt Nam phải phân vùng nguy cơ xanh, vàng, da cam, đỏ?

GD&TĐ - Bà Nguyễn Thị Liên Hương - Cục trưởng Cục quản lý môi trường Y tế (Bộ Y tế) đã lý giải nguyên nhân Việt Nam áp dụng phân vùng cũng như quyết định yêu cầu F1 cách ly 14 ngày, dù đã tiêm đủ vắc-xin.

Hội thảo tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 128 và Quyết định 4800.
Hội thảo tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 128 và Quyết định 4800.

Tại hội thảo tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 128 và Quyết định 4800 ngày 29/10, bà Nguyễn Thị Liên Hương - Cục trưởng Cục quản lý môi trường Y tế (Bộ Y tế) cho biết, Nghị quyết 128 và Quyết định 4800 đã được triển khai gần 20 ngày. Trong quá trình xây dựng Nghị quyết 128, Bộ Y tế đã phối hợp với chuyên gia trong và ngoài nước, rà soát lộ trình, kế hoạch mở cửa các nước để làm căn cứ.

Theo bà Liên Hương, hiện nay nhiều nước trên thế giới đã chuyển hướng phòng chống dịch sang nới lỏng, xây dựng lộ trình mở cửa, đảm bảo kiểm soát dịch hiệu quả cũng như phát triển kinh tế.

Lý giải về việc Việt Nam phân vùng nguy cơ xanh, vàng, da cam, đỏ, Cục trưởng Cục quản lý môi trường Y tế cho biết, nhiều nước trên thế giới cũng đã phân vùng nguy cơ từ thấp đến cao.

Các nước cũng phân vùng và chia màu. Vùng nguy cơ được căn cứ vào các vấn đề chuyên môn kỹ thuật, tỷ lệ mắc trên 100 nhìn dân, tỷ lệ tử vong, tỷ lệ tiêm chủng, cũng như khả năng đáp ứng của hệ thống y tế. Song, không phải quốc gia nào cũng sử dụng 4 chỉ số, mà có thể là 1 hoặc 2.

Một số quốc gia chia phân vùng nguy cơ theo 4 hoặc 5 màu như: Xanh, đỏ, vàng, cam, xám. Hoặc, với các nước chia 3 vùng nguy cơ sẽ gồm các màu: Đỏ, cam, vàng. Bà Liên Hương nhấn mạnh, Việt Nam cũng phân vùng tương tự các nước.

Về vấn đề cách ly, phòng chống dịch tại các quốc gia trên thế giới, bà Liên Hương nhấn mạnh, ngay từ đầu dịch và các vụ dịch trước đã nêu vấn đề cách ly với người mắc và nhập cảnh. Các quốc gia áp dụng cách ly tập trung với người nhập cảnh, tương tự Việt Nam. Đồng thời, cách ly người tiếp xúc gần cũng là phương pháp chống dịch được các quốc gia áp dụng, bao gồm cách ly y tế tại khách sạn.

Trong bối cảnh tỷ lệ người tiêm đủ 2 mũi vắc-xin phòng Covid-19 tăng, lãnh đạo Bộ Y tế đã chỉ đạo các Vụ, Cục Bộ Y tế nghiên cứu về vấn đề giảm thời gian cách ly của F1. Bộ Y tế cũng đã xin ý kiến Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Mỹ (CDC), cũng như các chuyên gia trong ngoài nước.

Sau khi xin ý kiến, Bộ Y tế thống nhất vẫn thực hiện yêu cầu cách ly 14 ngày kể cả với F1 đã tiêm đủ 2 mũi vắc-xin. Bởi, vắc-xin chỉ giúp giảm bệnh nặng và nguy cơ tử vong, Trong khi đó, người tiêm đủ vắc-xin vẫn có nguy cơ lây nhiễm bệnh cho người khác.

Theo Cục trưởng Nguyễn Thị Liên Hương, một số nước vẫn thực hiện giãn cách xã hội khi dịch bùng phát, với nhiều mức độ khác nhau.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ