Tăng cường giám sát, kiểm soát dịch trong thời gian thực hiện nghị quyết 128

GD&TĐ - Ngày 25/10, Bộ Y tế đã có công điện số 1700 gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc tăng cường công tác giám sát và kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trong thời gian thực hiện nghị quyết 128.

Bộ Y tế đề nghị tăng cường, chủ động giám sát, xét nghiệm các trường hợp có nguy cơ cao. Ảnh minh họa.
Bộ Y tế đề nghị tăng cường, chủ động giám sát, xét nghiệm các trường hợp có nguy cơ cao. Ảnh minh họa.

Theo Bộ Y tế, trong thời gian qua, trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch Covid-19, nhiều tỉnh, thành phố đã thực hiện giãn cách, tăng cường giãn cách xã hội và đã bước đầu hạn chế được tốc độ lây lan của dịch bệnh; số ca mắc và tử vong đã giảm rõ rệt.

Các địa phương đã từng bước tháo bỏ giãn cách xã hội chuyển sang thực hiện nghị quyết số 128 về “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”.

Tuy nhiên, trong thời gian này một số lượng lớn người dân đã di chuyển từ các địa phương có số mắc cao, tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh; một số địa phương nơi người dân trở về đã ghi nhận các trường hợp mắc bệnh trong cộng đồng, với những chùm nhiều ca mắc trong ngày.

Để tăng cường công tác giám sát và chủ động kiểm soát dịch hiệu quả, Bộ Y tế (Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19) đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo triển khai ngay một số nội dung sau:

Chỉ đạo chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan tiếp tục thực hiện rà soát tất cả những người đi về từ các tỉnh, thành phố có số mắc cao (như TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An...);

Tăng cường, chủ động giám sát, xét nghiệm các trường hợp có nguy cơ cao, nhất là những điểm có người về từ các địa bàn trên và các địa bàn dịch cấp độ 3, 4; các trường hợp có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh để phát hiện sớm, tổ chức cách ly, theo dõi sức khỏe phù hợp và xử lý kịp thời các ổ dịch Covid-19;

Phát huy vai trò hệ thống chính trị cơ sở, đặc biệt tổ Covid-19 dựa vào cộng đồng trong giám sát, xét nghiệm, theo dõi y tế.

Đồng thời các địa phương chủ động xây dựng kịch bản, tổ chức diễn tập, đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực truy vết, sẵn sàng ứng phó với các tình huống diễn biến dịch Covid-19 theo từng cấp độ trên địa bàn không để bị động; tăng cường năng lực y tế các cấp, nhất là năng lực điều trị ở cấp cơ sở để phân loại, điều trị phù hợp, kịp thời, hiệu quả. Khẩn trương có kế hoạch thành lập trạm y tế lưu động theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế.

Công điện của Bộ Y tế cũng yêu cầu các địa phương tiếp tục đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 đảm bảo an toàn, hiệu quả; ưu tiên tiêm chủng cho người cao tuổi, người có bệnh lý nền và phụ nữ mang thai; yêu cầu các cơ sở tiêm chủng sử dụng ứng dụng nền tảng Sổ sức khỏe điện tử để quản lý và theo dõi tiến độ tiêm chủng.

Tăng cường thông tin, truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng để những người dân về từ khu vực có dịch chủ động khai báo y tế với cơ quan y tế địa phương để được hướng dẫn theo dõi sức khỏe, lấy mẫu xét nghiệm phù hợp và áp dụng các biện pháp phòng bệnh theo quy định.

Các địa phương cũng cần tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc tổ chức triển khai thực hiện và kịp thời chấn chỉnh, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Thường xuyên tổ chức thực hiện việc đánh giá, cập nhật và công bố cấp độ dịch để có các biện pháp y tế, hành chính phù hợp với từng cấp độ, từng địa bàn (trên phạm vi nhỏ nhất có thể) theo hướng dẫn tại Nghị quyết số 128 ngày 11/10 của Chính phủ và Quyết định số 4800 ngày 12/10 của Bộ Y tế.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cha mẹ có thể để trẻ bình tĩnh rồi nói chuyện. Ảnh minh họa

Làm gì khi con hay giận dỗi?

GD&TĐ - Trẻ nhỏ thường giận dỗi, buồn rầu vì không thể nói ra được nỗi bực bội của mình hoặc chưa được đáp ứng mong muốn nào đó.