Vì sao thuốc kháng đông được chỉ định điều trị Covid-19?

GD&TĐ - Toa thuốc điều trị Covid-19 tại nhà dành cho người từ 18 tuổi trở lên của Sở Y tế TP Hồ Chí Minh bao gồm cả thuốc kháng đông đường uống liều dự phòng với chỉ định được nêu rõ...

Đội phản ứng nhanh lên đường hỗ trợ điều trị cho F0 tại nhà. Ảnh: SV Tấn.
Đội phản ứng nhanh lên đường hỗ trợ điều trị cho F0 tại nhà. Ảnh: SV Tấn.

Trong Hướng dẫn tạm thời danh mục thuốc điều trị ngoại trú cho người nhiễm Covid-19 tại nhà Bộ Y tế vừa ban hành có thuốc chống đông máu đường uống, lựa chọn một trong 2 thuốc sau: Rivaroxaban 10mg (viên), Apixaban 2,5mg (viên).

Trước đó, từ ngày 11/8, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã có văn bản cập nhật hướng dẫn chăm sóc người mắc Covid-19 tại nhà. Trong đó, bổ sung 2 loại thuốc kháng đông dạng uống để điều trị Covid-19, nâng số loại thuốc kháng đông dạng uống cho bệnh nhân Covid-19 điều trị tại nhà lên 3 loại.

PGS. TS Tăng Chí Thượng – Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, theo ý kiến của Hội đồng khoa học và công nghệ mở rộng về các thuốc kháng đông dạng uống, ngành y tế thành phố đã cập nhật thêm 2 loại thuốc kháng đông dạng uống. 

Sở Y tế đề nghị giám đốc các bệnh viện, trung tâm y tế nhanh chóng bổ sung 2 loại thuốc kháng đông dạng uống này nhằm đảm bảo an toàn, điều trị hiệu quả cho người mắc Covid-19.

Cụ thể, 2 loại thuốc kháng đông dạng uống được bổ sung là Apixaban và Dabigatran. Trước đó, Sở Y tế đã cập nhật sử dụng thuốc kháng đông dạng uống Rivaroxaban.

Về vấn đề sử dụng thuốc kháng đông trong toa thuốc, thông tin trên Báo SKĐS, các chuyên gia thuộc Tổ Dược lâm sàng – Khoa Dược Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh cho biết, sở dĩ thuốc kháng đông được khuyến cáo trong các phác đồ điều trị người mắc Covid-19 vì bệnh nhiễm này gây tình trạng tăng đông máu, tăng nguy cơ thuyên tắc huyết khối bao gồm huyết khối tĩnh mạch sâu, thuyên tắc phổi, một số ít trường hợp gây đột qụy, nhồi máu cơ tim và thiếu máu cục bộ chân.

Nguy cơ này cao hơn ở những người bệnh mắc Covid-19 nhập viện, có triệu chứng từ vừa, nặng hay nguy kịch như bệnh nhân nhập các đơn vị hồi sức tích cực.

Do đó, các hướng dẫn điều trị Covid-19 hiện nay trong nước và trên thế giới đều khuyến cáo điều trị chống đông ở tất cả người bệnh Covid-19 nhập viện trừ khi có chống chỉ định với kháng đông (ví dụ như đang có tình trạng chảy máu hoạt động, tiểu cầu quá thấp, xuất huyết não, xuất huyết tiêu hóa, chấn thương nặng, phẫu thuật lớn gần đây hay huyết áp tăng cao không kiểm soát trên 160 mmHg). 

Điều trị dự phòng với kháng đông cho người bệnh Covid-19 trong phần lớn các trường hợp sẽ ngưng sau khi người bệnh xuất viện.

Còn đối với người mắc Covid-19 triệu chứng nhẹ điều trị tại nhà, không nhập viện, các khuyến cáo điều trị Covid-19 trên thế giới không khuyến cáo thường quy xét nghiệm các chỉ dấu đông máu (D-dimer, thời gian prothrombin, tiểu cầu hay fibrinogen) cũng như khởi trị thuốc kháng đông hay thuốc chống kết tập tiểu cầu để dự phòng huyết khối liên quan Covid-19, trừ khi có chỉ định khác hay người bệnh đang tham gia thử nghiệm lâm sàng.

Tuy nhiên, toa thuốc điều trị Covid-19 tại nhà dành cho người từ 18 tuổi trở lên nằm trong "Hướng dẫn gói chăm sóc sức khỏe tại nhà cho người F0" đề nghị bởi Sở Y tế TP Hồ Chí Minh thời gian gần đây bao gồm cả thuốc kháng đông đường uống như rivaroxaban, apixaban và dabigatran liều dự phòng với chỉ định được nêu rõ cho người có triệu chứng sớm của suy hô hấp (cảm giác khó thở, đo SpO2 dưới 95%) và chưa liên hệ được nhân viên y tế để được hướng dẫn, hỗ trợ.

Khi gặp tình trạng suy hô hấp như trên và đã tự dùng thuốc kháng đông uống, người bệnh cần tiếp tục liên hệ các cơ sở y tế để được hỗ trợ sớm nhất, không tự điều trị với kháng đông uống kéo dài và khi đến cơ sở y tế phải thông báo cho nhân viên y tế biết loại cũng như liều thuốc kháng đông và thời điểm mà bạn uống thuốc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Bình dân học vụ số

GD&TĐ - Sáng 18/11, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm có cuộc gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam.