Mỗi năm có từ 1 đến 3 ngày thứ 6 ngày 13. Năm 2018 có 2 ngày thứ 6 ngày 13 vào tháng 4 và tháng 7. Sẽ có hai thứ sáu ngày 13 hàng năm cho đến năm 2020, 2021 và 2022 sẽ chỉ có một ngày thứ 6 ngày 13, tương ứng trong tháng 8 và tháng 5.
Thứ sáu ngày 13 xuất hiện trong các tháng mà ngày 1 của tháng rơi vào ngày Chủ Nhật.
1. Nguồn gốc của nỗi ám ảnh thứ 6 ngày 13
Theo các nhà sử học, con số 13 được coi là một "trường hợp đặc biệt" từ những năm 1780 TCN khi mà trong bộ luật Hammurabi nổi tiếng của người Babylon không hề có điều luật thứ 13. Ngoài ra, rất nhiều các khái niệm từ thời cổ đại chỉ được phân loại trong 12 cá thể khác nhau.
Ví dụ như 12 cung hoàng đạo, 12 tháng trong 1 năm, 12 giờ trong 1 ngày, 12 vị thần Hy Lạp, 12 tông đồ của Jesus, anh hùng Hercules lập 12 chiến công hay 12 bộ tộc cổ đại của người Israel. Theo một cách nói cụ thể, số 13 là khái niệm vượt ra khỏi những quy tắc thông thường của con người.
Ngoài ra, theo thần thoại Bắc Âu, con số 13 bắt nguồn từ việc vị thần xảo trá Loki đã bí mật hợp tác với thần bóng tối Hoder để ám sát vị thần của hạnh phúc Balder trong một bữa tiệc tại thiên đường Valhalla. Lúc đó, chỉ có 12 vị thân được mời tham dự tiệc, Loki cũng đến dự với tư cách "khách không mời mà đến".
Ngay sau khi Balder chết, cả Trái Đất chìm trong bóng tối và tang tóc. Đó là một ngày đen đủi, bất hạnh. Nỗi sợ con số 13 thể hiện rõ trong thế giới hiện đại ngày nay. Hơn 80% các toà nhà cao tầng không có tầng 13. Nhiều sân bay bỏ qua cổng thứ 13. Bệnh viện, khách sạn thường xuyên không có phòng 13.
Vậy còn ngày thứ 6? Tại sao nó lại đi kèm với con số 13 để tạo ra "cặp đôi hoàn cảnh" về khái niệm may rủi trong quan niệm của nhiều người?
Các nhà nghiên cứu đã tìm hiểu kỹ về Kinh thánh của đạo Thiên chúa và họ phát hiển ra ngày Eva đưa cho Adam ăn trái cấm tại Vườn địa đàng là vào ngày thứ 6, sự việc này đã khiến họ bị trục xuất khỏi đó.
Các tín đồ của đạo Thiên chúa luôn coi thứ 6 ngày 13 là ngày tội lỗi bi kịch; bởi đó là ngày Jesus bị tông đồ thứ 13, Judas phản bội chỉ vì 13 đồng bạc và bản thân Jesus cũng bị đóng đinh lên cây thánh giá đúng vào thứ 6 ngày 13.
Thứ 6 ngày 13 là ngày mang lại nỗi ám ảnh lớn nhất với nhiều người phương Tây. Theo CNBC, Viện Kiểm soát Nỗi sợ và Căng thẳng Mỹ ước tính, quốc gia này thiệt hại khoảng 700 đến 800 triệu USD trong mỗi ngày 13 nếu nó rơi vào thứ 6 bởi mọi người lo sợ nên họ không mua sắm, du lịch và hoạt động kinh doanh trong ngày "đen đủi" này.
2. Những sự cố đen đủi lớn xảy ra vào thứ 6 ngày 13
Sự trùng hợp của nhiều sự cố xảy ra vào thứ 6 ngày 13 càng khiến nhiều người lo sợ ngày này. Đáng nói, nhiều vụ tai nạn lớn xảy ra vào ngày này càng khiến nhiều người phương Tây tin vào điềm rủi của thứ 6 ngày 13.
Đắm tàu Costa Concordia, di tản hơn 4.000 người
Một trong các tai nạn để lại hậu quả lớn là vụ đắm tàu Costa Concordia xảy ra vào tháng 1/2012 tại Ý. Con tàu bị mắc cạn, lật và chìm một phần ngoài khơi Tuscany, Ý, khiến hơn 4.000 người trên boong phải di tản và 32 người thiệt mạng, theo trang Britannica.
Thuyền trưởng Francesco Schettino bị buộc tội với nhiều tội danh khác nhau.
Đáng nói, vụ đắm tàu xảy ra liên quan đến một chuỗi sự kiện được cho là báo hiệu điềm gở. Theo Sydney Morning Herald, tại lễ hạ thủy của Costa Concordia ngày 7/7/2006 ở cảng Civitavecchia, chai rượu sâm panh được đùng để đập vào vỏ tàu không bị vỡ.
Theo quan niệm của nghề đi biển, mỗi con tàu mới đóng khi hạ thủy được chúc phúc bằng cách ném một chai sâm panh vào vỏ tàu. Nếu chai rượu vỡ, vận may sẽ đến và ngược lại.
Và điềm gở thứ 2 chính là thời điểm mà tàu Costa Concordia gặp nạn, thứ 6 ngày 13/1/2012.
Máy bay chở đội bóng bầu dục Uruguay đâm vào dãy Andes và câu chuyện sinh tồn ghê rợn
Những người còn sống sót trong tai nạn hàng không trên dãy Andes
vào thứ 6, ngày 13/10/1972, chiếc máy bay chở câu lạc bộ bóng bầu dục Old Christians của Uruguay di chuyển tới Chile để tham gia một trận đấu đã gặp nạn.
Do lỗi điều hướng, chiếc máy bay chở 45 người đâm vào dãy Andes. Máy bay gãy cánh và rơi xuống đỉnh núi đầy tuyết.
Nhưng mọi chuyện vẫn chưa chấm dứt với 27 người sống sót. Không có thiết bị bảo hộ trong thời tiết giá lạnh, thực phẩm và nước uống, những người sống sót buộc phải ăn thịt những người chết để tồn tại. Một vụ tuyết lở hồi cuối tháng 10 khiến 8 người thiệt mạng và bệnh tật cũng cướp sinh mạng của 3 người khác.
Mãi tới cuối tháng 12, đoàn cứu hộ mới tiếp cận được khu vực máy bay rơi sau khi 2 người sống sót liều mạng vượt qua địa hình hiểm trở để cầu cứu. Sau 72 ngày trong vùng đất hoang vu lạnh lẽo, 16 người sống sót được giải cứu ngày 23/12/1972.
Bão Bhola tấn công Bangladesh, ít nhất 300.000 người thiệt mạng
Thiệt hại sau cơn bão nhiệt đới Bhola đổ bộ vào Bangladesh năm 1970
Cơn bão nhiệt đới chết chóc nhất trong lịch sử thế giới xảy ra vào tháng 11/1970 tại Bangladesh khiến ít nhất 300.000 người thiệt mạng, theo thống kê của Đại học Nghiên cứu Khí quyển.
Cơn bão Bhola với sức gió lên tới 185 km/h, tương đương với cấp độ 3 theo thang đo bão Saffir-Simpson (Mỹ). Nguy hiểm hơn khi vùng vịnh Bengal là vùng khá nông. Do ảnh hưởng của bão, nước dâng cao khiến nhiều người không có chỗ trú ẩn.
Theo một bản báo cáo năm 1970 của Cơ quan khí quyển và đại dương quốc gia Mỹ, nước ngập cao tới 5 mét khiến nhiều người phải trèo lên các cây cổ thụ mới thoát chết. Không ít người bị nước cuốn trôi.
"Tỷ lệ sống sót cao nhất được tìm thấy ở nam giới tuổi từ 15 đến 49. Những người chết hầu hết là người già, phụ nữ, trẻ em, người ốm yếu vì họ không đủ sức bám trụ trên cây", các nhà nghiên cứu thông báo trong một bài viết trên tạp chí The Lancet 2 năm sau khi cơn bão quét qua.
Về sau, nhiều người nhận ra một sự trùng hợp đáng sợ. Bão Bhola xảy ra đúng vào thứ 6 ngày 13.
Điện Buckingham, Anh bị dội bom
Trong suốt Thế chiến II, phát xít Đức bắt đầu chiến dịch ném bom nhằm vào thủ đô London của Anh. Theo Trung tâm lưu trữ thành phố Westminster, điện Buckingham bị dội bom 16 lần.
Một trong những lần chịu thiệt hại nặng nề nhất xảy ra vào thứ 6 ngày 13/9/1940 khi nữ hoàng Elizabeth và vua George VI đang dùng trà.
Theo Archives, 5 quả bom dội trúng cung điện, một trong số này phá hủy phần nội thất của nhà cầu nguyện hoàng gia. Ba người bị thương, một người tử vong.
Sau đó, nhiều đợt ném bom khác của quân Đức vẫn diễn ra nhưng cung điện chỉ bị thiệt hại nhẹ.
Máy bay Nga chở 174 người gặp nạn, không một ai sống sót
Theo phân tích thống kê bởi Mạng lưới An toàn Hàng không (ASN), những hành khách mê tín không cần phải lo lắng về việc bay vào thứ 6 ngày 13 khi kết quả phân tích cho thấy tỷ lệ các vụ tai nạn hàng không nghiêm trọng vào thứ 6 ngày 13 thấp hơn mức trung bình của các ngày khác.
Tuy nhiên, một sự cố hàng không thảm khốc từng xảy ra vào "ngày đen đủi" này. Ngày 13/10/1972 (thứ 6), cùng thời điểm với vụ tai nạn máy bay chở đội bóng bầu dục Uruguay đâm vào dãy Andes, chiếc máy bay chở 164 hành khách và 10 thành viên phi hành đoàn bị rơi gần sân bay Sheremetyevo ở thủ đô Moscow, Nga, theo ASN.
Chiếc máy bay di chuyển từ thủ đô Paris, Pháp tới Moscow, Nga. Khi nó tiếp cận sân bay, sự cố xảy ra khiến nó lao xuống đất với vận tốc 620 km/h. Không một ai sống sót sau cú va chạm kinh hoàng.
Theo ASN, nguyên nhân khiến máy bay Nga gặp nạn vẫn chưa thể xác định. Nhiều giả thuyết được đưa ra, trong đó có cả lỗi động cơ và phi công mất kiểm soát bị máy bay bị sét đánh.
3. Quan điểm của các nhà chuyên môn nhìn nhận về thứ 6 ngày 13
Trên thế giới có rất nhiều nhà khoa học hữu thần và những nhà nghiên cứu tâm linh đã luôn có những nỗ lực chúng minh con số 13 và ngày thứ 6 chỉ là những phạm trù bình thường nhưng nhiều thứ khác.
Vào những năm 1880, một nhóm bao gồm những người có tiếng nói của cộng đồng cư dân thành phố New York đã thành lập một câu lạc bộ có tên là Câu lạc bộ 13, với Đại úy William Fowler - cựu chiến binh thời Nội chiến Hoa Kỳ - làm chủ tọa.
Bản thân Fowler cũng là một người có cuộc đời gắn liền với nhiều số 13 như ông tham gia 13 trận đánh lớn hay ông giải ngũ vào ngày 13/8/1863, mặc dù vậy Fowler tin rằng con số này không liên quan gì đến vận mệnh của mỗi người.
Các nhà số học cho rằng số 13 bị coi là đen đủi vì đứng trước nó là một con số may mắn.
Thomas Fernsler, một nhà khoa học tại Trung tâm Tài nguyên Giáo dục Khoa học và Toán học, thuộc đại học Delaware (Mỹ), cho biết con số 13 phải chịu định kiến xui rủi vì đứng trước nó là một con số may mắn, theo National Geographic.
Fernsler giải thích rằng nhiều người coi 12 là một con số hoàn chỉnh. Một năm có 12 tháng, 12 cung hoàng đạo, 12 vị thần trên đỉnh Olympus, 12 chiến công của Hercules... Vì vậy, số 13 xuất hiện là phá vỡ sự hoàn chỉnh đó.
Nhưng theo trang Alphr, không phải ở đâu cũng quan niệm số 13 là kém may mắn. Theo đạo Hindu, các tín đồ tôn thờ chúa Shiva và Parvati vào ngày Trayodashi, ngày thứ 13 trong tháng Hindu.
Trong đạo Phật, có 13 vị Phật trong trường phái Shingon. Cuốn Đại Giải phóng Tây Tạng còn đề cập đến 13 dấu hiệu may mắn. Tại Ý và Trung Quốc, người ta sợ số 17 và 4 hơn số 13.
Một điều thú vị khi nhắc đến thứ 6 ngày 13 đó là số vụ tai nạn giao thông, hỏa hoạn và trộm cắp trong ngày này ít hơn so với các thứ 6 khác, theo một nghiên cứu tiến hành bởi Trung tâm Thống kê Bảo hiểm Hà Lan năm 2008. Lý do là bởi nhiều người lo sợ nên ít đi ra ngoài trong ngày này.
Thậm chí, một nhóm người đã thành lập câu lạc bộ 13 để xóa tan những điều mê tín xoay quanh con số này cũng như một số quan niệm khác, Independent đưa tin.
Cuộc gặp gỡ đầu tiên của câu lạc bộ 13 là vào ngày 13/9/1881. Sau đó, các thành viên trong nhóm quyết định gặp mặt vào mỗi ngày 13 hàng tháng, 13 người ngồi chung một bàn, đập vỡ gương, đi dưới thang... Nhưng không có điều gì xui xẻo xảy ra với họ. Sau nhiều năm, câu lạc bộ thu hút tới 400 thành viên.