Khi bị chó cắn cần làm ngay điều này

GD&TĐ - Theo các chuyên gia, khi bị chó cắn nếu lúng túng trong cách ứng phó, sơ cứu ban đầu có thể dẫn đến những hậu quả đáng tiếc. Để tránh những nguy hại, mọi người cần biết những điều dưới đây.

Khi bị chó cắn cần làm ngay điều này
 Hình ảnh cháu Đ bị chó tấn công vùng mặt. Ảnh: T.L

Hình ảnh cháu Đ bị chó tấn công vùng mặt.

Sơ cứu ngay vết cắn với nước sạch

Mới đây, bé B.M.Đ sinh tháng 8/2016 ở Ba Vì (Hà Nội) bị chó nhà nuôi cắn làm vùng mặt bị biến dạng, đứt tuyến lệ, tuyến nước bọt. Sau khi được sơ cứu tại gia đình, bé được bố mẹ chuyển lên BV Nhi Trung ương vào 21h cùng ngày. Ngay sau khi nhập viện, bé đã được làm các xét nghiệm để phẫu thuật sớm, được các bác sĩ tạo hình lại vùng mặt, mắt, mũi, khoang miệng, đặt ống dẫn lưu, khâu phục hồi ống stenon (ống tuyến nước bọt) cho bé.

Theo người nhà bệnh nhân, trước đó khoảng 6h tối 16/5, khi đang chơi với chú chó nhà nuôi thì cháu bất ngờ bị chó tấn công. Con chó cắn bé đã được tiêm phòng vaccine đầy đủ. Tuy nhiên sau khi cắn bé, con chó đã chết nên bé đã được tiêm vaccine phòng bệnh dại.

Thực tế đã có nhiều trường hợp trẻ bị chó nuôi trong nhà cắn gây vết thương nặng vùng đầu mặt cổ, nhiều trường hợp rất nghiêm trọng. Nguyên nhân là do trẻ nhỏ thích chơi đùa với chó nhưng chưa ý thức được sự nguy hiểm và chưa đủ sức để tự bảo vệ khi bị chó tấn công. Đáng nói là phần lớn mọi người đều lúng túng trong việc ứng phó, sơ cứu nên mới dẫn đến những hậu quả đáng tiếc. Có những trường hợp bị chó cắn nhưng chủ quan hoặc giấu giếm người thân, nhất là trẻ nhỏ nên cuối cùng đã tử vong khi phát bệnh dại.

Như trường hợp bé L.V.X (11 tuổi) ở Thanh Hóa trước đó bị chó cắn vào tay, không đi tiêm phòng mà chỉ sử dụng thuốc lá sơ cứu. Bé bị chó cắn hôm 25/1, đến đầu tháng 3 bắt đầu xuất hiện các triệu chứng như đau đầu, mệt mỏi, khó thở... gia đình mới đưa vào viện cấp cứu. Khi nhập viện, bé đau đầu dữ dội, khó thở, sốt cao, kích thích la hét, tăng tiết đờm dãi... được bác sĩ chẩn đoán mắc bệnh dại do chó cắn. Bé tử vong sau đó vì chữa quá muộn.

BS Nguyễn Trung Cấp (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương) cho rằng, người bị động vật như chó, mèo tấn công bên cạnh tổn thương ngoài da còn phải đối mặt với nguy cơ mắc bệnh dại. Đây là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus dại gây ra, thường tác động lên hệ thần kinh, có tỷ lệ tử vong gần 100%. Khi bị chó cắn, việc tiêm phòng là cách tốt nhất để bảo vệ tính mạng.

Hiện nay có tình trạng nhiều người dân chủ quan sau khi bị chó cắn không chịu đi tiêm phòng vì nghĩ “chó nhà nuôi cắn không sao” hoặc tìm đến các thầy lang điều trị. Đây là điều sai lầm bởi mắt thường chúng ta không thể phân biệt được con chó cắn người có mang virus dại hay không. Và việc điều trị bằng thuốc Nam đến nay chưa có biện pháp nào khẳng định được hiệu quả trong phòng, chữa bệnh dại.

Theo BS Cấp, không phải tất cả trường hợp chó cắn người đều là động vật đang mang bệnh nhưng mọi người cần theo dõi chặt chẽ con chó. Sau khoảng 10 ngày nếu con chó đó ốm rồi chết, bị giết hoặc chạy mất, người bị cắn cần ngay lập tức đi tiêm phòng. Trường hợp “thủ phạm” vẫn sống khỏe mạnh thì người bị cắn không bị mắc bệnh.

Ngoài ra, mọi người cũng cần tiêm phòng ngay trong trường hợp bị chó tấn công vào vùng nhiều dây thần kinh như đầu mặt cổ vì ở những vị trí này, virus dại phát tán rất nhanh. Hoặc bị tấn công ở bộ phận sinh dục, lòng bàn tay hay mức độ tổn thương nhiều, dập nát. Ngay cả những trường hợp bị chó con cắn cũng nên lưu ý tiêm phòng ngay vì chó con ít khi chủ động tấn công người và chó con cũng khó theo dõi.

Trường hợp chẳng may bị chó cắn, mọi người cần phải biết cách xử lý. Lúng túng trong cách sơ cứu ban đầu có thể gây nguy hiểm cho nạn nhân. Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo, nếu chẳng may bị vật nuôi (chó, mèo) cắn, kể cả con vật đã được tiêm phòng dại, cần xử lý ngay vết cắn bằng xà phòng hoặc với nước sạch trong vòng 15 phút nhằm giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh dại. Sau đó cần rửa sạch vết thương với cồn 70%, cồn iôt hoặc povidone - iodine nếu có. Khi rửa lưu ý nhẹ nhàng, tránh làm lở loét vết thương. Nếu rửa vết thương sâu, lớn, chảy máu cần rửa nhanh, tránh tình trạng mất máu quá nhiều. Dùng miếng vải sạch phủ lên vết thương và băng hờ lại. Ngay sau đó đưa nạn nhân đến cơ sở y tế để được các bác sĩ xem xét và có chỉ định thích hợp.

Cách thoát hiểm khi chó tấn công

Theo lời khuyên của chuyên gia huấn luyện chó nghiệp vụ, nếu thấy con chó chuẩn bị tấn công cần biết:

- Tránh nhìn thẳng vào mắt hoặc quay lưng lại trước mặt chúng.

- Không được bỏ chạy vì bản năng của chó là săn mồi nên sẽ đuổi theo và cắn bạn. Đứng im, hai tay buông thõng như một cái cây khi bị chó tấn công. Đánh lạc hướng con chó bằng các vật dụng mang theo để chúng nhai như chai nước, đồ chơi, khăn, áo…

- Không vung tay hoặc đá chân để xua đuổi chó vì chó thường phản ứng nhanh với các chuyển động. Người bị chó tấn công, có thể chống trả bằng cách đá vào các điểm yếu của chó như cổ họng, mũi hoặc gáy. Ngoài ra, có thể sử dụng loại hóa chất dạng xịt như nước hoa, gôm xịt tóc... có trong tay.

- Trường hợp bị chó tấn công cần bảo vệ các bộ phận quan trọng của cơ thể như mặt, ngực và cổ họng của mình. Vì đây là những nơi các loài chó dữ sẽ nhắm đến theo bản năng của chúng. Ngoài ra, cần nắm chặt tay nếu không muốn ngón tay của mình bị cắn nát.

Các chuyên gia khuyến cáo, tuy chó, mèo là vật nuôi khá quen thuộc và gần gũi trong mỗi gia đình nhưng nguy cơ bị cắn hoàn toàn có thể xảy ra đối với cả người lớn và trẻ nhỏ trong khi tiếp xúc hoặc đùa giỡn với chúng. Để đề phòng trường hợp bị chó cắn, cha mẹ cần để mắt trông chừng trẻ, nhất là những bé ở độ tuổi chập chững biết đi. Với trẻ lớn hơn có thể giáo dục trẻ biết cách tự bảo vệ bản thân, tránh xa những con chó dữ, chó đẻ, không chọc phá súc vật nhất là khi chúng đang ăn hoặc đang ngủ… Ngoài ra, các gia đình có nuôi vật nuôi như chó mèo, cần tiêm phòng bệnh dại cho chúng.

Theo Giadinh.net.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cây guitar bí ẩn.

Những cây đàn huyền bí

GD&TĐ - Trong một số trường hợp, nhạc cụ còn được cho là sở hữu sức mạnh huyền bí, mắc lời nguyền.