Obama quyết không để Putin được yên ổn để khai thác chiến quả Crimea - Ảnh : Russia Insider
Bộ Tài chính Mỹ cho biết đã đưa các Nghị sĩ Dmitry Belik, Andrey Kozenko, Konstantin Bakharev, Svetlana Savchenko, Ruslan Balbek và Pavel Shperov vào danh sách trừng phạt. Theo đó, những nghị sĩ này bị phong tỏa tài sản cũng như cấm ra vào lãnh thổ Mỹ vì vai trò của họ trong cuộc xung đột tại miền Đông Ukraine, cũng như việc Crimea sáp nhập vào LB Nga.
Trước quyết định của OFAC, Chủ tịch Ủy ban đối ngoại của Hạ viện Nga Leonid Slutsky cho rằng đó là bước đi không mang tính xây dựng. Sau khi sáp nhập vào Nga, Crimea là đối tượng bị EU áp đặt cấm vận kinh tế, trong đó có việc cấm các nước EU nhập khẩu hàng hóa được sản xuất tại Crimea, cấm các doanh nghiệp EU đầu tư kinh doanh hoặc cung cấp dịch vụ du lịch tại đây.
Trước việc gia tăng cấm vận đối với Nga trong bối cảnh chỉ còn hơn 60 ngày nữa là rời nhiệm sở, dư luận đặt câu hỏi không biết Tổng thống Obama và các cộng sự mong muốn điều gì sau hành động này? Trong khi đó Quốc hội Mỹ cũng đã khuyến cáo chính quyền Obama không nên đưa ra các quyết định mới trong thời gian chờ chuyển giao quyền lực.
Ngăn chặn chính quyền Trump ngả nhanh về Nga, làm thiệt hại cho nước Mỹ
Có nhiều người đặt câu hỏi: liệu có cần thiết không việc tăng cường cấm vận Nga khi thời gian nắm giữ quyền lực của Tổng thống Obama đang đếm ngược? Bởi lẽ, khi chính quyền mới của Tổng thống Donald Trump được xem là “thân Nga” có thể nhanh chóng dỡ bỏ cấm vận, thì việc trừng phạt Nga buổi hoàng hôn nhiệm kỳ sẽ có hại cho Mỹ hơn là cho Nga.
Tuy nhiên, vấn đề không hẳn như vậy. Việc Mỹ áp lệnh cấm vận đối với bất cứ quốc gia, tổ chức hay thực thể chính trị, thực thể kinh tế nào đều có một hiệu ứng chung là khi áp đặt lệnh trừng phạt thường khó hơn khi dỡ bỏ. Điều đó một phần do những cơ sở phát sinh để áp lệnh trừng phạt dễ nhận diện và cũng từ đó mà các thủ tục pháp lý được thực hiện nhanh chóng.
Mặt khác, trừng phạt là ý chí của nhà nước Mỹ đối với sự đe dọa từ kẻ thù hay sự nguy hại từ các đối thủ, đối tác nên chỉ cần phía Mỹ chứng minh được lợi ích Mỹ, sức mạnh Mỹ, giá trị Mỹ bị tổn hại từ đối phương là có thể áp lệnh trừng phạt. Nghĩa là sự việc chỉ diễn ra một chiều và đối tác không có quyền chứng minh để bác bỏ hay gạt bỏ.
Ngược lại, khi dỡ bỏ trừng phạt thì lại không đơn giản như thế. Việc dỡ bỏ trừng phạt phải được dựa trên cơ sở từ cả hai phía, Mỹ và đối phương. Thứ nhất, chính quyền Mỹ muốn dỡ bỏ trừng phạt thì phải chứng minh được biện pháp trừng phạt không còn giá trị vì đối tượng đã thay đổi phù hợp với việc điều chỉnh bởi lệnh trừng phạt của Mỹ.
Thứ hai, đối phương phải chứng minh được sự phi lý, vô lý của lệnh trừng phạt mà Mỹ áp đặt với họ hoặc phải chứng minh được họ đã thay đổi theo sự hiệu chỉnh bởi lệnh trừng phạt của Mỹ. Trình tự các bước cũng như thủ tục pháp lý rất phức tạp và cũng vì đó mà thời gian sẽ kéo dài. Thường thì đối phương phải chịu thiệt rất nhiều để trừng phạt được dỡ bỏ.
Người viết cho rằng đây mới là mục đích mà chính quyền Tổng thống Obama tăng cường cấm vận Nga ở buổi hoàng hôn nhiệm kỳ của mình. Dựa trên quan điểm cũng như hành động của Tổng thống Obama trong quá trình tranh cử và sau khi cuộc bầu cử Tổng thổng Mỹ năm 2016 có kết quả, có thể thấy Obama rất lo ngại Trump sẽ nhanh chóng kết nối với Putin.
Obama quyết ngăn cản cặp đôi Trump – Putin nâng quan hệ Nga – Mỹ thân thiện vượt thời gian, gây nguy hại cho nước Mỹ - Ảnh : Huff Post
Điều đó sẽ thúc đẩy Washington sớm dỡ bỏ cấm vận với Moscow, trong khi nước Mỹ thời hậu Obama có quá nhiều vấn đề cần giải quyết mà việc dỡ bỏ cấm vận Nga có thể gây nguy hại cho Mỹ. Tân Tổng thống Trump không phải là một chính trị gia chuyên nghiệp nên có thể đơn giản hóa vấn đề trong nhận thức và vội vã trong hành động, do vậy cần có thêm rào cản để làm giảm nhịp độ thay đổi trong quan hệ Nga – Mỹ, giúp Trump có đủ thời gian cho việc đổi thay.
Ngăn chặn Putin đưa vấn đề Ukraine thành ván cờ tàn với Mỹ và phương Tây
Có thể thấy rằng khi đứng về phía Kiev thời hậu Viktor Yanukovych cũng như trong cuộc xung đột tại miền Đông Ukraine, Washington và đồng minh hướng tới khai thác địa chiến lược của Ukraine - mà quan trọng nhất là khu vực Biển Đen và bán đảo Crimea - trong cuộc đối trọng với Moscow, khi Putin đang cố làm hồi sinh sức mạnh Nga.
Tuy nhiên, Putin đã nhanh chóng sáp nhập Crimea vào Liên bang Nga, điều đó khiến cho Mỹ và phương Tây đều bị việt vị. Washington và đồng minh đã ngay lập tức áp lệnh cấm vận kinh tế nước Nga, trừng phạt Moscow. Có thể nhận diện việc không giữ được Crimea là một thất bại lớn của Washington và đồng minh trong ván cờ Ukraine và sau quyết định của Putin về chủ quyền của bán đảo chiến lược này thì Ukraine chỉ còn là ván cờ tàn với Mỹ và phương Tây.
Gần đây, Moscow còn cho tăng cường quân sự tại bán đảo Crimea, đưa nó trở lại tầm quan trọng như trong thời Chiến tranh Lạnh Xô – Mỹ, điều đó chẳng khác nào xát muối vào nỗi đau của Mỹ và phương Tây. Tuy nhiên nỗi đau càng bị khoét sâu thì Putin càng đối diện với nguy cơ bị đối thủ siết chặt thêm vòng kim cô cấm vận.
Động thái mới nhất của Bộ Tài chính Mỹ cấm vận thêm các nghị sĩ Duma Quốc gia Nga là một trong những hành động của Washington quyết không để cho Putin được yên ổn khai thác “chiến quả” Crimea, mà buộc Moscow phải trả giá lâu hơn, nhiều hơn vì quyết định sáp nhập Crimea vào Liên bang Nga.
Có thể thấy rằng, dù đã ở những ngày cuối của nhiệm kỳ, song Tổng thống Mỹ Barack Obama vẫn không hề tỏ ra dễ chịu hơn với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Cho dù chậm chân hơn so với Putin trong nước cờ Crimea, song Obama quyết hạ tới mức thức thấp nhất giá trị của “nước cờ cao nhưng không hay” này của Putin.
Tổng thống Obama cũng muốn chứng tỏ rằng Trump thắng cử chỉ là một thất bại của ứng cử viên Hillary Clinton và phe Dân chủ, trong đó có ông; rằng nước Mỹ hậu bầu cử dù có chia rẽ, thậm chí hỗn loạn thì đối thủ cũng không thể hy vọng có thể “đục nước béo cò”. Chiến thắng của Trump và nước Mỹ hỗn loạn là của riêng nước Mỹ, còn với đối phương thì vẫn phải đối mặt với những hậu quả nặng nề nếu họ gây thiệt hại cho nước Mỹ hay thách thức sức mạnh Mỹ.