Lớn lên trong một xã hội gia trưởng, con gái ở Trung Quốc trong nhiều năm đã không được coi trọng bằng con trai. Khi trở thành vợ, mẹ và con dâu, họ gánh vác phần lớn nhiệm vụ gia đình đồng thời cố gắng duy trì công việc của mình.
4 thập kỷ trước, các cặp vợ chồng Trung Quốc đã cố gắng hết sức để chống lại chính sách một con. Một số người phải trả những khoản tiền phạt khổng lồ, mất việc làm và bỏ quê hương để sinh thêm con, đặc biệt là con trai.
Nhưng hiện tại, tỉ lệ sinh của Trung Quốc đang rơi vào vùng nguy hiểm với tổng tỉ suất sinh (TFR) là 1,5, mặc dù chính phủ Trung Quốc đã bỏ các hạn chế nghiêm ngặt về việc sinh con từ vài năm trước. Trung Quốc, với dân số đông nhất thế giới, đã rơi vào tình trạng già hóa dân số và xu hướng này khó có thể đảo ngược.
Nhiều nhà nhân khẩu học đã đưa ra các đề xuất để giải quyết vấn đề già hóa dân số và mức sinh thấp ở Trung Quốc như giảm chi phí nuôi dạy con cái, kiểm soát giá nhà đất tăng cao, khuyến khích phụ nữ sinh con, kêu gọi phụ nữ cân bằng tốt hơn giữa gia đình và sự nghiệp. '
Tuy nhiên, những giải pháp tưởng như có lợi cho phụ nữ thực ra lại đẩy phụ nữ vào chân tường vì chúng càng tước đi cơ hội bình đẳng của họ trong xã hội. Tâm lý không muốn sinh con của phụ nữ cũng khó có thể thay đổi.
Gốc rễ của vấn đề
Một người mẹ cùng con gái đi dạo tại trung tâm mua sắm ở Thượng Hải, Trung Quốc. (Ảnh: Aly Song/Reuters). |
Tại sao phụ nữ Trung Quốc không muốn sinh con? Mặc dù có một số phân tích vĩ mô về kinh tế, chính sách và văn hóa nhưng hầu hết các học giả đã bỏ qua nguyên nhân gốc rễ của tỉ lệ sinh thấp ở Trung Quốc - sự phụ thuộc của phụ nữ.
Hầu hết phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ hiện nay đều đã trải qua chính sách một con. Cả họ và cha mẹ họ đã bị thuyết phục để tin rằng “thà chỉ có một con”. Con gái luôn là lựa chọn thứ hai. Phụ nữ thành thị tương đối may mắn vì cha mẹ của họ không phải trải qua sàng lọc giới tính và phá thai vì những hạn chế của chính phủ. Còn những người phụ nữ nông thôn, nguy cơ bị bỏ rơi ngay sau khi sinh là rất cao.
Phụ nữ thành thị có thể thoát khỏi cuộc khủng hoảng sinh tồn khi sinh ra, nhưng họ không bao giờ thoát khỏi đặc quyền của nam giới trong một xã hội trọng nam khinh nữ. Cho dù bạn có xuất sắc đến đâu, những người xung quanh bạn vẫn nói lảm nhảm rằng một người phụ nữ thành đạt phải có một người chồng tốt, hoặc ít nhất là phải có một người chồng. '
Dường như phụ nữ sinh ra là để tìm một người đàn ông và dựa dẫm vào anh ta. Thuật ngữ “phụ nữ ế chồng” được đặt ra để cảnh báo những phụ nữ kén chọn, không chịu kết hôn sớm.
“Phụ nữ độc thân vô trách nhiệm” dường như là những người bị đổ lỗi cho tỉ lệ sinh thấp của đất nước. "Bạn đang hủy hoại tương lai của cả quốc gia", đó là cách họ bị miệt thị.
Có nên đổ lỗi cho phụ nữ?
Hai người phụ nữ đẩy xe nôi dọc theo một con phố kinh doanh ở Bắc Kinh, Trung Quốc. (Ảnh: Wang Zhao/AFP). |
Những lo lắng về cơ thể và tuổi tác đã thúc đẩy một số phụ nữ kết hôn và sinh con càng sớm càng tốt, với cái giá phải trả là mất việc làm. Nhưng vẫn còn quá sớm để họ có cảm giác thảnh thơi. Vì hiện tại, họ cần sinh hai hoặc ba đứa con (một trong số chúng phải là con trai), họ làm việc nhà đồng thời tiếp tục công việc xã hội.
Một số phụ nữ đã ly hôn cho rằng mình may mắn ngay cả khi bị đuổi khỏi gia đình chồng mà không có lấy một xu. Những người kém may mắn hơn có thể đã phải trải qua bạo lực gia đình. Vì vậy, đối với phụ nữ, độc thân trở thành giải pháp tốt nhất cho tất cả các vấn đề kể trên.
Bình đẳng là phương thuốc duy nhất cho tỉ lệ sinh thấp. Mặc dù đúng là có nhiều đàn ông cảm thấy áp lực và không muốn có con, nhưng chúng ta nên nhìn nhận rằng phụ nữ cùng tầng lớp chịu nhiều thiệt thòi hơn.
Một khi phụ nữ nhận ra họ bị phân biệt đối xử, đổ lỗi hoặc đối xử bất công trong xã hội được gọi là hiện đại này, họ sẽ không còn là người vợ tốt và người mẹ yêu thương nữa. Một khi đã biết sự gia trưởng còn tồn tại, chắc chắn phụ nữ sẽ chọn cách tự bảo toàn trước.
Nếu phụ nữ nắm giữ một nửa trách nhiệm kinh tế gia đình, thì bước tiếp theo là kêu gọi đàn ông trở về nhà, chia sẻ việc nhà và làm việc chăm chỉ hơn để cân bằng giữa sự nghiệp và tổ ấm. Và sau đó đất nước cung cấp nhiều phúc lợi hơn.
Giới chuyên gia tại Trung Quốc cho rằng, xã hội nên tôn trọng quyền tự do sinh sản của phụ nữ, đánh giá cao sự tận tâm sinh con của họ và giúp đỡ khi họ bị mắc kẹt trong sự phân biệt đối xử về giới.
Nếu mức sinh thấp là vấn đề xã hội thì việc sinh con không phải là nhiệm vụ chỉ một mình phụ nữ phải gánh vác. Phụ nữ đóng vai trò quan trọng trong vấn đề sinh sản và nhu cầu của họ rất quan trọng. Chúng không chỉ là những con số hoặc chỉ số trong biểu đồ điều tra dân số. Nếu các nhà hoạch định chính sách có thể ghi nhớ nguyên tắc vàng này, thì mọi vấn đề sẽ được giải quyết.