Vì sao phải chuyển đổi?

GD&TĐ - Hiện nay, việc đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe do Bộ GTVT đảm trách.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Nhưng theo dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ thì việc này sẽ chuyển sang cho Bộ Công an thực hiện. Quy định này, dù mới là dự thảo nhưng đã có nhiều ý kiến trái chiều.

Bộ Công an lý giải rằng, để bảo đảm trật tự an toàn giao thông thì phải quản lý được hành vi chấp hành pháp luật của người lái xe một cách xuyên suốt và nhất quán, từ khâu đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép và sau khi được cấp giấy phép lái xe.

Hơn nữa, mục tiêu lớn nhất của Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ là bảo vệ quyền con người, phòng ngừa, hạn chế tai nạn giao thông nên người tham gia giao thông phải có đủ kiến thức, kỹ năng điều khiển và ý thức chấp hành pháp luật là chính sách trọng tâm được điều chỉnh trong luật...

Đại diện Cục Cảnh sát giao thông nhấn mạnh thêm, trước đây ngành Công an từng phụ trách và hiện nay vẫn đang tổ chức sát hạch giấy phép lái xe cho lực lượng công an nhân dân nên đã có kinh nghiệm.

Cơ sở vật chất là các sân sát hạch của trường công an, của Cục Cảnh sát giao thông sẽ được tận dụng; sát hạch viên sẽ là cán bộ công an. Hiện ngành đã triển khai lực lượng tới bốn cấp, do vậy về cơ bản không làm tăng biên chế, chỉ cần bồi dưỡng, tập huấn...

Với lý lẽ như trên thì hiển nhiên việc chuyển đổi cơ quan đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe là cần thiết. Vậy nhưng, cũng theo nhận định của Bộ Công an thì từ năm 2001 đến nay, công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe đã được quy định trong Luật Giao thông đường bộ và được thực hiện ổn định, được xã hội hóa mạnh mẽ.

Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh hoạt động này được ban hành đầy đủ, đồng bộ; chương trình đào tạo, quy trình sát hạch được xây dựng trên cơ sở phù hợp với kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, quy tắc giao thông, yêu cầu về điều kiện của phương tiện tham gia giao thông, hoạt động vận tải đường bộ và các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia...

Câu hỏi cần được trả lời thấu đáo là vì sao phải chuyển đổi? Và nếu chuyển đổi thì việc này có được thực hiện tốt hơn không? Các vấn đề về nhân sự, cơ sở vật chất sẽ được giải quyết như thế nào...?

Cũng bởi phải trả lời những câu hỏi trên mà Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng phải đánh giá tác động thật kỹ. Tại sao trước năm 1995, Bộ Công an, ngành Công an làm việc này nhưng từ năm 1995 lại giao cho Bộ GTVT thực hiện?

Trong thời gian qua, công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe đạt được một số kết quả nhưng cũng có nhiều bất cập, hạn chế và tồn tại nhưng có phải vì thực tiễn làm chưa tốt đó để thay đổi một quy định đã có cơ sở lý luận và thực tiễn hay không...?

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng không nhất thiết phải chuyển việc sát hạch, cấp, đổi và thu hồi giấy phép lái xe cho ngành Công an phụ trách vì sẽ thiếu khách quan khi một đơn vị vừa cấp bằng lái, vừa quản lý, giám sát vừa xử phạt, đồng thời gây xáo trộn.

Rõ ràng, việc chuyển hay không cơ quan thực hiện đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cần phải có cơ sở xác đáng, thực tiễn cụ thể hơn.

Như ý kiến của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu là có những việc phải xác định nên để ngành Công an thực hiện như kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm, cấp biển số xe, kiểm soát... vì những việc này đúng chức năng của ngành Công an và công an làm mới tốt. Những việc khác thì trách nhiệm của Bộ GTVT, các bộ, ngành hữu quan, UBND các cấp...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ