Ông Nguyễn Văn Quyền - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ - cho biết: Cơ quan này đã trình Bộ Giao thông Vận tải dự thảo sửa đổi thông tư 46 về đào tạo, cấp giấy phép lái xe. Theo đó, chương trình đào tạo lái xe số tự động sẽ song song với chương trình lái xe số sàn như hiện nay, dự kiến hiệu lực từ tháng 9.
Theo ông Quyền, chương trình học lái xe số tự động giảm 60 tiết so với giáo trình hiện nay. Sau khi đỗ sát hạch, người học được cấp giấy phép lái xe ghi rõ loại số tự động.
Với giáo trình hạng B1 hiện hành, người học được đào tạo kỹ năng lái xe số sàn và có 20 tiết học làm quen xe số tự động, sau đó được cấp bằng lái cả hai loại xe.
"Giấy phép lái xe số tự động giải quyết nhu cầu học của một bộ phận người dân muốn điều khiển xe số tự động, không có giá trị thay thế các loại giấy phép lái xe hiện nay.
Những người muốn được cấp giấy phép lái xe số sàn và số tự động vẫn được đào tạo theo giáo trình hiện tại" - Lãnh đạo Tổng cục Đường bộ nói.
Về chi phí đào tạo, lãnh đạo Tổng cục Đường bộ khẳng định sẽ thấp hơn so với chi phí đào tạo xe số sàn hiện nay. Mức cụ thể phụ thuộc từng đơn vị đào tạo trên cơ sở có sự chấp thuận của sở giao thông các tỉnh, thành.
Chủ trương sửa đổi thông tư 46 theo hướng cấp thêm giấy phép lái xe số tự động được bộ Giao thông nêu ra đầu tháng 5. Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng, việc này sẽ gây khó cho người có bằng lái xe tự động muốn lái xe số sàn. Ngoài ra, cảnh sát giao thông khó kiểm tra hết bằng lái của người điều khiển phương tiện dẫn đến tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.
Từ 20/8, khi công ước Vienna (Công ước quốc tế 1968 về Giao thông đường bộ và Công ước về Biển báo - Tín hiệu đường bộ) có hiệu lực, ngành giao thông sẽ bắt đầu cấp giấy phép lái xe quốc tế ở các địa phương trên toàn quốc. Người có giấy phép lái xe quốc tế sẽ được điều khiển xe tại hơn 73 quốc gia, vùng lãnh thổ. Giấy phép lái xe quốc tế có hình thức dạng quyển giống như hộ chiếu, thể hiện bằng tiếng Anh, Pháp, Nga, Tây Ban Nha và tiếng bản địa, có giá trị sử dụng ở phần lớn là các nước châu Âu và 5 nước khu vực Đông Nam Á (Việt Nam, Myanmar, Philippines, Thái Lan và Indonesia). |