Vì sao ở nhà vẫn bị mắc Covid-19?

GD&TĐ - Không ít người thắc mắc vì sao một thời gian dài ở nhà thực hiện giãn cách mà vẫn bị mắc Covid-19? Theo các chuyên gia y tế, có nhiều nguyên nhân, có thể từ người trung gian, lây khi lấy hàng,...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Virus dễ tồn tại và lây lan rất nhanh trong môi trường kín...

Thông tin trên báo chí, TS-BS Phạm Lê Duy, bác sĩ tại phòng khám dị ứng và miễn dịch lâm sàng, giảng viên bộ môn sinh lý, sinh lý bệnh, miễn dịch của Trường ĐH Y Dược TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện nay đang giãn cách xã hội, mọi người hầu hết đều ở nhà, nhưng thỉnh thoảng vẫn có những cơ hội dễ bị lây nhiễm như khi ra ngoài đi mua thực phẩm, mua thuốc men, khi đi tiêm vắc xin hoặc khi tập trung lấy mẫu.

Và còn có nguy cơ là lây nhiễm từ người chung nhà khi họ trở thành người trung gian mang mầm bệnh từ bên ngoài về, hoặc lây nhiễm từ những vật phẩm được chuyển phát từ nơi khác đến…

Ngoài việc lây lan trực tiếp qua các giọt khí dung lơ lửng trong không khí, vi rút còn có thể hiện diện trên bề mặt vật dụng và bằng cách nào đó có thể tiếp xúc với những vùng niêm mạc như mắt, mũi miệng, thông thường là qua đôi bàn tay của chúng ta.

Nhiều nghiên cứu cho thấy, bầu không khí ở nơi người bị nhiễm vừa đi qua có thể chứa vi rút và có thể lây nhiễm cho người đi vào vùng đó, đặc biệt là trong không gian kín như trong nhà, trong thang máy, trong siêu thị...

Dùng tăm, chìa khóa để bấm thang máy, hạn chế nói chuyện trong thang máy,... Ảnh minh họa.

Dùng tăm, chìa khóa để bấm thang máy, hạn chế nói chuyện trong thang máy,... Ảnh minh họa.

Đối với các khu chung cư, theo PGS, TS Nguyễn Huy Nga - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, cũng như các không gian cộng đồng khác, khả năng lây nhiễm Covid-19 cao nhất là qua tiếp xúc trực tiếp, kế đó là khi ở chung trong cùng không gian kín (chung phòng, chung thang máy - mà người bệnh không đeo khẩu trang, nói, ho), tiếp đó là qua các đồ vật, bề mặt tiếp xúc chung như tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn, phím bấm thang máy)... 

Theo bác sĩ Trần Huỳnh, ở các khu chung cư, thông gió đầy đủ là chìa khóa quan trọng trong phòng ngừa dịch bệnh Covid-19. Ông đưa ra một số Khuyến cáo từ Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa bệnh tật Mỹ về các cách cải thiện thông gió như: 

- Mở thoáng các cửa sổ và cửa hướng ra tự nhiên để lấy không khí sạch.

- Gắn thêm quạt để thổi không khí. Không nên vặn quạt tốc độ cao, không nhắm quạt vào người hay nhà khác mà hướng vào các khoảng mở trong nhà. 

- Chỉnh sửa và thay thế hệ thống máy lạnh để tối ưu hóa luồng gió, tạo ra sự di chuyển không khí liên tục.

- Dùng bộ lọc khí để lọc và tăng chất lượng không khí.

Cũng lý giải về vấn đề nêu trên, thông tin trên báo chí, TS.BS Võ Văn Hải, Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh, cho biết, virus dễ tồn tại và lây lan rất nhanh trong môi trường kín như phòng kín, thang máy hay siêu thị không được thông gió tốt, không được những người chung quanh tuân thủ tốt 5K...

Sau khi nhận một món hàng, bạn nên xịt khuẩn toàn bộ phía ngoài gói hàng rồi mới bóc dỡ sản phẩm ra. Ảnh minh họa.

Sau khi nhận một món hàng, bạn nên xịt khuẩn toàn bộ phía ngoài gói hàng rồi mới bóc dỡ sản phẩm ra. Ảnh minh họa.

Bản thân người dân không thể kiểm soát chắc chắn mình đã tuân thủ tuyệt đối quy tắc 5K

Theo ông Hải phân tích, có nhiều trường hợp F0 là các cụ già ở nhà trong thời gian dài. Họ không ra đường, không tiếp xúc với người lạ tuy nhiên dù ở nhà thực hiện giãn cách nhưng cũng không tránh khỏi được những nguy cơ bị lây nhiễm.

Biến thể Delta là một biển chủng của virus corona, có khả năng lây lan nhanh chóng. Virus có trong mũi, họng của người bệnh. Nó nằm trong dịch tiết mũi, họng, khi F0 hắt hơi, thở… virus sẽ bị phát tán, dính trên tay chân và các bề mặt đồ vật. Tay chúng ta tiếp xúc với các đồ vật đó và đưa lên mặt cũng sẽ là nguy cơ lây nhiễm. 

Bản thân người dân không thể kiểm soát chắc chắn mình đã tuân thủ tuyệt đối quy tắc 5K khi đi làm và khi ra đường trong thời gian dài trước khi quay về nhà hoặc người kế bên không tuân thủ thì người dân vẫn có thể có nguy cơ bị lây nhiễm mà không hay biết.

Một khả năng khác là do người nhà đi ra ngoài và đem virus về nhà. Nhiều trường hợp khi xét nghiệm được xác định là F0 nhưng khi xét nghiệm con cháu mới ra do con cháu trong nhà là nguồn lây.

Đặt trường hợp, người cao tuổi ở nhà nhưng chỉ cần 1 người trong gia đình đi chợ, nhận đồ giao hàng tới,... và đem virus về. Khi người này đã nhiễm Covid-19 nhưng sức đề kháng tốt nên chưa có triệu chứng đem virus về nhà khiến người già bị lây do hệ miễn dịch yếu, có bệnh nền... các triệu chứng dễ xuất hiện trước.

Ngoài ra, khi vào thang máy di chuyển xuống lấy thực phẩm hay đi làm, đây là môi trường kín, nếu trong đó có F0, cũng sẽ có nguy cơ lây nhiễm.

Thực hiện giãn cách nhưng cũng có những lúc người dân phải ra ngoài đi mua lương thực, thực phẩm. Ảnh minh họa.

Thực hiện giãn cách nhưng cũng có những lúc người dân phải ra ngoài đi mua lương thực, thực phẩm. Ảnh minh họa.

Thêm một nguyên nhân khác, tuy không ra ngoài nhưng người dân lấy thực phẩm, mua thực phẩm có nhiễm khuẩn từ nơi khác và mang vào nhà, cũng sẽ có nguy cơ lây nhiễm. Bởi virus có thể nằm trên bề mặt thực phẩm và thời gian nó tồn tại tùy vào từng môi trường khác nhau.

9 biện pháp mới nhất phòng chống dịch Covid-19 người dân cần biết

Bộ Y tế đã đưa ra khuyến cáo mới nhất phòng chống dịch bệnh Covid-19 trong tình hình hình mới và đề nghị người dân thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch bệnh dưới đây:

1. Thường xuyên rửa tay đúng cách bằng xà phòng dưới vòi nước sạch, hoặc bằng dung dịch sát khuẩn có cồn (ít nhất 60% cồn).

2. Đeo khẩu trang nơi công cộng, trên phương tiện giao thông công cộng và đến cơ sở y tế.

3. Tránh đưa tay lên mắt, mũi, miệng. Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi bằng khăn giấy, khăn vải, khuỷu tay áo.

4. Tăng cường vận động, rèn luyện thể lực, dinh dưỡng hợp lý xây dựng lối sống lành mạnh.

5. Vệ sinh thông thoáng nhà cửa, lau rửa các bề mặt hay tiếp xúc.

6. Nếu bạn có dấu hiệu sốt, ho, hắt hơi, và khó thở, hãy tự cách ly tại nhà, đeo khẩu trang và gọi cho cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám và điều trị.

7. Tự cách ly, theo dõi sức khỏe, khai báo y tế đầy đủ nếu trở về từ vùng dịch.

8. Thực hiện khai báo y tế trực tuyến tại https://tokhaiyte.vn hoặc tải ứng dụng NCOVI từ địa chỉ https://ncovi.vn và thường xuyên cập nhật tình trạng sức khoẻ của bản thân.

9. Cài đặt ứng dụng Bluezone để được cảnh báo nguy cơ lây nhiễm Covid-19, giúp bảo vệ bản thân và gia đình: https://www.bluezone.gov.vn/.

Trước diễn biến phức tạp của “làn sóng” Covid-19 lần thứ 4 với đa ổ dịch, đa nguồn lây và đa biến chủng, “5K + vắc xin” kết hợp giải pháp công nghệ chính là thông điệp được Chính phủ đặc biệt nhấn mạnh để đẩy lùi dịch bệnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ