Theo sử liệu ghi chép, năm xưa Khang Hy Đế trao ngai vàng cho Hoàng tứ tử Dận Chân, một phần nguyên nhân rất lớn bắt nguồn từ sự yêu quý dành cho con trai Dận Chân là Hoằng Lịch.
Theo kể lại, khi hai ông cháu lần đầu gặp nhau, Khang Hy đã kinh ngạc đến mức phải đặt chén rượu xuống. Rốt cuộc khuôn mặt gây ấn tượng mạnh như thế nào mới có thể khiến người sớm đã quen với những cảnh tượng long trọng như Khang Hy đế có phản ứng như vậy?
Ái Tân Giác La Hoằng Lịch, Hoàng đế thứ sáu trong lịch sử nhà Thanh, niên hiệu "Càn Long", sinh ra tại Ung Thân vương phủ ở Bắc Kinh. Là một vị quân chủ, từ nhỏ ông đã luyện võ, đọc đủ thứ thi thư.
Ông là vị Hoàng đế có tuổi thọ cao nhất trong lịch sử Trung Quốc. Trong thời gian ông trị vì, kinh tế xã hội phát triển cũng đạt đến một đỉnh cao, sử sách gọi thời kỳ này là "Khang Càn thịnh thế". Bản thân ông cũng được đánh giá là Hoàng đế có vận số tốt nhất, suôn sẻ nhất trong lịch sử.
Ung Chính nhờ con mà có được ngôi báu dễ dàng hơn?
Vào những năm Khang Hy cuối cùng, cuộc chiến giành ngai vàng diễn ra vô cùng khốc liệt, hơn nữa Khang Hy còn có nhiều con trai, trong khi ngai vàng chỉ có thể có một người thừa kế.
Bởi vậy, thời điểm đó đã xảy ra sự kiện "Cửu tử đoạt đích" nổi tiếng trong lịch sử. Năm đó cha của Càn Long, cũng tức là Hoàng tứ tử Dận Chân thuộc phe yếu thế nhất trong số các anh em.
Nhưng có thể cũng chính bản tính ẩn nhẫn, bình tĩnh, không phô trương của Dận Chân đã giúp ông không để xuất hiện những sai lầm như hoàng tử khác trong giai đoạn đầu của cuộc tranh đấu.
Dận Chân chỉ đứng một bên lặng lẽ quan sát các phe phái chém giết lẫn nhau, tới cuối cùng đối thủ cạnh tranh chỉ còn lại Thập tứ Hoàng tử nắm trong tay binh quyền.
Thập tứ Hoàng tử Dận Trinh từ nhỏ đã thông minh hơn người, văn võ song toàn, vô cùng được Khang Hy Đế yêu quý.
Khi ấy, nhân vật này là Phủ viễn Đại tướng quân, trong tay nắm binh quyền, được Khang Hy cho phép thay mặt mình xuất chinh thảo phạt. Do đó có thể thấy, khi ấy Dận Trinh có địa vị vô cùng cao trong lòng Khang Hy Đế.
Vậy rốt cuộc Tứ Hoàng tử Dận Chân xưa nay ẩn nhẫn, không phô trương đã chiến thắng người em trai cùng cha cùng mẹ này như thế nào?
Trong xã hội truyền thống Trung Quốc luôn tồn tại cách nói "cách đời thân" (ông bà thương cháu hơn cả thương con mình), dù cao quý như đương kim Hoàng đế cũng không ngoại lệ.
Thời điểm ấy Dận Chân đã dùng một quân bài mang tên tình thân để thuyết phục Khang Hy. Khang Hy Đế năm đó tuổi tác đã cao, lại quanh năm phiền lòng với việc triều chính, cuộc tranh đoạt ngai vàng giữa các con trai của mình cũng khiến ông hao mòn tâm trí.
Với Khang Hy khi ấy, điều ông ao ước nhất chính là tình thân. Lúc này Dận Chân bèn mời Khang Hy đến phủ dự tiệc. Trong bữa tiệc, Khang Hy đã được nhìn thấy Hoàng tôn Hoằng Lịch của mình.
Theo sử liệu ghi chép, Khang Hy vừa thấy tướng mạo của Càn Long đã ngẩn người ngay tại chỗ, vội đặt chén rượu trên tay xuống bàn.
Càn Long lúc ấy mới chỉ 12 tuổi, khi đối mặt với Khang Hy, cậu bé tỏ rõ nét mặt ung dung, cử chỉ lịch sự, nói năng rõ ràng, quả thật là tướng Đế vương.
Hơn nữa từ nhỏ Càn Long đã đọc nhiều sách vở, có thể đối đáp trôi chảy trước các câu hỏi của Khang Hy Đế. Một người có con cháu đầy đàn Khang Hy Đế nhưng quả thực khi đó ông đã không thể không thể hiện niềm yêu mến với đứa cháu nhỏ mới chỉ 12 tuổi này.
Vậy là chẳng bao lâu sau, Khang Hy Đế bèn hỏi sinh thần bát tự của cháu mình. Vừa thấy bát tự của Càn Long, Khang Hy Đế càng vui mừng khôn xiết.
Theo cách nói ngày nay, sinh thần bát tự của Càn Long Đế hiển nhiên là mệnh đại phú đại quý. Điều này cũng càng củng cố ý định lập Hoàng tử Dận Chân làm người nối ngôi của Khang Hy.
Lúc này Khang Hy đã ở vào giai đoạn cuối của cuộc đời, cuộc tranh đoạt vị trí người kế vị cũng nên có kết thúc.
Thời điểm này đã xuất hiện đứa cháu trai khiến ông vui vẻ, cộng thêm tính cách vững vàng thận trọng của Dận Chân, mọi mặt của vấn đề đều xử lý thoả đáng.
Và như thế, cuối cùng Dận Chân đã thuận lợi giành thắng lợi trong cuộc chiến giành ngôi báu.
Năm 1735, Ung Chính Đế qua đời, Càn Long 25 tuổi kế vị. Lúc này Đại Thanh được giao vào tay ông cũng đang trong thời kỳ thịnh vượng dưới sự cai trị của Ung Chính.
Trên cơ sở đó, Càn Long kế thừa và mở rộng sự phát triển tốt đẹp mà ông cha để lại, giúp chính trị, kinh tế, văn hoá của Trung Quốc đạt được sự phát triển ở mức độ cao hơn trong thời kỳ trị vì của mình.