Như đã phân tích ở bài trước, mặc dù được đầu tư bài bản hơn nhưng các mỹ nữ nước ta vẫn kém may mắn so với đấng mày râu khi gánh trọng trách “mang chuông đi đánh xứ người”.
Nhiều giải thưởng, danh xưng quốc tế mà phái mạnh nước ta mang về nước là điều mà các nước khác không phải ai cũng làm được.
Ấy vậy mà khi về Việt Nam, nam giới nước ta lại có phần “lép vế” hơn giới nữ. Thực tế đã chứng minh được điều đó. Thử làm một cuộc khảo sát về việc kể tên các đại diện Việt Nam đi thi đấu quốc tế thì có được mấy ai biết đến Ngô Tiến Đoàn, Nguyễn Văn Sơn, trong khi đó Phạm Hương, Lan Khuê thì hầu như ai ai cũng biết.
Danh hiệu Mister International - Nam vương quốc tế 2008 của Ngô Tiến Đoàn không phải ai ai cũng biết.
Thế mới thấy được một thực tế là, mặc dù đạt thành tích quốc tế hẳn hoi nhưng nếu những cống hiến cho nghệ thuật, con đường hoạt động của bạn khá mờ nhạt thì cũng sẽ bị chính công chúng nước nhà lãng quên.
Hơn nữa, nói về ngành công nghiệp giải trí, đặc biệt là về lĩnh vực thời trang, người mẫu, nam giới hoàn toàn bị thất thế hơn so với phái đẹp. Chính vì vậy mà, mặc dù được tôn vinh ở quốc tế nhưng khi về nước, các nam vương, á vương của chúng ta hoàn toàn không có đất “dụng võ”.
Ở Việt Nam, các show diễn thời trang vốn dĩ đã ít mà số lượng show diễn dành cho mẫu nam lại càng ít hơn thì thử hỏi, lấy đâu ra cơ hội cho các nam vương, á vương của chúng ta “thể hiện”?
Các nhãn hàng thời trang, mỹ phẩm, trang sức cũng hầu hết đều dành cho phụ nữ thì việc chọn lựa một gương mặt làm đại diện, quảng bá thương hiệu là nam giới chắc chắn không thể nào xảy ra.
Nguyễn Văn Sơn - Mister Global - Nam vương toàn cầu 2015 vẫn là cái tên khá nhạt nhòa trong showbiz Việt.
Không có lợi thế về việc phổ biến hình ảnh như các nàng hậu, vì vậy mà những “trai đẹp” của nước ta nếu không có tài năng thực sự và lấn sân sang các lĩnh vực giải trí khác như điện ảnh, âm nhạc thì chắc chắn rằng sẽ khó mà tồn tại được trong lòng công chúng.
Đó là một thực trạng chung cho phái mạnh không chỉ ở nước ta mà còn trên thế giới. Bởi vốn dĩ những sân chơi nhan sắc này là dành cho nữ giới.
Việc “sinh sau đẻ muộn” và chưa được đầu tư hết mực đã làm cho danh xưng của các nam vương, á vương quốc tế không được cao quý như là phái đẹp.
Chính vì vậy mà nam giới, không chỉ ở Việt Nam mà còn cả ở quốc tế khi bước ra từ cuộc thi nhan sắc hoàn toàn thất thế trước những ngành nghề khác trong nghệ thuật như ca sĩ, diễn viên.
Á vương Trương Nam Thành chọn diễn xuất làm con đường nghệ thuật anh theo đuổi lâu dài.
Thế mới thấy được, cái danh xưng chỉ đơn thuần là một “vật trang trí” giúp bạn thêm phần đặc biệt và gây ấn tượng với người khác mà thôi. Còn thực tài, năng lực bản thân và sự kiên trì mới là yếu tố quyết định thành bại của mỗi cá nhân, không chỉ ở nghệ thuật mà còn ở nhiều ngành nghề khác nữa trong cuộc sống!