Vì sao Mali tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Ukraine?

GD&TĐ -Chính phủ lâm thời Mali ngày 4/8 tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Ukraine với cáo buộc Kiev vi phạm chủ quyền và hỗ trợ khủng bố quốc tế.

Quân đội Mali
Quân đội Mali

Chính phủ lâm thời Mali ngày 4/8/2024 đã tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Ukraine. Biện pháp này được đưa ra để đáp trả việc các quan chức ở Kiev thể hiện sự ủng hộ đối với phiến quân Tuareg, và thừa nhận sự thông đồng của Ukraine trong một cuộc tấn công khủng bố gần đây khiến binh lính Mali và các tay súng Wagner của Nga thiệt mạng.

Tháng trước, một đoàn xe quân sự chở lực lượng quốc phòng và an ninh Mali và các tay súng Wagner của Nga đã bị phiến quân Tuareg phục kích ở gần làng Tinzaouaten gần biên giới với Algeria. Hàng chục quân nhân đã thiệt mạng và nhiều xe tải đã bị phiến quân phá hủy.

Sau vụ tấn công, người phát ngôn Cơ quan tình báo quân sự Ukraine (GUR), Andrey Yusov, tuyên bố trên truyền hình Ukraine rằng, các điệp viên GUR đã hỗ trợ phiến quân Tuareg với "những thông tin cần thiết, giúp thực hiện thành công một chiến dịch quân sự chống lại tội phạm chiến tranh Nga", và tuyên bố "sẽ còn hỗ trợ nhiều hơn nữa".

Đại sứ quán Ukraine tại Dakar đã đăng cuộc phỏng vấn lên trang Facebook của mình, cùng với bình luận của Đại sứ Yury Pivovarov, người nói rằng, "chắc chắn sẽ có những kết quả khác". Đoạn video sau đó đã bị xóa.

Trong một thông báo do phương tiện truyền thông địa phương đưa ra vào ngày 4/8, chính phủ Mali bày tỏ sự sốc trước sự tham gia của Kiev vào "một cuộc tấn công hèn nhát, phản bội và man rợ".

Thông báo nói thêm rằng, những phát biểu của ông Pivovarov cho thấy "sự ủng hộ của Ukraine đối với chủ nghĩa khủng bố quốc tế, đặc biệt là ở Mali".

Chính phủ Mali khẳng định rằng, hành động của Kiev "vi phạm chủ quyền của Mali", "vượt ra ngoài phạm vi can thiệp của nước ngoài" và cấu thành hành vi vi phạm luật pháp quốc tế.

Để đáp lại "sự tham gia được thừa nhận và cho là có của Ukraine vào hành động quân sự chống lại Mali", Bamako đã thực hiện một số biện pháp, bao gồm "cắt đứt ngay lập tức quan hệ ngoại giao" giữa Mali và Ukraine, đồng thời khởi xướng các thủ tục pháp lý sau tuyên bố của ông Yusov và ông Pivovarov, "cấu thành hành vi khủng bố và ủng hộ khủng bố".

Chính phủ cũng cho biết thêm rằng, các biện pháp phòng ngừa sẽ được thực hiện "để ngăn chặn bất kỳ sự bất ổn nào đối với Mali từ các quốc gia châu Phi, đặc biệt là từ các đại sứ quán Ukraine", và "một cảnh báo chính thức" sẽ được ban hành "cho các tổ chức khu vực và quốc tế, cũng như các quốc gia ủng hộ Ukraine, cho thấy rõ, Kiev đã công khai thể hiện sự ủng hộ của mình đối với chủ nghĩa khủng bố".

Chính phủ Mali nhấn mạnh lập trường trung lập của mình liên quan đến cuộc xung đột Nga-Ukraine, và cho biết họ ủng hộ những cảnh báo của Moscow với thế giới về "bản chất tân phát xít của chính quyền Kiev".

Trong hơn một thập kỷ, Mali đã bị cuốn vào cuộc nổi loạn của các chiến binh thánh chiến, khiến hàng nghìn người thiệt mạng và hơn 375.000 người phải di dời, theo ước tính của Liên hợp quốc.

Một chiến dịch quân sự của Pháp đã không dập tắt được tình trạng bạo lực. Tình trạng bất ổn lan sang các nước láng giềng Burkina Faso và Nigeria, thúc đẩy ba quốc gia châu Phi thành lập Liên minh các quốc gia Sahel để chống khủng bố. Khối này cũng đã tìm cách tăng cường hợp tác an ninh với Nga.

Theo RT

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ