Trong khoảng thời gian từ 15 - 19 giờ ngày 5/8, Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TPHCM) tiếp nhận 4 trường hợp chuyển tuyến với chẩn đoán ngộ độc methanol.
Trong đó, có một trường hợp bị toan chuyển hóa nặng, thở máy và một trường hợp phải lọc máu điều trị tại Khoa Hồi sức - Tích cực chống độc. Hai trường hợp còn lại được theo dõi, điều trị tại Khoa Nội tiết - Thận. Các bệnh nhân được chẩn đoán chung là ngộ độc methanol ngày thứ 2.
Trước đó, nhóm 8 người cùng ăn và uống chung hết bình 5 lít rượu có pha thêm nước ngọt. Sau cuộc nhậu, 2 người lần lượt tử vong, 6 người còn lại phải nhập viện cấp cứu. Hiện, Bệnh viện Đa khoa Khu vực Thủ Đức điều trị hai bệnh nhân còn lại trong nhóm này.
Ngày 8/8, Bệnh viện Nhân dân Gia định xác nhận tiếp nhận thêm 4 trường hợp ngộ độc methanol. Trong đó, có 2 trường hợp pha nhầm cồn công nghiệp methanol vào rượu. Hiện, các trường hợp này được điều trị tích cực.
Theo Cục Y tế Dự phòng, rượu pha với nước có ga, bia, cà phê, hoa quả công nghiệp nhiều phẩm màu... rất có hại cho sức khỏe. Khi pha chung với rượu, hàm lượng các chất kích thích tăng cao do nước là dung môi làm hòa tan nhiều thành phần hoạt chất. Chất kích thích, độc chất ngấm sâu vào máu đến hệ thần kinh khiến hiện tượng ngộ độc đến sớm hơn so với thức uống thông thường.
Cũng theo Cục Y tế Dự phòng, người uống rượu pha nước ngọt quá nhiều sẽ dễ bị thừa cân béo phì. Đặc biệt, nếu đã bị rối loạn chuyển hóa hoặc bị tiền đái tháo đường sẽ dẫn đến đái tháo đường type 2. Ngoài ra, do khoái khẩu khi uống rượu pha nước ngọt nên dễ dẫn đến uống rượu thường xuyên hơn. Từ đó, dẫn đến tình trạng nghiện rượu.
Theo Trung tâm Chống độc, các loại rượu chứa cồn công nghiệp gây ngộ độc ở Việt Nam không phải là các loại rượu nấu truyền thống. Nguyên nhân chính là những kẻ kinh doanh rượu phi pháp đã mua cồn công nghiệp methanol về đóng chai hoặc pha thành các loại rượu rởm.
Đồng thời, trà trộn với các loại rượu truyền thống để thu lợi bất chính và gây ngộ độc. Một phần nữa là nhiều công ty cũng nhập các loại cồn chứa methanol về đóng chai và dán nhãn cồn sát trùng hoặc cồn để đốt và bán ở các hiệu thuốc. Thậm chí, không loại trừ có các cơ sở y tế nhập về để sử dụng.
Trung tâm Chống độc cho biết đã phát hiện nhiều sản phẩm cồn sát trùng chứa nồng độ methanol rất cao. Thông thường, nồng độ cồn công nghiệp methanol trong chai cồn sát trùng chiếm 70 - 90%.