Vì sao khó nói đúng giọng khi học ngoại ngữ?

Vì sao khó nói đúng giọng khi học ngoại ngữ?

(GD&TĐ) - Một sáng nào đó, bạn thức dậy và bắt đầu nói một thứ giọng lạ, chẳng hạn như… giọng Tây Ban Nha. Điều đó hoàn toàn có thể xảy ra. Những người mắc căn bệnh hiếm gặp tên là Hội chứng nói giọng nước ngoài (Foreign accent syndrome – FAS) đã chứng minh điều đó.

 

Giọng chuẩn - đó là nỗi khổ tâm của tất cả những ai muốn chế ngự ngoại ngữ một cách hoàn hảo. Mặc dù chúng ta nắm vững ngữ pháp và từ vựng, nhưng giọng vẫn luôn tiết lộ nguồn gốc xuất thân của chúng ta.

Bạn hãy thử tưởng tượng một sáng nào đó thức dậy, bạn nói bằng một giọng nước ngoài hoàn toàn xa lạ. Điều đó đã từng xảy ra với một phụ nữ Anh tên là Kay Russell. Một cách bất ngờ, tiếng Anh bản địa của Russel bỗng có giọng Pháp. Các chuyên gia cho rằng, nguyên nhân là những thay đổi trong hệ thần kinh có liên quan đến chứng đau nửa đầu từng hành hạ người phụ nữ này suốt 20 năm trời. Bản thân Russell không coi điều này là thú vị. Bà tiếp nhận nó như sự  đánh mất  một phần bản thân.

Các nhà khoa học cũng mô tả được hơn 60 trường hợp “nói giọng lạ” trên thế giới. Gần đây nhất là trường hợp của một phụ nữ Tasmania (Australia) tên là Leanna Rowe. Sau một tai nạn nghiêm trọng xảy ra 8 năm về trước, Leanna Rowe gặp khó khăn trong phát âm. Một trong những nguyên nhân là bà bị gãy xương hàm. Tuy nhiên dần dần bà nói tốt hơn – điểm yếu duy nhất còn lại sau tai nạn là bà bất ngờ nói giọng Pháp (tất nhiên nói giọng Pháp không phải là quy luật; bệnh nhân có thể bất ngờ nói giọng Đức, Trung Quốc hay Anh).

Việc chúng ta có thể “lên giọng xuống giọng” phụ thuộc vào hoạt động thích hợp của lưỡi và các cơ trong bộ máy phát âm. Nếu lực căng cơ trở nên quá yếu hoặc quá mạnh thì giọng hoặc ngữ điệu của chúng ta thay đổi.

Não chịu trách nhiệm về độ căng cơ. Nếu não bị tổn thương do tai nạn hoặc bệnh tật thì chúng ta có thể  bắt đầu nói lắp bắp hoặc mất khả năng chế ngự bộ máy phát âm. Cũng có thể chúng ta bắt đầu nói bằng giọng khác hẳn. Người khác nghe chúng ta nói có thể nghĩ rằng chúng ta nói bằng giọng của ngôn ngữ khác.

Một số nghiên cứu cho thấy chúng ta học được âm điệu của tiếng mẹ đẻ ngay từ khi còn nằm trong bụng mẹ. Sau đó ngôn ngữ mà chúng ta nói “luyện tập” các cơ tạo thành bộ máy phát âm. Vì các cơ đã “quen” với tiếng mẹ đẻ nên chúng ta gặp khó khăn về giọng trong khi học ngoại ngữ, đặc biệt khi bắt đầu học ngoại ngữ ở độ tuổi trưởng thành.

Tuấn Sơn

(Theo báo nước ngoài)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ