Vì sao Đức gần như dừng cung cấp vũ khí cho Ukraine?

GD&TĐ - Truyền thông Đức cho biết, trong 2 tháng qua, nhà chức trách nước này đã giảm cung cấp vũ khí cho Ukraine ‘xuống mức tối thiểu’.

Pháo tự hành PzH 2000 của Đức.
Pháo tự hành PzH 2000 của Đức.

Từ cuối tháng 3 đến cuối tháng 5/2022, Kiev chỉ nhận được vài lô mìn từ Berlin. Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Đức cho biết nước này và các nước châu Âu khác không muốn cung cấp cho quân đội Ukraine các loại xe bọc thép kiểu phương Tây.

Tờ báo Welt am Sonntag cho biết, trong 9 tuần qua, chính phủ Đức đã giảm cung cấp vũ khí cho Ukraine và chỉ còn ở mức tối thiểu.

Về nguyên tắc, Thủ tướng Đức Olaf Scholz không đồng ý gửi vũ khí hạng nặng cho Kiev khi chỉ ra các thỏa thuận với các đồng minh NATO của Đức. Theo Welt, kể từ cuối tháng 3, Đức gần như không cung cấp cho Ukraine “bất kỳ loại vũ khí hạng nhẹ nào đáng đề cập”.

Quan chức Bộ Quốc phòng Đức Zimtier Moller cho biết, Đức có chung quan điểm với các nước phương Tây về việc không cung cấp cho Ukraine xe bộ binh bọc thép (IFV) và xe tăng đang phục vụ cho quân đội châu Âu và Mỹ.

Trước đó, hãng thông tấn DPA của Đức đưa tin rằng có những thỏa thuận “không chính thức” giữa các nước NATO về việc hạn chế cung cấp một số hệ thống vũ khí cho Ukraine.

Trong khi đó, Đại sứ Ukraine tại Đức Andriy Melnyk chỉ trích Berlin về sự chậm chạp trong việc cung cấp vũ khí. Trong một cuộc phỏng vấn với tập đoàn truyền thông Funke, nhà ngoại giao Ukraine bày tỏ sự thất vọng khi “15 khẩu pháo phòng không Gepard có thể được chuyển sớm nhất vào cuối tháng 7 và 15 chiếc khác vào cuối tháng 8”. Theo ông, Đức có thể cung cấp cho Ukraine ít nhất 130 xe bọc thép Marder và 88 xe tăng Leopard 1.

Các nước thuộc NATO được cho là đang thận trọng trong việc đưa vũ khí tới Ukraine vì lo ngại đối đầu quân sự với Nga.

Theo Gazeta

Bình luận

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ