Vì sao dân rời bỏ 'đô thị nhỏ giữa đại ngàn' Đắk Lắk?

GD&TĐ - Cuối tháng 3/2025 đã có hàng trăm hộ dân bán đất, bán nhà, rời khu tái định cư quay lại rừng lập làng mới bên đường Trường Sơn Đông.

Khu tái định cư số 1.
Khu tái định cư số 1.

Hai khu tái định canh, định cư tại huyện Ea Kar được tỉnh Đắk Lắk đầu tư hơn 500 tỷ đồng nhằm mục đích bảo đảm cuộc sống cho hàng trăm hộ dân thuộc diện thu hồi đất để triển khai Dự án Hồ chứa nước Krông Pách Thượng.

Thế nhưng, đến cuối tháng 3/2025 đã có hàng trăm hộ dân bán đất, bán nhà, rời khu tái định cư quay lại rừng lập làng mới bên đường Trường Sơn Đông.

Thiếu đất sản xuất…

Khu tái định cư số 1 tại xã Cư Elang và Khu tái định cư số 2 tại xã Cư Bông (huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk) được đầu tư hàng trăm tỷ đồng và được xây dựng không khác gì một “đô thị nhỏ giữa đại ngàn” Tây Nguyên với quảng trường bề thế, công viên, trường học, trạm xá… liên hoàn.

Tưởng chừng, đây sẽ là nơi khởi nguồn cho cuộc sống mới đầy mơ ước với hàng trăm hộ dân ở chốn rừng sâu khu vực lòng hồ Krông Pách Thượng. Thế nhưng, cuộc sống của họ lại đang thiếu thốn trăm bề, nguyên nhân xuất phát từ thực tế “có định cư nhưng không có định canh”.

Ông Ma A Tá (45 tuổi) ở Khu tái định cư số 2 đã cùng hàng trăm hộ dân đến dựng nhà, lập làng mới tại xóm Bãi Xi, xã Cư San, huyện M’Drắk (theo dọc 2 bên đường Trường Sơn Đông).

Ngồi trước ngôi nhà gỗ bề thế vừa được dựng lên, ông Ma A Tá tâm sự: “Gia đình được phân về Khu tái định cư số 2, nhưng chỉ có nền nhà ở, còn đất sản xuất chưa có nên phải quay lại đây để sản xuất và sinh sống”.

Cũng theo lời ông Tá, ở làng mới này, không ai có hộ khẩu, con cái đi học thì cách xa hàng chục km đường rừng. Nhưng quan trọng nhất theo ông Tá là: Mọi người đều có đất để làm ăn và lo được cho gia đình.

Tương tự, ông Vàng Sao Cháng (Khu tái định cư số 1) cũng khẳng định, nguyên nhân rời khu tái định cư là do chưa được cấp đủ đất để canh tác.

Theo lời ông Cháng, thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, nhiều năm trước, gia đình ông và hàng trăm hộ dân đã chuyển về Khu tái định cư số 1 sinh sống. Theo quy hoạch, gia đình ông sẽ được cấp 1.000m2 đất để làm nhà ở, 4.600m2 đất lúa và 5.400m2 đất rẫy.

Tuy nhiên, sau hơn 3 năm, đến nay gia đình ông Vàng Sao Cháng chỉ nhận được 1.000m2 đất ở cùng với hơn 2.000m2 đất lúa. Không có đất canh tác, vợ chồng phải đi khắp nơi để làm thuê nuôi 4 đứa con đang tuổi ăn học.

“Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước, gia đình mình tự nguyện chuyển từ lòng hồ thủy lợi Krông Pách Thượng về đây sinh sống. Theo lời hứa của chính quyền, khi về đây sống người dân sẽ được cấp đất ở, đất sản xuất. Đến nay đã hơn 3 năm, gia đình chỉ nhận được hơn 2 sào ruộng nước, đất nương rẫy thì không thấy đâu nên vợ chồng đành phải bỏ đi nơi khác làm thuê để kiếm sống”, ông Vàng Seo Cháng nói.

Trao đổi với Báo GD&TĐ, ông Giàng Seo Sàng, Trưởng thôn Khu tái định cư số 1 cho hay, khu này được bố trí nơi ở cho 240 hộ dân với hơn 1.200 nhân khẩu di dời từ lòng hồ Krông Pách Thượng.

“Đến nay, ngoài việc cơ sở hạ tầng trong khu tái định cư được đầu tư khá đồng bộ, bài bản nhưng việc cấp đất sản xuất cho người dân còn nhiều bất cập. Trong hơn 3 năm, có khoảng 50% hộ dân trong khu tái định cư mới chỉ được cấp 4.600m2 đất lúa, 50% còn lại chỉ nhận được từ 2.000m2 đến 3.000m2. Riêng đất rẫy thì chưa hộ dân nào nhận được”, ông Sàng nói.

dak-lak-vi-sao-dan-roi-bo-do-thi-nho-giua-dai-ngan-1.jpg
Hồ Krông Pách Thượng, tỉnh Đắk Lắk.

Ưu tiên vận động người dân tự di dời

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Thiên Văn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk cho biết, việc bố trí đất sản xuất cho người dân tại 2 khu tái định cư hiện vẫn còn vướng mắc. Điều này khiến tiến độ di dời các hộ dân dọc đường Trường Sơn Đông bị chậm.

Theo ông Nguyễn Thiên Văn, hiện nay còn thiếu khoảng 200ha đất sản xuất. Nguyên nhân chủ yếu do quá trình bồi thường, giải phóng mặt bằng và chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ rừng sản xuất sang đất trồng trọt còn nhiều vướng mắc.

Bên cạnh đó, khu vực dự kiến cấp đất cho dân cũng đang bị một số nhóm người dân khác xâm canh. Vì vậy, tỉnh phải thực hiện thu hồi và hỗ trợ theo đúng quy định trước khi bàn giao đất.

“Hiện, nghị quyết của HĐND tỉnh đã có, địa phương đang triển khai thực tế để sớm hoàn thành dự án. Hồ sơ bồi thường, giải phóng mặt bằng cũng đã được chuyển đến Sở Nông nghiệp và Môi trường để tham mưu UBND tỉnh ra quyết định”, ông Nguyễn Thiên Văn trao đổi.

Cũng theo lời ông Văn, sau khi hoàn thiện việc bố trí đất ruộng và đất sản xuất cho người dân hai khu tái định cư, tỉnh sẽ vận động người dân dọc hai bên đường Trường Sơn Đông tháo dỡ nhà cửa, di dời về khu tái định cư theo đúng quy định.

“Khu vực này không có quy hoạch đất ở. Chúng tôi đã quy hoạch đất tái định cư đầy đủ cho người dân. Nếu các hộ dân vẫn kiên quyết không rời đi, tỉnh sẽ thực hiện cưỡng chế theo quy định pháp luật”, ông Văn khẳng định.

Trước đó, UBND tỉnh Đắk Lắk đã yêu cầu huyện M’Drắk tuyên truyền, vận động những hộ này phải di dời đến Khu tái định cư số 1 và số 2 tại huyện Ea Kar, cách nơi ở cũ gần 20km.

Tuy nhiên, nhiều người dân vẫn ở lại, tự ý san lấp mặt bằng và xây dựng nhà cửa trái phép.

Điều này được ông Nguyễn Đức Thảo, Phó Chủ tịch UBND huyện M’Drắk khẳng định: “Về mặt hành chính, chính quyền đã ban hành nhiều quyết định xử phạt hành chính đối với các trường hợp vi phạm. Tuy nhiên, hiện tại vẫn chưa thể cưỡng chế các hộ dân này được”.

Nguyên nhân chính, do đất sản xuất và đất ruộng dành cho người dân chưa có. Từ đó, nhiều hộ dân lấy lý do này để tiếp tục ở lại nơi cũ. Ngoài ra, một số hộ dân còn rẫy, đất sản xuất lớn, họ không muốn di dời vì khoảng cách 20km và di chuyển bằng phà sẽ gây khó khăn cho việc canh tác.

Trước đó, Báo GD&TĐ đã thông tin, Dự án thủy lợi Krông Pách Thượng (Đắk Lắk) vốn đầu tư gần 3.000 tỷ đồng, đội lên hơn 4.400 tỷ đồng, hơn 14 năm qua vẫn chậm tiến độ và lộ nhiều bất cập. Ngoài việc khởi tố cựu Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng và nhiều đồng phạm. Mới đây, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an tiếp tục yêu cầu UBND tỉnh Đắk Lắk cung cấp hồ sơ liên quan dự án như: Các văn bản do các sở đã tham mưu cho UBND tỉnh trong quá trình thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư; danh sách chức năng nhiệm vụ của các đơn vị, cá nhân đã tham gia thực hiện công tác đền bù, giải phóng mặt bằng và hỗ trợ tái định cư.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Để thoát khỏi xiềng xích của chứng nghiện điện thoại di động, đã đến lúc bạn phải bỏ điện thoại xuống và biến mình thành nhân vật chính trong cuộc sống của mình. (Ảnh: ITN).

5 cách cai điện thoại hiệu quả

GD&TĐ - Giải quyết chứng nghiện điện thoại sẽ giúp cải thiện sức khỏe tinh thần. Mặc dù rất nhiều người hiểu điều này nhưng thật khó để rời bỏ chúng.