Theo nhà nghiên cứu văn hóa Trịnh Sinh, cúng giao thừa hay còn gọi là cúng trừ tịch có ý nghĩa đem bỏ hết những điều xấu của năm cũ để đón những điều tốt đẹp của năm mới sắp đến.
Nhà nghiên cứu cho biết, lễ trừ tịch thường được tiến hành vào giờ chính Tý, tức 12 giờ đêm 30 tháng Chạp.
Người Việt tin rằng, mỗi năm có các vị thần Hành binh, Hành khiển, Phán quan cai quản hạ giới khác nhau. Cứ hết một năm, vị Hành khiển cũ đã cai quản hạ giới trong năm cũ sẽ bàn giao công việc cho vị Hành khiển mới đi xuống cai quản hạ giới trong năm mới.
Cúng giao thừa trong dân gian như là buổi tiệc để “tống cựu nghinh tân”, tiễn đưa những vị thần năm cũ và nghinh đón những vị thần mới. Xin các vị thần linh phù hộ cho gia đình một năm mới bình an, hạnh phúc.
Đây cũng là quan điểm của tác giả Nhất Thanh trong cuốn Đất lề quê thói.
Theo Nhất Thanh, Hành khiển có ông thiện, ông ác. Vì vậy, có nhiều năm người dân phải chịu thiên tai, hạn hán, lụt lội, mất mùa, đói kém hay dịch tễ, chết hại.
Người ta làm lễ trừ tịch vào thời khắc giao thừa để tiễn vị thần năm cũ và đón vị thần năm mới. Vị thần cũ giao lại công việc để thần mới tiếp nhận (trừ là trao lại chức quan, tịch là ban đêm).
Tác giả cuốn sách còn cho biết, bên cạnh việc tiễn, đón các vị thần năm cũ, mới, từ xa xưa, người dân còn cầu cúng cả Bản cảnh Thành hoàng và Thổ địa Thần kỳ trong lễ trừ tịch.
Các thôn xã thiết lập hương án nơi trung thiên, sân đình, Văn chỉ hay ở ngã ba trước điếm canh để tế lễ trọng thể với đầy đủ lễ vật. Tư gia thường không làm riêng lễ trừ tịch.
Nhà nghiên cứu Minh Đường trong sách Nghi lễ dân gian - Nghi lễ cúng gia tiên cũng nhấn mạnh lễ giao thừa là lễ quan trọng nhất trong dịp Tết Nguyên đán. Đó là lễ dâng hương vào giây phút chuyển giao giữa giờ khắc cuối cùng (giờ Hợi) của năm cũ và giờ khởi đầu (giờ Tý) của năm mới.
Người ta tin rằng mọi điềm hay, dở xảy ra vào giây phút này có liên quan tới mọi sự hay, dở của tất cả thành viên gia đình trong năm mới. Trong giây phút thiêng liêng ấy, mọi người đều quên đi tất cả những điều không hay trong năm cũ. Mọi sự kiêng kỵ được thực hiện triệt để từ giây phút giao thừa tới sáng sớm mùng 1 Tết.
Mâm cỗ cúng Giao thừa
Thời điểm giao thừa, người ta thường cúng lễ ngoài trời và trong nhà.
Mâm cỗ cúng đêm giao thừa gồm có cỗ chay và cỗ mặn.
Cỗ mặn gồm: Bánh chưng, giò chả; xôi gấc, thịt gà; xôi đậu xanh; các món ăn mặn khác tùy theo nhu cầu của gia đình.
Cỗ ngọt và chay gồm: hương, hoa, đèn nến, bánh kẹo, mứt Tết và các loại đồ uống khác.
Lưu ý cách đặt đồ cúng: Dù làm cỗ cúng mặn hay chay cũng nên để ở chiếc bàn con bên dưới ban thờ. Trên bàn thờ chính chỉ để hoa tươi, quả tươi, một ít tiền vàng mã mang tính tượng trưng. Cũng có thể đặt bánh chưng, xôi, chè trên bàn thờ chính.
Hoa bày trên bàn thờ cần phải hoa tươi chứ không được dùng hoa giả, hoa nhựa vì theo quan niệm đó là sự giả dối.
Mọi người cũng không nên cắm “cành vàng lá ngọc” lên bàn thờ vì có chứa nhiều trường khí âm bất lợi.