Trước vấn đề tự chủ tuyển sinh từ năm nay, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga khẳng định: “Bộ sẽ tạo mọi điều kiện để các trường được tuyển sinh riêng, ví dụ như hai trường cùng ngành có thể thi chung với nhau để cùng ra đề, cùng tổ chức thi, cùng sử dụng chung kết quả. Muốn vậy, các trường phải chuẩn bị đầy đủ các nguồn lực để đảm bảo tự chủ tuyển sinh”.
Nhiệm vụ các trường là được tự chủ
Thưa Thứ trưởng, ông có thể giải thích kỹ hơn về "cơ chế mở" mới này của Bộ khi được áp dụng và vì sao những năm trước chúng ta không giao quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường?
- Đổi mới tuyển sinh để thực hiện đúng như trong Luật Giáo dục đại học đã quy định, các trường được tự chủ trong tuyển sinh. Hơn nữa, hiện nay chúng ta đang thực hiện Đề án đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đào tạo, việc đổi mới này là đổi mới cả chương trình và sách giáo khoa, phương pháp học. Cơ bản nhất trong phương châm giáo dục sắp tới là chuyển từ truyền đạt kiến thức sang phát triển năng lực của học sinh.
|
Thứ trưởng Bùi Văn Ga trả lời các câu hỏi của phóng viên. Ảnh Xuân Trung |
Do vậy phải đổi mới công tác thi, cả tốt nghiệp phổ thông và đại học, cao đẳng. Thay đổi trong tuyển sinh thì ngay lập tức việc học trong phổ thông cũng phải thay đổi để đáp ứng yêu cầu. Nếu đổi mới dạy và học ở phổ thông mà công tác thi tuyển sinh đại học, cao đẳng vẫn giữ nguyên thì rõ ràng không đổi mới vì thí sinh lúc nào cũng hướng vào thi đại học.
Các trường được tự chủ và tùy theo mục tiêu đào tạo của mình để thực hiện tuyển sinh cho phù hợp, chứ không thể lấy cùng một thức đo cho nhiều ngành đa dạng như hiện nay.
Để chuyển việc tuyển sinh từ Bộ tổ chức sang các trường tự thực hiện cần phải có những nguyên tắc để đảm bảo việc chuyển đó thật sự an toàn, không gây lo lắng cho phụ huynh, học sinh. Bộ sẽ khuyến khích, tạo điều kiện để các trường thực hiện tự chủ trong tuyển sinh, tức là các trường có nhiệm vụ phải thực hiện tự chủ tuyển sinh theo lộ trình, bây giờ là trường phải làm chứ không phải xin làm nữa.
Bộ GD&ĐT chỉ thực hiện chức năng quản lý nhà nước trong thanh tra, kiểm tra việc thực hiện tự chủ và tự chịu trách nhiệm trong tuyển sinh của các trường. Để giúp các trường chưa thực hiện tuyển sinh riêng, các trường chưa có điều kiện tuyển sinh riêng thì trong vòng 3 năm tới, Bộ tiếp tục tổ chức kỳ thi tuyển sinh “ba chung”, điều này cho các trường không tuyển sinh riêng nhưng vẫn tuyển được sinh viên vào trường. Trường nào muốn sử dụng kết quả ba chung của bộ thì phải đăng ký trước với bộ.
Để có được phương án tuyển sinh riêng thì từng trường phải xây dựng đề án tuyển sinh riêng đáp ứng các yêu cầu, nội dung, điều kiện quy định. Trước đó, trong khi tổ chức thi “ba chung” việc nhức nhối nhất là luyện thi tràn lan, gây bức xúc, không công bằng giữa thí sinh thành phố và nông thôn. Lần này khi giao tự chủ tuyển sing thì dứt khoát không để xảy ra hiện tượng này, các trường phải cam kết điều đó.
Các trường sẽ phải chuẩn bị những gì trước khi muốn tuyển sinh riêng?
- Nội dung của đề án tuyển sinh của các trường sẽ được tự do, nhưng các nội dung cần có để đạt tiêu chuẩn thì trường phải liệt kê ra, ví dụ trường chọn phương án thi tuyển thì phải có: Xác định môn thi, hình thức thi, thời gian làm bài đối với mỗi môn thi; Lực lượng giáo viên ra đề thi đối với từng môn thi cụ thể; Lực lượng giáo viên chấm thi đối với từng môn cụ thể; Lực lượng giáo viên coi thi; Điều kiện đảm bảo chất lượng nguồn tuyển; Công tác thanh tra, giám sát kỳ thi…, quan trọng nhất là điều kiện để đảm bảo nguồn tuyển.
|
Từ năm 2014 khi các trường thực hiện tự chủ tuyển sinh sẽ xuất hiện nhiều hình thức thi tuyển, lúc đó các thí sinh không phải thi ba chung như những năm qua, mà theo đó sẽ thi theo phương thức mà các trường đề ra cho phù hợp với nhu cầu đào tạo các ngành của trường mình. Trong ảnh, thí sinh dự thi đại học, cao đẳng năm 2013 tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Ảnh minh họa: Xuân Trung |
Trong đề án các trường tuyển sinh riêng cần nói rõ thời gian thi, lịch thi cho học sinh biết, chính sách ưu tiên, phải thật chi tiết. Trong các tiêu chí về đảm nguồn lực tổ chức thực hiện việc tuyển sinh riêng của các trường cần nói rõ, ví dụ: Trường tổ chức thi bằng cách phỏng vấn, vậy phỏng vấn với vài chục thí sinh phải như thế nào, với 10.000 thí sinh phải như thế nào, phải có tính khả thi.
Mỗi trường phải xây dựng đề án tuyển sinh riêng và được Bộ GD & ĐT xác nhận là đáp ứng các yêu cầu, ở đây không có chuyện xin cho nữa mà nhiệm vụ các trường phải thực hiện, bộ là cơ quan nhà nước có nhiệm vụ phê duyện đề án mà thôi.
Sứ mệnh “ba chung” đã hoàn thành
Như vậy, có giới hạn phương án tuyển sinh riêng với các trường không thưa Thứ trưởng?
- Mỗi trường chỉ được chọn một trong ba phương án thi, có thể thi theo đề án riêng đã được Bộ xác nhận đạt yêu cầu, có thể tham gia kỳ thi chung do Bộ tổ chức nếu trường chưa có điều kiện thi riêng, hoặc các trường có thể thỏa thuận với các trường khác mà trường đó có đề án được Bộ xác nhận đảm bảo đúng yêu cầu để tuyển sinh chung với trường đó.
Bộ sẽ tạo mọi điều kiện để các trường được tuyển sinh riêng, ví dụ như 2 trường cùng ngành có thể thi chung với nhau để cùng ra đề, cùng tổ chức thi, cùng sử dụng chung kết quả. Muốn vậy, các trường phải chuẩn bị đầy đủ các nguồn lực để đảm bảo tự chủ tuyển sinh. Các trường tổ chức tuyển sinh riêng không sử dụng kết quả thi của kì thi chung. Các trường chỉ tổ chức tuyển sinh riêng tối đa 2 lần trong năm vào thời gian do Bộ GD&ĐT quy định.
Kết quả thi của thí sinh chỉ có giá trị xét tuyển vào các trường có tổ chức thi tuyển sinh theo cùng đề án, không có giá trị xét tuyển sang trường khác. Các trường có thể tổ chức tuyển sinh riêng từng phần cho một số khoa, ngành; những khoa, ngành tuyển sinh riêng thì không sử dụng kết quả kỳ thi “ba chung”.
Thứ trưởng nghĩ sao khi quy định các trường chỉ được tuyển sinh 2 lần /năm, nếu quy định các trường thi riêng không được xét tuyển kết quả chung, điều đó có làm mất cơ hội của thí sinh không?
- Tổ chức thi nhiều năm trong năm phải hạn chế vì có nhiều phức tạp, ảnh hưởng tới thí sinh. Hiện nay học sinh phổ thông kết thúc vào tháng Sáu hàng năm, sau đó phải chấm thi, tháng Bảy có thể làm tuyển sinh, đây là giai đoạn tốt nhất cho các trường tổ chức thi. Một số trường đào tạo theo tín chỉ có thể tách ra thành hai lần thi.
Vì sao thi riêng lại không dùng kết quả chung? Khi thi chúng ta phải có một tiêu chí để trúng tuyển, thi chung đã có chuẩn chung, thi riêng phải có chuẩn riêng, vậy hai chuẩn này không thể kết hợp với nhau được. Do đó bộ có mở thêm trường hợp, các trường có thể thỏa thuận với nhau để thi chung.
Thứ trưởng bình luận gì khi hiện nay các trường công lập chưa có phương án tuyển sinh riêng, mà chủ yếu phương án tuyển sinh riêng là ở các trường ngoài công lập?
- Với thi ba chung như mọi năm thì các trường tốp trên rất yên tâm không suy nghĩ về tuyển sinh riêng, cái khó nhất là làm đề thi thì bộ đã làm cho các trường, họ không thiếu nguồn tuyển, nếu làm riêng thậm chí sẽ có nhiều rủi ro hơn nên các trường không muốn tuyển sinh riêng.
|
Từ năm 2014 khi thay đổi phương thức tuyển sinh, liệu có còn cảnh phụ huynh mệt mỏi chờ sĩ tử như thế nào? Ảnh minh họa Xuân Trung |
Nhưng hiện nay thực hiện Luật Giáo dục đại học thì bắt buộc các trường phải suy nghĩa tới phương án tuyển sinh riêng, vì mỗi trường sẽ có mục tiêu đào tạo khác nhau: cơ khí, kinh doanh, ngân hàng, điện…, do đó lãnh đạo các trường phải cân nhắc tìm phương án tuyển sinh nào phù hợp cho trường mình để chọn đúng người có năng lực vào học ngành mà trường có.
Như vậy đối với các em thi vào lớp 10 năm tới (năm 2014) cũng phải hình dung phương án thi tuyển sinh khác đi để có tinh thần tốt nhất, trong giai đoạn chuyển giao này bộ vẫn tổ chức thi ba chung để giúp cho các trường, thí sinh bớt lo lắng.
Chúng ta sẽ kiểm soát thí sinh ảo như thế nào khi thực hiện tuyển sinh riêng? Bộ sẽ giám sát chất lượng đầu vào ra sao?
- Đây là một lộ trình, đây cũng là lúc chúng ta kết thức sứ mệnh lịch sử của ba chung, ba chung đã hoàn thành tốt trong những năm qua. Đặc biệt khi chúng ta bước sang giai đoạn thực hiện chương trình sách giáo khoa mới, đổi mới căn bản toàn diện thì bức tranh hình thức tuyển sinh sẽ có nhiều thay đổi, và chắc chắn ba chung như hiện nay không cần thiết nữa.
Khi bộ trao quyền tự chủ cho các trường thì sẽ gắn liền với tự chịu trách nhiệm với xã hội. Tuyển như thế nào để đảm bảo nguồn tuyển và đảm bảo chất lượng của của trường đó, tên tuổi của trường đó. Nhà trường tồn tại thế nào phải bằng chất lượng thực của nhà trường, tuyển sinh chất lượng đầu vào là một yếu tố của quá trình đó.
Bên cạnh đó, các trường cũng phải nói rõ ngưỡng tối thiểu là bao nhiêu để đảm bảo chất lượng, ví dụ thi ba môn thì phải lấy 15 điểm hay 18 điểm trở lên thì đề án mới đạt yêu cầu, chứ không được lấy từ trên xuống dưới mà nói là đạt yêu cầu.
Mỗi một phương án tuyển sinh đều có điểm mạnh, điểm yếu, ba chung cũng có nhiều cái mạnh nhưng cũng có cái yếu, thi riêng cũng sẽ có những điểm như vậy và tỉ lệ ảo cũng là một trong những điểm riêng đó. Tỉ lệ ảo chắc chắn vẫn xảy ra, nhưng cái ảo đó sẽ được giảm xuống khi các trường tiến hành tổ chức thi 2 lần/năm? Do đó không có phương thức tuyển sinh nào là hoàn hảo.
Ngay khi Bộ tổ chức thi chung thì các trường vẫn có thể tổ chức thi riêng cùng với đợt của Bộ, Bộ sẽ đề ra một số đợt tuyển sinh và các trường sẽ đăng kí vào từng đợt này. Đợt đó như thế nào chúng tôi sẽ hỏi ý kiến Hiệu trưởng các trường trong Hội nghị Hiệu trưởng sắp tới.
Xin cảm ơn Thứ trưởng.
“Chưa có trường nào đề xuất tuyển sinh riêng. Qua thực tiễn tuyển sinh của trường thấy kì thi ba chung rất có hiệu quả: Đảm bảo sự an toàn trong khâu làm đề, vì vậy chúng tôi không có nhu cầu thay đổi, thực tế chất lượng đầu vào của trường rất tốt. Đại học Sư phạm Vinh dược giao làm cụm thi quốc gia, mỗi kì thi như vậy tiết kiệm ít thì 70 tỉ nhiều 100 tỉ, hiệu quả rất tốt. Sau mỗi kì thi đã có câu hỏi khảo sát các trường thì hầu hết các trường đều đề xuất vẫn giữ kì thi 3 chung ổn định có sửa đổi thì sửa đổi về mặt kỹ thuật”. PGS.TS. Đinh Xuân Khoa - Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Vinh. |
Theo Giáo dục Việt Nam