Vì mục tiêu “Để không bỏ lại ai ở phía sau”

GD&TĐ - Sáng nay 2/12, tại Hà Nội, Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam đã tổ chức mít tinh hưởng ứng ngày Quốc tế người khuyết tật. Đến dự chương trình có đại diện các Bộ, ban ngành, tổ chức xã hội, tổ chức quốc tế, tổ chức người khuyết tật (NKT) cùng hơn 300 hội viên NKT, các thầy cô giáo, học viên các lớp dự án thu hẹp khoảng cách kỹ thuật số cho NKT.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Hồng Lan phát biểu tại buổi lễ
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Hồng Lan phát biểu tại buổi lễ

Ngày Quốc tế về người khuyết tật (3/12) được kỷ niệm từ năm 1992, nhằm nâng cao nhận thức và huy động sự hỗ trợ cho các vấn đề then chốt liên quan đến sự hòa nhập của NKT với cộng đồng và phát triển. Ngày nay đã có rất nhiều hoạt động được tiến hành để thúc đẩy sự hòa nhập của NKT, đồng thời thu hút những lợi ích mang lại cho NKT.

Chính phủ các quốc gia, tổ chức Unicef, các tổ chức xã hội, trong đó có tổ chức NKT. Năm nay Việt Nam đã và đang thực hiện công ước của Liên hợp quốc về NKT được gần 3 năm với 17 mục tiêu phát triển bền vững, trong đó mục tiêu toàn cầu là “Để không bỏ lại ai ở phía sau”.

Phát biểu tại Lễ mít tinh, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Hồng Lan cho biết: “Hiện nay, Với khoảng gần 8 triệu NKT chiếm 7,8% dân số, trong đó có gần 1,2 triệu trẻ khuyết tật. Với số liệu này, Việt Nam đang là quốc gia có tỷ lệ NKT cao so với tổng dân số trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Phần lớn NKT Việt Nam có cuộc sống khó khăn, đặc biệt là NKT do ảnh hưởng của chất độc màu da cam, dioxin gây ra. Thời gian qua, bằng nỗ lực và quyết tâm cao, Việt Nam đã vượt qua nhiều khó khăn, trong đó đã ban hành nhiều chính sách, chương trình hành động để ngày càng nâng cao chất lượng cuộc sống cho NKT.

Bộ LĐ-TB&XH đánh giá cao sự đóng góp quan trọng của cộng đồng, các tổ chức vì NKT, các tổ chức quốc tế, cũng như chính bản thân NKT, đã chung tay với nhà nước thúc đẩy cuộc sống ngày càng tốt hơn cho NKT...”

Triển lãm ảnh Lăng kính quyền NKT
Triển lãm ảnh Lăng kính quyền NKT

Sau khi công ước của Liên hợp quốc về quyền của NKT được Việt Nam phê chuẩn; Luật NKT được ban hành và có hiệu lực, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ ban ngành liên quan và các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn triển khai thực hiện.

Đặc biệt, năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định số 1019/QĐ- TTg phê duyệt đề án trợ giúp NKT giai đoạn 2012 – 2020.

Gần đây nhất, năm 2016 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định số 1100/QĐ- TTg phê duyệt kế hoạch thực hiện công ước quốc tế về quyền của NKT, đề án và kế hoạch này đã cụ thể hóa những hoạt động, giải pháp trong từng giai đoạn để thực hiện quy định của Công ước và Luật NKT.

Nhằm mục tiêu trợ giúp NKT xóa bỏ mặc cảm vươn lên hòa nhập cộng đồng, đóng góp tích cực vào tiến trình phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, cùng với chuyển biến nhận thưc của xã hội, hoạt động trợ giúp đã có những thay đổi căn bản, đó là chuyển sự trợ giúp mang tính nhân đạo sang sự trợ giúp theo quan điểm phát triển.

Trước đây, trợ giúp cho NKT chủ yếu là lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm, nhưng những năm gần đây, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách đảm bảo an sinh xã hội đối với NKT, NKT được hỗ trợ về nhà ở, giáo dục, y tế, tiếp cận giao thông, các công trình xây dựng, hỗ trợ dạy nghề, việc làm, vay vốn ưu đãi phát triển kinh tế và hỗ trợ sinh kế,... điều này đã mang lại cho NKT sự tự tin, để tự lập cuộc sống, hòa nhập cộng đồng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ