Vẫn còn nhiều rào cản

GD&TĐ - “Vẫn còn quá nhiều rào cản với các SV là người khuyết tật. Nếu cộng đồng không chung tay, giúp đỡ họ thì cơ hội chinh phục bản thân và tri thức của người khuyết tật sẽ bội phần gian nan” - Đó là trăn trở của TS Đặng Huỳnh Mai - nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT - tại Hội thảo “Tăng cường cơ hội tiếp cận giáo dục cho SV khuyết tật tại TPHCM” do Trung tâm Khuyết tật và Phát triển (DRD) vừa tổ chức.

Vẫn còn nhiều rào cản

Những câu chuyện đầy nước mắt

Chia sẻ về chặng đường tìm kiếm cơ hội thỏa khát khao học tập của mình (thông qua một phiên dịch) em Lê Minh Tú, SV năm nhất ngành Tâm lý Trường Đại học Văn Hiến cho biết: Tốt nghiệp THPT, em nộp hồ sơ vào một trường cao đẳng gần nhà. Nhưng họ từ chối vì em là người khiếm thính.

Cha đưa Minh Tú đến Trường Cao đẳng Việt Mỹ với hy vọng môi trường sẽ cởi mở hơn. Nhưng một lần nữa sự phũ phàng của nghịch cảnh lại chặn ngang khát khao được học tập của em khi nhà trường gọi cho cha em thông báo: Con anh không thể theo học tại trường này vì bị khiếm thính.

Tuyệt vọng, xót xa và đầy cám cảnh cho bản thân mình, nhưng thật may mắn với Minh Tú khi Trường Đại học Văn Hiến đã tiếp nhận em ngay khi nhận được thông tin việc cô học trò nhiều năm liền là học sinh giỏi bị nhiều trường từ chối.

“Em không chỉ được Trường Đại học Văn Hiến nhận vào học mà còn được nhà trường cấp học bổng, được hỗ trợ người phiên dịch. Em đã đi học được hơn hai tháng, chương trình ở đại học rất khó nhưng em sẽ cố gắng để hoàn thành” - Minh Tú chia sẻ.

Cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự Minh Tú, em Trần Lê Khả Ái (bị câm điếc bẩm sinh, SV ngành Thiết kế đồ họa, Trường Đại học Hoa Sen) cũng có hành trình không kém vất vả trên hành trình hòa nhập, lĩnh hội tri thức.

Qua nhiều lần bị từ chối cơ hội học tập, cuối cùng em cũng được Trường Đại học Hoa Sen tiếp nhận, cấp học bổng đi học. Để có được điểm cuối hạnh phúc và viên mãn ấy là cả một hành trình dài của người cha đầy tình thương dành cho con - anh Trần Khương.

Anh chính là người đồng hành cùng con trên suốt chặng đường con anh hòa nhập môi trường học tập với các bạn bình thường. Suốt thời học phổ thông, anh chính là người bạn đồng hành cùng con qua từng cấp học. Anh đi tìm trường, đưa đón, kèm cặp và dạy con học.

Anh Trần Khương cho biết: Trước đây ngày nào anh cũng đến trường để tương tác với con, học cùng con. Nhưng ở môi trường đại học, anh không được theo con vào trường nữa. Những khó khăn về giao tiếp, học một số môn đặc thù, đặc biệt là môn Tiếng Anh đã khiến con anh gặp khó.

“Tôi từng về quận 12 xin chứng nhận tình trạng khuyết tật nặng (yêu cầu để được miễn môn Tiếng Anh) của con thì được cán bộ chuyên trách nhận xét: “Con anh nó đi đứng bình thường mà, khi nào không tự mặc đồ được mới là khuyết tật nặng chứ” và không cấp giấy” - anh Khương cho biết.

Cần sự mở lòng và hỗ trợ nhiều hơn

Đó là ý kiến của phần lớn giáo viên, cán bộ quản lý các trường khi nói về việc hòa nhập, học tập của các học sinh, SV khuyết tật. Theo các đại biểu nếu các trường không hỗ trợ, mang đến cơ hội cho các SV khuyết tật thì rất khó để các em có thể đạt được ước mơ đời mình. Đó là kiếm một công việc phù hợp bản thân, bằng tri thức để nuôi sống chính mình, không trở thành gánh nặng cho xã hội.

Chia sẻ về những trải nghiệm của mình, bà Đặng Huỳnh Mai - nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng: Cái cộng đồng và xã hội cần thay đổi chính là thay đổi nhận thức về cơ hội cho các SV khuyết tật chứ không chỉ đơn giản mang đến thuận lợi cho các em.

Bà cho biết, một trong những câu chuyện khiến bà trăn trở nhiều nhất là trường hợp một SV khuyết tật vận động (con của một cựu chiến binh nhiễm chất độc da cam) theo học tại một trường đại học Y tại Hà Nội. Do SV này không thể học môn thể dục nên bị lưu ban điểm. Em đã trình bày trực tiếp hoàn cảnh với bà. Sau đó thông qua Vụ Giáo dục Đại học, bà đã chỉ đạo trường miễn cho em không phải học môn thể dục.

“Tôi thấy nhẹ lòng với cách xử lý của mình về trường hợp em SV ấy vì nghĩ đã giúp đỡ được cho em. Nhưng khi ra nước ngoài, tôi hiểu mình làm thế chưa đúng. Bởi tại một số trường đại học ở nước ngoài, họ vẫn cho các em học thể dục với bài tập riêng phù hợp chứ không miễn. Đó cũng là quyền lợi của các em” - bà Mai nói.

Ông Hoàng Trường Giang - Phó phòng Giáo dục Tiểu học Sở GD&ĐT TPHCM cũng nhìn nhận cần phải thực hiện nhiều hơn nữa chính sách hỗ trợ, tháo gỡ cho học sinh - SV là người khuyết tật. Bởi theo ông hiện còn nhiều quy định thực sự chưa phù hợp đối với người khuyết tật.

Ngay như thủ tục cấp giấy chứng nhận khuyết tật cũng chưa có sự đồng bộ. “Trước đây chỉ cần giấy chứng nhận của bệnh viện, nhưng nay đòi hỏi phải có thêm giấy chứng nhận của phường, xã. Các đơn vị này lại hay thoái thác trách nhiệm vì thiếu người chứng nhận. Điều đó vô hình trung khiến công tác hỗ trợ, giúp đỡ người khuyết tật thêm rào cản” - ông Giang chia sẻ.

Bên cạnh các vấn đề mang tính trực diện của công tác hỗ trợ, giúp đỡ HS - SV khuyết tật hòa nhập môi trường học tập, nhiều giáo viên, cán bộ quản lý các trường còn nêu lên rất nhiều khó khăn của các em khi theo đuổi việc học như: Chi phí mua các trang thiết bị hỗ trợ cho người khuyết tật quá đắt đỏ, nhiều trường không có người phiên dịch riêng cho các SV câm điếc. Do đó, nếu không có sự hỗ trợ từ cộng đồng và sự thay đổi trong chính các trường ĐH - CĐ, SV khuyết tật khó có thể theo học được.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người dân bắt cá thòi lòi bằng xà di lưới.

Nghề độc, lạ vùng Đất Mũi

GD&TĐ - Nằm nơi vị trí địa đầu Tổ quốc, Cà Mau là địa phương có nhiều đặc sản nổi tiếng và nhiều nghề độc, lạ.