Suốt một tháng qua, liên tục các đoàn công tác của Bộ GD&ĐT, do các Thứ trưởng, lãnh đạo các Vụ, Cục của Bộ đã trực tiếp đến các địa phương để kiểm tra, thị sát công tác chuẩn bị cho Kỳ thi THPT quốc gia. Theo ghi nhận của đoàn công tác, các địa phương đã hoàn tất công tác chuẩn bị, sẵn sàng tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia tốt nhất có thể. Đáng chú ý, ở tất cả địa phương đều có sự tham gia, vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị.
Trong các chuyến công tác, lãnh đạo Bộ không quên nhắc nhở các địa phương lưu tâm tới công tác in sao đề thi, bảo mật đề thi, bài thi, chấm thi... Với kỳ thi này, thí sinh sẽ là nhân vật trung tâm; Vì thế đến bất cứ địa phương nào, lãnh đạo Bộ đều lưu ý, cần tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh và không để thí sinh nào phải bỏ thi vì điều kiện hoàn cảnh khó khăn hoặc do đường sá đi lại. Cùng với đó, công tác thanh tra và coi thi phải được tập huấn kỹ càng, nhuần nhuyễn, tuyệt đối không để xảy ra những sơ xuất không đáng có.
Thực ra, kiểm tra hay thị sát là công việc “hậu kỳ” của một quá trình triển khai, tổ chức. Ai cũng biết, sau khi mùa thi, tuyển sinh 2018 kết thúc, Bộ GD&ĐT đã bắt tay ngay vào việc xây dựng phương án tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia 2019. Cùng với đó là hàng loạt văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương tổ chức Kỳ thi THPT nghiêm túc, an toàn.
Mới đây nhất, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã gửi công điện đến Giám đốc các ĐH, học viện; Hiệu trưởng các trường ĐH; Hiệu trưởng các trường CĐ sư phạm tham gia tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019. Qua đó, cho thấy sự quyết tâm của toàn ngành để tổ chức kỳ thi chất lượng nhất.
Còn nhớ, sai phạm trong Kỳ thi THPT quốc gia 2018 ở một số địa phương là câu chuyện buồn không chỉ của riêng ngành GD mà của toàn xã hội. Bất cứ người nào làm trong ngành GD, kể cả những người trong và ngoài vùng sai phạm đều cảm thấy chạnh lòng và tổn thương mỗi khi nhắc đến sự việc này. Quan điểm của Bộ GD&ĐT là xử lý nghiêm những cá nhân liên quan đến sai phạm và không có vùng cấm trong việc xử lý.
Hiện đã có nhiều cá nhân bị xử lý kỷ luật. Đơn cử như tại tỉnh Sơn La, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã có kết luận về xử lý trách nhiệm các cán bộ công chức, viên chức liên quan đến sai phạm trong Kỳ thi THPT quốc gia 2018. Theo đó, Trưởng Ban chỉ đạo thi là Phó Chủ tịch tỉnh đã bị kỷ luật cảnh cáo vì chịu trách nhiệm chính về những vi phạm trong công tác tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018.
Nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh cũng bị kỷ luật, chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và chịu trách nhiệm người đứng đầu về những vi phạm, khuyết điểm của UBND tỉnh. Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chịu trách nhiệm người đứng đầu về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sơn La cũng bị yêu cầu kiểm điểm, rút kinh nghiệm sâu sắc và sớm có biện pháp khắc phục, sửa chữa trong thời gian tới. Mới đây, ông Hoàng Tiến Đức - Giám đốc Sở GD&ĐT Sơn La cũng bị xử lý kỷ luật cách tất cả các chức vụ trong Đảng gồm: Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Sơn La nhiệm kỳ 2015 - 2020; Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ, Bí thư Đảng ủy Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La nhiệm kỳ 2015 - 2020.
Sai phạm trong Kỳ thi THPT quốc gia 2018 ở một số địa phương là bài học đắt giá cho tất cả các tỉnh, thành trên cả nước. Song cũng vì thế mà những người làm việc trong ngành GD, nhất là những người tham gia phục vụ kỳ thi đều thể hiện quyết tâm thực hiện nhiệm vụ với tinh thần trách nhiệm cao nhất; qua đó nhằm tiếp tục củng cố niềm tin của xã hội với ngành GD nói chung và với Kỳ thi THPT quốc gia nói riêng. Tin rằng, với sự chủ động, tích cực và sự chỉ đạo sâu sát của Bộ GD&ĐT, cùng sự vào cuộc của toàn xã hội, kỳ thi năm nay sẽ thành công trên mọi phương diện.