Vi khuẩn có khả năng xâm nhập từ mũi lên não

GD&TĐ - Các nhà nghiên cứu ở Australia đã phát hiện bằng chứng cho thấy, vi khuẩn sống trong mũi có thể xâm nhập vào não qua các dây thần kinh khoang mũi.

Vi khuẩn và virus có thể dẫn đến chứng viêm thần kinh và góp phần gây bệnh Alzheimer.
Vi khuẩn và virus có thể dẫn đến chứng viêm thần kinh và góp phần gây bệnh Alzheimer.

Từ đó, gây ra một loạt hiện tượng có thể dẫn đến bệnh Alzheimer. Công trình nghiên cứu chứng minh, ngày càng nhiều bằng chứng cho thấy, bệnh Alzheimer có thể khởi phát ban đầu thông qua các bệnh nhiễm trùng do virus hoặc vi khuẩn.

Chlamydia pneumoniae là một loại vi khuẩn phổ biến. Đồng thời, là nguyên nhân chính gây bệnh viêm phổi, cũng như hàng loạt bệnh đường hô hấp khác. Tuy nhiên, đáng lo ngại là, đôi khi vi khuẩn này được phát hiện trong não.

Mới đây, các nhà nghiên cứu tại Trường Đại học Griffith và Đại học Công nghệ Queensland (Australia) đã điều tra cách C. pneumoniae có thể xâm nhập vào não. Họ đồng thời tìm hiểu, liệu vi khuẩn này có gây tổn thương não không.

Jenny Ekberg - tác giả chính của nghiên cứu, cho biết: “Công trình của chúng tôi trước đây đã chỉ ra rằng, một số loài vi khuẩn khác nhau có thể nhanh chóng xâm nhập vào hệ thống thần kinh trung ương, thông qua các dây thần kinh ngoại vi kéo dài giữa khoang mũi và não bộ”.

Thông qua các thử nghiệm trên chuột, nhóm nghiên cứu phát hiện, trong 72 giờ sau khi được đưa vào mũi, C. pneumoniae có thể lây nhiễm các dây thần kinh khứu giác, sau đó là khứu giác.

Điều thú vị nhất mà các nhà nghiên cứu phát hiện là, sau khi xâm nhập vào hệ thống thần kinh trung ương, vi khuẩn gây ra một số thay đổi có liên quan đến bệnh Alzheimer. Trong vài ngày, các mảng amyloid beta lắng đọng bắt đầu tích tụ. Đây là một đặc điểm nổi bật của bệnh. Sau vài tuần, nhóm nghiên cứu phát hiện các rối loạn chức năng trong một số gen có liên quan đến bệnh Alzheimer.

Phát hiện mới là một phần trong nghiên cứu mở rộng. Các nhà khoa học đã chỉ ra rằng, bệnh Alzheimer được kích hoạt ban đầu thông qua nhiễm trùng bởi virus và vi khuẩn. Virus herpes thường là “nghi phạm”. Tuy nhiên, sự mất cân bằng trong vi khuẩn miệng, đặc biệt gia tăng ở những vi khuẩn gây bệnh nướu, dường như là yếu tố dự báo bệnh Alzheimer.

“Chúng tôi đã nghi ngờ từ lâu rằng, vi khuẩn và thậm chí cả virus, có thể dẫn đến chứng viêm thần kinh và góp phần khởi phát bệnh Alzheimer. Tuy nhiên, chỉ riêng vi khuẩn có thể không đủ để gây bệnh. Có lẽ, nó đòi hỏi sự kết hợp giữa tính nhạy cảm di truyền cộng với vi khuẩn để dẫn đến bệnh Alzheimer về lâu dài”, nhà nghiên cứu Ekberg nhận định.

Nhóm nghiên cứu cho biết, việc tìm cách nhắm vào những vi khuẩn này có thể dẫn đến các phương pháp điều trị phòng ngừa mới cho bệnh Alzheimer. Nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí Scientific Reports.

Theo New Atlas

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ