Thiết bị diệt vi khuẩn trong không gian kín

GD&TĐ - TS Nguyễn Phan Kiên, Giảng viên bộ môn Công nghệ Điện tử và Kỹ thuật Y sinh, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đã sáng chế thiết bị khử trùng, khử khuẩn không gian kín, góp phần chống dịch Covid-19 hiệu quả.

 Thiết bị diệt vi khuẩn trong không gian kín.
Thiết bị diệt vi khuẩn trong không gian kín.

Diệt sạch virus bằng ozone

TS Nguyễn Phan Kiên cho biết, trong các khu điều trị F0, nhà ở của các F0, các khu cách ly… việc sử dụng thuốc khử khuẩn không có tác dụng triệt để đến các ngõ ngách. Virus vẫn có thể bám dính trên đồ dùng, vật dụng.

Từ thực tế đó, TS Kiên và cộng sự bắt tay vào nghiên cứu thiết bị diệt vi khuẩn trong không gian kín sử dụng nồng độ ozone phù hợp.

Thiết bị hoạt động khá đơn giản, chỉ cần nhập kích thước phòng kín vào máy, phần mềm tự động tính toán thời gian, nồng độ ozone tạo ra có khả năng diệt SARS-CoV-2, duy trì trong thời gian diệt và giảm nồng độ ozone xuống ngưỡng an toàn cho người trước khi báo hiệu kết thúc.

TS Nguyễn Phan Kiên cho biết, các công bố khoa học chứng minh khả năng bất hoạt được virus SARS-CoV-2 chỉ có các công nghệ bao gồm ozone, UVC, plasma. Tuy nhiên, các thiết bị tạo plasma rất đắt tiền, không thể phổ cập ngay được.

Các thiết bị UVC thì ngoài việc là phải đảm bảo thời gian tiếp xúc, cường độ chiếu tia, thường được lắp đặt cố định, không thể diệt được hết các ngóc ngách hay những nơi bị che chắn bởi các thiết bị, hoặc vật liệu trong phòng. Nói cách khác, UVC sẽ bị hạn chế bởi thời gian tiếp xúc và cường độ tiếp xúc nên khả năng diệt được SARS-CoV-2 là khó đảm bảo.

Ngoài ra, UVC cũng là tác nhân gây nguy hiểm cho người nếu tiếp xúc trong thời gian đủ dài. Do đó, nhóm lựa chọn công nghệ sử dụng ozone để khử trùng, khử khuẩn cho không gian phòng kín.

Nhiều nghiên cứu của thế giới về khả năng bất hoạt được SARS-CoV-2 trong không khí và trên bề mặt đã được khẳng định và công bố trên nhiều các nghiên cứu khác nhau trên thế giới.

Ngoài ra, ozone cũng đã được khẳng định là một chất diệt khuẩn tự nhiên (nature biocid) trong việc sử dụng khử trùng, khử khuẩn tại một số ứng dụng khác nhau. Tuy nhiên, nhược điểm của ozone là gây nguy hiểm trực tiếp cho hệ hô hấp của người hít phải.

Do đó, nhóm nghiên cứu đã tổng hợp các kết quả nghiên cứu của thế giới, thiết kế chế tạo 1 thiết bị có khả năng không những bất hoạt được SARS-CoV-2 trong không khí và trên các bề mặt mà còn diệt được các loại vi khuẩn khác trong bệnh viện.

Thiết bị hoạt động trên nguyên lý, nhập kích thước phòng cần khử khuẩn, phần mềm tự động tính toán nồng độ tiếp xúc, thời gian duy trì nồng độ ozone để tạo ra một lượng ozone có đủ nồng độ diệt được SARS-CoV-2.

Duy trì đủ nồng độ trong thời gian cần thiết theo các công bố của thế giới. Sau đó, thiết bị sẽ hạ nồng độ ozone trong phòng xuống bằng công nghệ nhiệt (cho phép biến đổi ozone thành oxy) tới ngưỡng an toàn cho người (0,01ppm) trước khi báo hiệu kết thúc chu trình khử trùng khử khuẩn.

Phần mềm được xây dựng dựa trên việc tổng hợp các nghiên cứu của thế giới về khả năng diệt SARS-CoV-2 và các loại virus, vi khuẩn khác trong các điều kiện khác nhau để xây dựng một công thức tính toán chuẩn.

Thử nghiệm để ứng dụng diện rộng

TS Nguyễn Phan Kiên.
TS Nguyễn Phan Kiên. 

TS Nguyễn Phan Kiên cho biết, thiết bị được thiết kế có thể di chuyển dễ dàng từ phòng này sang phòng khác hoặc mang tới các khu vực mới phát hiện ra người bị nhiễm Covid-19 (F0). Thời gian chu trình khử trùng khử khuẩn là ngắn, khoảng 2 tiếng/phòng.

Với khả năng bất hoạt được SARS-CoV-2, thiết bị sẽ hỗ trợ rất tốt trong việc giảm tốc độ lây lan của virus. Các khu vực đã được khoanh vùng, cách ly có thể được khoanh vùng triệt để. Thiết bị có thể khử trùng, khử khuẩn tại mọi ngóc ngách trong phòng. Bất hoạt được SARS-CoV-2 trong cả không khí lẫn trên bề mặt.

Nhược điểm duy nhất của thiết bị là không thể phun khi có người trong phòng. Nhóm nghiên cứu kỳ vọng có thể phát triển thành sản phẩm khử trùng, khử khuẩn cho bệnh viện, đảm bảo chống nhiễm khuẩn chéo trong bệnh viện.

“Chúng tôi đã liên hệ với các chuyên gia đầu ngành về virus, vi khuẩn tại các bệnh viện lớn để tham khảo ý kiến và có khả năng xin phép thử nghiệm tại các khu vực đang có bệnh nhân F0 để chứng minh khả năng khử trùng, khử khuẩn. Trước mắt, chúng tôi sẽ tiến hành thử nghiệm tại Bệnh viện 103 để đánh giá trước khi ứng dụng tại các cơ sở điều trị khác”, TS Nguyễn Phan Kiên cho biết.

Thời gian tới, nhóm sẽ kêu gọi tài trợ để trang bị các thiết bị này cho các bệnh viện đang điều trị Covid và các khu cách ly tập trung nhằm giảm ngay lượng F1 - sang F0. “Là một nhà khoa học, với cơ sở khoa học vững chắc, tôi tin sản phẩm có thể bất hoạt được virus SARS-CoV-2, giúp ích được cho đất nước cho xã hội”, TS Kiên nói.

Để chung tay chống dịch Covid-19, trong hơn 1 năm qua, TS Kiên và cộng sự đã thiết kế và cung cấp thành công hơn 8 loại sản phẩm phòng chống dịch khác nhau như khẩu trang N95 lọc virus đang được sử dụng rộng rãi hay thiết bị tạo oxy phục vụ điều trị bệnh nhân Covid-19.

TS Kiên thường chia sẻ ý tưởng để cùng với các nhóm nghiên cứu khác làm ra sản phẩm nhanh để chống dịch. Anh mong muốn, sản phẩm này sẽ được hỗ trợ đầu tư thật nhanh chóng để góp phần chống dịch.

“Cá nhân tôi kinh phí cũng có hạn nên không có lực để đầu tư một cách bài bản. Nếu được, có thể nhờ các cách khác nhau để thực hiện được việc thí nghiệm tại Việt Nam mà không cần phải chuyển máy đi thử nghiệm tại nước ngoài, tạo ra một sản phẩm mới “make in Vietnam” để góp phần thúc đẩy sự phát triển của đất nước cũng như góp phần đẩy lùi dịch bệnh trên toàn thế giới”. TS NGUYỄN PHAN KIÊN

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ