Vị huấn luyện viên tận tụy với nghề, tận tâm với trò

GD&TĐ - Hơn 10 năm 'nếm mật nằm gai', huấn luyện viên Trần Văn Sỹ (sinh năm 1972) đã đưa đến điền kinh Việt Nam nhiều gương mặt xuất sắc.

Huấn luyện viên Trần Văn Sỹ và tuyển thủ Nguyễn Thị Oanh. Ảnh: INT.
Huấn luyện viên Trần Văn Sỹ và tuyển thủ Nguyễn Thị Oanh. Ảnh: INT.

Huấn luyện viên Trần Văn Sỹ đã phát hiện và đào tạo ra nhiều vận động viên điền kinh giỏi, và điều khiến ông được ngưỡng mộ là tình cảm trân quý của những thế hệ học trò luôn hướng về người thầy của mình.

Danh sư xuất cao đồ

Hơn 10 năm “nếm mật nằm gai”, huấn luyện viên Trần Văn Sỹ (sinh năm 1972) đã đưa đến điền kinh Việt Nam nhiều gương mặt xuất sắc như Nguyễn Văn Lai, Đỗ Quốc Luật, Phạm Thị Hồng Lệ, Phạm Thị Huệ và đặc biệt là Nguyễn Thị Oanh.

Là một trong số các tuyển thủ đem về nhiều Huy chương Vàng nhất cho Thể thao Việt Nam ở SEA Games 32, Nguyễn Thị Oanh đã đi vào lịch sử với tư cách là vận động viên điền kinh Việt Nam đầu tiên giành 4 Huy chương Vàng cá nhân ở 1 kỳ SEA Games (nội dung 5.000m, 10.000m, 1.500m và 3.000m vượt chướng ngại vật).

Giải đấu tại Campuchia khép lại, học trò của thầy Sỹ đã giành tổng cộng 12 Huy chương Vàng qua các kỳ SEA Games. Nguyễn Thị Oanh hiện chỉ kém Nguyễn Thị Huyền, người đứng đầu danh sách Huy chương Vàng SEA Games của thể thao Việt Nam đúng 1 chiếc. Tuy nhiên, khoảng cách mong manh này sẽ sớm bị san lấp bởi Huyền đã chia tay đội tuyển quốc gia, trong khi Oanh có thể thi đấu 1-2 kỳ đại hội thể thao nữa.

Huấn luyện viên Trần Văn Sỹ. Ảnh: INT.

Huấn luyện viên Trần Văn Sỹ. Ảnh: INT.

Sau SEA Games 32, huấn luyện viên Trần Văn Sỹ chia sẻ về ngày đầu ông gặp Nguyễn Thị Oanh trong một lần đi tuyển quân.

“Tại giải điền kinh trẻ quốc gia năm 2012, Oanh đứng trong top 3. Nhưng thể hình của em quá thấp bé, không bảo đảm có thể phát triển mạnh mẽ được. Tuy nhiên, linh cảm như mách bảo rằng đây là viên ngọc thô nên tôi tìm gặp bác sĩ, xin cho xem các thông số về tim mạch trong tập luyện và thi đấu của Oanh. Sau khi xem xong, tôi đã chọn em lên đội tuyển quốc gia để huấn luyện”, ông Sỹ cho biết.

Huấn luyện viên Trần Văn Sỹ cũng cho biết, ông gặp Nguyễn Trung Cường (Huy chương Vàng 3.000m vượt chướng ngại vật SEA Games 32) ở Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc 2016 tại Nghệ An. Khi đó, Cường chạy gần chót và người thì gầy nhẳng. Thế nhưng ông vẫn chọn Cường bởi nhìn thấy ở vận động viên này có tố chất.

Thật khó có thể kể hết hành trình gian nan của huấn luyện viên Trần Văn Sỹ và các học trò, trong đó có Nguyễn Thị Oanh. Cô gái quê Bắc Giang tham dự SEA Games từ năm 2013 trên đất Indonesia, giành Huy chương Bạc nội dung 3.000m chướng ngại vật.

Nhưng 2 năm sau, ở kỳ đại hội tại Singapore, Oanh không tham dự vì vấn đề sức khỏe, tưởng chừng như đã phải chia tay sự nghiệp. Tuy nhiên, với người thầy thầm lặng Trần Văn Sỹ, nữ vận động viên sinh năm 1995 này trở lại mạnh mẽ và bùng nổ trong 4 kỳ SEA Games liên tiếp gần đây.

SEA Games 29 năm 2017 tại Malaysia, Oanh lần đầu giành Huy chương Vàng cá nhân tại một kỳ Đại hội thể thao khu vực, vô địch nội dung 1.500m và 5.000m nữ. SEA Games 30 và 31, Oanh đều giành 3 Huy chương Vàng các nội dung 1.500m, 5.000m và 3.000m chướng ngại vật. Và 4 Huy chương Vàng SEA Games 32.

Điều khiến nhiều người, kể cả giới truyền thông luôn dành sự tôn trọng với huấn luyện viên Trần Văn Sỹ chính là tinh thần hy sinh thầm lặng. Ít khi ông có mặt ở những khoảnh khắc vinh quang của học trò.

Tại SEA Games 30, sau khi Nguyễn Thị Oanh giành Huy chương Vàng 3.000m vượt chướng ngại vật, hai thầy trò đã ôm nhau khóc. Như chia sẻ sau này, huấn luyện viên Trần Văn Sỹ cho biết ông ít khi rơi nước mắt. Nhưng ông đã khóc khi Oanh lên bục nhận huy chương vì tự hào, những nhọc nhằn, khó khăn mà hai thầy trò đã đối mặt và vượt qua.

Nói về huấn luyện viên Trần Văn Sỹ, Nguyễn Thị Oanh cho biết, cô luôn biết ơn thầy, người trực tiếp dẫn dắt, định hướng, động viên và ủng hộ mình.

“Tôi từng bị bệnh rất nặng, tưởng chừng phải bỏ nghiệp thể thao. Đó là quãng thời gian khủng hoảng, nhiều suy nghĩ tiêu cực. Nhưng may mắn tôi đã được thầy Sỹ và mọi người động viên để vượt qua. Nhờ vậy, quá trình điều trị của tôi thuận lợi hơn. Không có thầy Sỹ sẽ không có Nguyễn Thị Oanh như mọi người biết tới ngày hôm nay”, cô gái vàng của điền kinh Việt Nam chia sẻ.

Trước đó, đúng ngày giành Huy chương Vàng thứ 4 tại SEA Games 32 (12/5/2023, PV), Oanh xúc động phát biểu rằng, cô chờ từ sáng với hy vọng thi đấu thật tốt. “Lúc này tôi muốn tặng tấm HCV này cho thầy, chúc thầy có một ngày sinh nhật vui vẻ, nhiều sức khỏe và luôn luôn tràn đầy nhiệt huyết, đam mê với nghề”, Oanh nói.

Bên cạnh Nguyễn Thị Oanh, Phạm Thị Hồng Lệ cũng là học trò “đặc biệt” của người thầy tận tâm, tận lực Trần Văn Sỹ. Sau 11 năm đến với điền kinh, vận động viên sinh năm 1998 đã giành được 1 Huy chương Vàng, 4 Huy chương Bạc và 2 Huy chương Đồng SEA Games.

Tuy số lượng huy chương không quá nhiều, song ở cô gái quê đất Võ Bình Định này là tinh thần được đào luyện để chinh phục những thử thách khó khăn, nội dung thi đấu khắc nghiệt. Còn nhớ, cũng tại SEA Games 30, huấn luyện viên Trần Văn Sỹ đã mượn xe đạp để đạp theo Phạm Thị Hồng Lệ suốt 30km khi cô học trò nhỏ dự nội dung marathon nữ và giành Huy chương Đồng.

Hình ảnh xúc động đến tận bây giờ là khi về đích, Hồng Lệ bị ngất phải vào phòng cấp cứu y tế còn thầy Sỹ vẫn “lang thang” đạp xe bên ngoài tìm học trò. Hình ảnh huấn luyện viên đội tuyển điền kinh Việt Nam mướt mải mồ hôi đạp xe theo trò vừa để động viên, đồng thời có những chỉ đạo kịp thời về chiến thuật trong cuộc đua đường trường, khốc liệt thực sự đã chạm đến trái tim khán giả, người hâm mộ.

Dạy nghề gắn với dạy người

Huấn luyện viên Trần Văn Sỹ dìu học trò Phạm Thị Hồng Lệ trên bục nhận giải Huy chương Đồng nội dung marathon nữ SEA Games 30 – 2019. Ảnh: INT.

Huấn luyện viên Trần Văn Sỹ dìu học trò Phạm Thị Hồng Lệ trên bục nhận giải Huy chương Đồng nội dung marathon nữ SEA Games 30 – 2019. Ảnh: INT.

Sinh tại Hải Dương, năm lên 6 tuổi, Trần Văn Sỹ được bố mẹ đưa về Thanh Hóa ở cùng với cậu. Tại đây, ông trở thành vận động viên của Trường Năng khiếu TDTT tỉnh, sau đó được triệu tập lên đội tuyển Điền kinh quốc gia năm 1994.

Năm 2002, chấn thương khiến Trần Văn Sỹ chia tay sự nghiệp thi đấu và sau đó chuyển về Phòng Đào tạo Trường Cao đẳng TDTT Thanh Hóa kiêm giảng viên môn điền kinh. Năm 2009, ông trở thành huyện luyện viên đội tuyển Điền kinh tỉnh Thanh Hóa. Với thành tích tốt trong công tác đào tạo, Trần Văn Sỹ được lựa chọn là huấn luyện viên đội tuyển Điền kinh Việt Nam từ năm 2011 đến nay.

Với truyền thông, người hâm mộ hay cả các đồng nghiệp, huấn luyện viên Trần Văn Sỹ có lẽ không bao giờ nhận mình đã phát hiện được các tài năng trẻ cho thể thao Việt Nam.

Bằng những gì chân thành nhất, ông luôn cảm ơn rất nhiều đến các học trò, vận động viên. Bởi lẽ họ rất chịu khó, kiên trì, trải qua bao gian nan vất vả, thi đấu bản lĩnh trên các đấu trường.

“Các em xứng đáng. Riêng tôi, tôi tâm niệm sẽ luôn dành hết khả năng vốn có của mình để truyền đạt, chỉ dạy đến các vận động viên đạt được kết quả tốt nhất. Tôi nghĩ mình đứng phía sau không sao cả.

Vì đó là thành quả của các em, thành quả của sự chịu khó, kiên trì không ngừng để theo đuổi nghề vô điều kiện. Tôi thì nghĩ mình còn cần phải học hỏi rất nhiều từ các bậc thầy trước tôi và cần rèn luyện nhiều hơn nữa ở chặng đường phía trước”, thầy Sỹ chia sẻ.

Trong cơn sóng xô bồ của sáo ngữ, nhiều người đã gắn mỹ từ “mắt thần” cho huấn luyện viên Trần Văn Sỹ và có lẽ ông là người xứng đáng với nó. Tuy nhiên, huấn luyện viên sinh năm 1972 cho rằng, mình có mắt quan sát chuyên môn thôi để đánh giá đúng mỗi vận động viên có thể hình, thể trạng, vùng miền khác nhau và tính cách cũng khác nhau…

“Tôi chỉ dạy, gắn bó với các em vì tôi thấy niềm đam mê trong các vận động viên. Đất nước cần những người kiên cường như thế. Tôi chỉ nghĩ mình góp sức rất nhỏ không đáng kể cho việc phát hiện, huấn luyện các em. Quan trọng nhất là thầy và trò phải quyết tâm cùng đi lên theo hướng tích cực nhất, đạt thành tích cao nhất”, huấn luyện viên Trần Văn Sỹ nói.

Hơn 10 năm làm thầy, cũng là quãng thời gian huấn luyện viên Trần Văn Sỹ ở Hà Nội nhiều hơn Thanh Hóa, nơi gia đình và người thân đang sinh sống. Ông cho biết, rất may vợ ông cũng là huấn luyện viên nên hiểu và chia sẻ cùng chồng.

Nhờ có người vợ đảm đang chăm sóc gia đình, lo cho con cái ăn học ở Thanh Hóa nên ông mới có thể dành toàn tâm toàn ý giúp sức cho điền kinh nước nhà. Đặc biệt, huấn luyện viên Trần Văn Sỹ luôn tâm niệm rằng, không chỉ các học trò ở bộ môn điền kinh mà còn các môn thể thao khác, họ sẽ không ngừng nâng cao về chuyên môn.

Đặc biệt, đạo đức nghề nghiệp phải luôn đặt trong lòng và giữ gìn. Đồng thời, các vận động viên xác định theo nghiệp này phải rèn luyện ý chí cao, sắp xếp thời gian phù hợp, kiên trì theo đuổi những mục tiêu, mục đích mà mình đã chọn.

Trên hành trình làm thầy đã qua, huấn luyện viên Trần Văn Sỹ nhiều lần được công nhận bằng những danh hiệu, giải thưởng cao quý. Đáng chú ý, năm 2022, ông đã huấn luyện và chỉ đạo học trò giành tới 8 Huy chương Vàng, cùng một kỷ lục trong tổng số 22 Huy chương Vàng mà điền kinh Việt Nam giành được tại SEA Games 31.

Nhờ đó, huấn luyện viên Trần Văn Sỹ được vinh danh ở hạng mục huấn luyện viên thể thao tiêu biểu toàn quốc do Tổng cục TDTT (nay là Cục TDTT) bầu chọn. Năm 2023, với thành tích chỉ đạo các học trò giành 5 Huy chương Vàng SEA Games 32, 1 Huy chương Vàng giải vô địch châu Á trong nhà, huấn luyện viên này vinh dự nhận Huân chương Lao động hạng Ba.

Trong sự nghiệp vận động viên với đội tuyển quốc gia, Trần Văn Sỹ giành Huy chương Vàng cự ly 800m tại SEA Games 1997, Huy chương Vàng cự ly 800m và Huy chương Bạc cự ly 1.500m tại Đại hội thể thao châu Á - Thái Bình Dương. Tại SEA Games 1999, Trần Văn Sỹ gây ấn tượng mạnh khi chấp nhận đóng vai “chim mồi” thu hút các đối thủ, giúp đồng đội Phan Văn Hóa (Quảng Trị) giành Huy chương Vàng cự ly 800m…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Cảnh báo người mới

GD&TĐ - Trung Quốc vừa quyết định cấm xuất khẩu kim loại và vật liệu có chứa những nguyên tố hoá học nhất định, trong đó có Gallium và Germanium sang Mỹ.

Kho tàng đơn xin việc mẫu chuyên nghiệpTìm hiểu overthinking là gì