Những điều ít biết về vị Hoàng giáp cuối cùng của Việt Nam

Những điều ít biết về vị Hoàng giáp cuối cùng của Việt Nam

Là một vị quan đặc biệt với hai lần làm Phủ doãn Phủ Thừa Thiên, nhưng nổi tiếng hơn cả khi vị tân khoa hoàng giáp mới 18 tuổi đã dâng vua 16 chữ vàng.

Tứ tôn châm

Nhà văn Nguyễn Khắc Phê là con thứ 5 của hoàng giáp Khắc Niêm kể rằng, cụ Niêm sau khi đỗ đại khoa từng giữ các chức vụ như Tư nghiệp Quốc Tử Giám (Huế), Đốc học Nghệ An, Phủ doãn Thừa Thiên, Tổng đốc Thanh Hóa, đến tháng 2/1942 thì xin về hưu trước tuổi.

Những điều ít biết về vị Hoàng giáp cuối cùng của Việt Nam ảnh 1
Cụ Nguyễn Khắc Niêm trong lễ phục khi đương chức Phủ doãn Thừa Thiên.

Suốt thời gian 32 năm làm quan hành chính ở các tỉnh và bộ, Nguyễn Khắc Niêm luôn sống thanh liêm, giữ khí tiết và phần nào cố gắng thực hiện những tư tưởng, hoài bão mà bản thân đã nung nấu từ thuở thiếu thời.

Tháng 2/1942, có lẽ chán với cảnh làm quan nô lệ, cụ Khắc Niêm từ quan về quê dạy học, rồi sau năm 1945 tham gia hoạt động cách mạng. 

Kiêm qua nhiều chức vụ như Ủy ban Phòng vệ Hương Sơn, Ban Văn hóa tỉnh Hà Tĩnh, Mặt trận Liên Việt, kiêm Trưởng ban cứu trợ thương binh Liên khu 4, năm 1952, Chính phủ mời cụ ra Việt Bắc họp hội nghị Liên Việt Trung ương, nhưng vì sức khỏe yếu không đi được. Năm 1954, cụ tạ thế tại quê nhà.

Nhà văn Nguyễn Khắc Phê cho biết, tuy hoàng giáp Nguyễn Khắc Niêm không gặp được vận hội tốt lành để trí quân trạch dân, giúp vua chăm lo cho dân, nhưng 4 câu châm ngôn là kế sách dâng vua thì đến nay còn nguyên giá trị.

Ông Phê cũng cho biết, sau khi đỗ đại khoa, hoàng giáp Nguyễn Khắc Niêm cùng các tiến sĩ tân khoa được vua triệu vào cung. Trong buổi triều kiến, vua Thành Thái đề nghị mỗi vị tân khoa hãy dâng lên một kế sách. Hoàng giáp Khắc Niêm liền đọc 4 câu: “Tôn tộc đại quy/Tôn lộc đại nguy/Tôn tài đại thịnh/Tôn nịnh đại suy”.

“Người đời gọi đây là “Tứ tôn châm”. Ý nghĩa của câu ấy là: Tôn trọng nòi giống ắt đại hòa hợp. Tôn trọng bổng lộc ắt đại nguy nan. Tôn trọng tài năng, ắt đại phồn thịnh. Tôn trọng siểm nịnh, ắt đại suy vong”, nhà văn Nguyễn Khắc Phê giải thích.

Hiện nay, tại Huế cũng như ở Hà Tĩnh, thậm chí ở Hà Nội “Tứ tôn châm” vẫn được treo ở nhiều gia đình. Theo đánh giá của các nhà sử học, “Tứ tôn châm” không chỉ là kế sách trị nước, mà còn là một câu nói đầy minh triết gói gọn triết học Đông phương trong việc làm người, làm quan, làm vua.

Hoàng giáp dạy con

Khi tìm hiểu các tư liệu về hoàng giáp Nguyễn Khắc Niêm, chúng tôi rất bất ngờ khi cụ chính là thân sinh của 7 người con nổi tiếng. Trong đó có bác sĩ y khoa Nguyễn Khắc Viện – nhà văn hóa lớn của nước ta.

Những điều ít biết về vị Hoàng giáp cuối cùng của Việt Nam ảnh 2
Một trong những cuốn sách hiếm hoi viết về vị hoàng giáp cuối cùng của Việt Nam.

Trong ký ức của nhà văn Nguyễn Khắc Phê, người anh trai Nguyễn Khắc Viện được gần gũi cha hơn cả. 

Có lẽ bởi thế, mà từ tính cách đến tri thức học thuật sâu sắc của một vị hoàng giáp đều truyền hết cho người con trai cả. Không chỉ có vậy, dù là người cha nghiêm khắc, nhưng cụ Khắc Niêm cũng rất quan tâm đến tâm lý con cái.

Trong nếp nhà danh gia vọng tộc và đầy mực thước của học thức, chúng tôi tìm được tư liệu của cụ Khắc Niêm với bức thư gửi con trai Nguyễn Khắc Viện lúc đó đang du học ở Pháp:

“Cher Viện. Những cái thư con viết kỳ tháng 5/48, tháng 6/49, và cái thư con viết cho em Phương Thảo kỳ tháng 9/49, thầy đều tiếp được cả, biết rằng con ở bên ấy nay đã lành mạnh và có học hỏi thêm được nhiều, thầy và tất cả bà con lấy làm mừng lắm. Con cứ chăm bề bảo dưỡng sức khỏe, không nên làm việc quá chừng, để cho được thiệt lành mạnh, nay mai về nước, đưa một ít tài học giúp vào công cuộc kiến thiết nước nhà, cho thỏa lòng trông đợi của thầy, của bà con và của bạn bè, như lời con đã hứa trong thư trước, ấy là một điều nguyện vọng duy nhất của thầy trong lúc già cả này”.

Qua trích bức thư này và qua thổ lộ của nhà văn Nguyễn Khắc Phê thì bao giờ cụ hoàng giáp cũng dạy con theo cách đặt lên vai con cái tình cảm gia đình, bà con xóm ngõ, bạn bè và đất nước để con hiểu việc tìm kiếm tri thức để làm gì? Tri thức để phụng sự ai?

Ông Phê còn nhớ như in bài thơ “Khuyến học” mà hoàng giáp cha mình đã viết: “Học dăm ba chữ cũng là hay/Cho đến như thụ việc cấy cày/Có cách thức mới có ngày tiến bộ/Như buôn bán tính hàng ghi sổ/Như thợ thuyền trù thước vẽ đồ/Biết bao người trù tính mơ hồ/Chịu thua thiệt chỉ do vì tội dốt/Xin đừng kể gia kế giàu nghèo/Học bao nhiêu thì tốt bấy nhiêu”.

Hay như trong lời dặn con cháu: “Chớ nên tập thói xa hoang/Rượu bạc nha phiến tìm đường tránh xa/Chè xanh cho đến thuốc trà/Cũng đừng mang nghiện rồi mà lụy thân/Chỉ hai chữ kiệm chữ cần/Con em ta phải tập dần cho quen”.

Với cách dạy bảo đầy sâu sắc, cả 7 người con của cụ Niêm đều thành đạt và trở thành những người nổi tiếng, góp phần cống hiến cho đất nước. Ngoài bác sĩ Nguyễn Khắc Viện, nhà văn Nguyễn Khắc Phê hay GS Nguyễn Khắc Phi cũng đều nổi danh bởi vốn học thuật và những tác phẩm văn học có giá trị.

Tôn sư trọng đạo

Nhà văn Nguyễn Khắc Phê kể lại theo lời cụ cử nhân Phan Duy Huệ ở làng khoa bảng Quỳnh Đôi (Quỳnh Lưu – Nghệ An) về lần cụ Khắc Niêm thăm làng. Đó là đầu năm Tân Dậu (1921), lúc giữ chức Đốc học Nghệ An, trong dịp kinh lý huyện Quỳnh Lưu cụ Niêm đã đến làng Quỳnh. 

Khi đến đầu làng, cụ xuống cáng đi bộ tới trước bia của hoàng giáp Quỳnh quận công Hồ Phi Tích rồi vái ba vái.

“Thầy tôi không lấy sách Khổng, Mạnh dạy chúng tôi, nhưng bao quanh cuộc sống của chúng tôi thời tấm bé là một không khí đặc biệt. Ra vào lễ phép, ăn nói nhẹ nhàng… Đứng về góc độ tâm lý học mà nói, tôi đã tự đồng nhất với hình ảnh của bố tôi về nhiều mặt từ lúc còn nhỏ, một cách vô thức”, trích hồi ký của nhà văn hóa Nguyễn Khắc Viện.

Từ đó cụ Niêm đi bộ đến đình làng Quỳnh. Biết quan Đốc học từng là học trò của cụ Hoàng Huy Xán - người trong làng, một ông hương hào đến gần hỏi nhỏ: Bẩm quan lớn có cần mời cụ Hoàng ra gặp quan lớn không ạ? Quan Đốc học giả nhời: Sao thầy lại nói ngược ngạo thế. Xong việc, quan tôi phải thân hành đến tận nhà thăm hỏi thầy chứ.

Xong việc ở đình, hoàng giáp Nguyễn Khắc Niêm đi bộ đến nhà thầy giáo cũ. Cụ Hoàng Huy Xán ngồi trên sập, quan Đốc học ngồi dưới kính cẩn thưa chuyện với thầy. Người làng Quỳnh thấy đạo hiếu “tôn sư trọng đạo” của hoàng giáp Nguyễn Khắc Niêm thì càng lấy đó làm một tấm gương tu dưỡng.

Cụ Nguyễn Khắc Niêm sinh năm Kỷ Sửu (1889), quê làng Gôi Vị, nay là xã Sơn Hoà (Hương Sơn - Hà Tĩnh). Thuở nhỏ đã nổi tiếng thần đồng hiếu học, năm 1906 lúc mới 17 tuổi đã đỗ cử nhân trường Nghệ. Một năm sau, thi Đình đỗ Đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân, tức hoàng giáp.Trong buổi triều kiến vua Thành Thái, hoàng giáp Khắc Niêm đã dâng vua kế sách vẹn toàn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ