Ví, giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO công nhận là di sản văn hóa nhân loại

GD&TĐ - Vào 17h10 ngày 27/11 (tức 23h10’ giờ Việt Nam), dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Sân khấu văn hóa ví, giặm Nghệ Tĩnh
Sân khấu văn hóa ví, giặm Nghệ Tĩnh

Quyết định này được công bố trong khuôn khổ kỳ họp thứ 9 của Ủy ban Liên chính phủ Công ước UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể diễn ra từ ngay 24 đến 28-11 tại trụ sở UNESCO tại Paris, Pháp. Đoàn đại biểu Việt Nam do Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Đặng Thị Bích Liên dẫn đầu.

Ví, giặm Nghệ Tĩnh là một trong 46 hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận di sản văn hóa phi vật thể nhân loại đợt này. Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh loại hình nghệ thuật dân gian, được ra đời, phát triển trong môi trường văn hoá nông nghiệp lúa nước, với những đặc trưng riêng của văn hóa, đất, con người xứ Nghệ, gắn với đời sống sản xuất, lao động. 

Có nhiều thể loại ví giặm như: ví phường vải, ví đò đưa, ví phường nón, ví trèo non, ví phường chắp gai đan lưới, ví phường củi…

Từ năm 2010, Dân ca ví, giặm xứ Nghệ đã được quy hoạch để khảo sát, xây dựng hồ sơ đệ trình lên Tổ chức giáo dục, khoa học và văn hóa Liên Hợp quốc (UNESCO) trở thành Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. 

Năm 2012, Dân ca ví dặm Nghệ Tĩnh được Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch quyết định đưa vào Danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia.

Từ các tiêu chí mà UNESCO đưa ra, Viện VHNT Việt Nam đã kết hợp với Cục quản lý di sản (Bộ VHTT&DL) đã có công văn hướng dẫn quá trình xây dựng hồ sơ và lập hồ sơ đệ trình. Ngoài ra, nhiều hội thảo về bảo tồn và phát triển Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh cũng đã được tổ chức.

Việc UNESCO công nhận Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh là di sản văn hóa phi vật thể thế giới, trước hết là vinh dự lớn của nhân dân Nghệ An, Hà Tĩnh nói riêng, và nhân dân cả nước nói chung. Đó là sự khẳng định giá trị và sức sống của di sản này, đồng thời mở ra những cơ hội to lớn để dân ca ví, giặm tiếp tục tồn tại và phát triển trong cộng đồng. 

Góp phần thúc đẩy việc trao đổi giữa các cộng đồng, nghệ sĩ và các nhà nghiên cứu; nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của di sản văn hóa phi vật thể trong phạm vi địa phương, quốc gia và quốc tế…

Vấn đề đặt ra là sau vinh danh, ví, giặm xứ Nghệ cần được quan tâm đúng mức, đúng hướng để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa đặc trưng, xứng đáng với vị trị mới hiện nay.

Cùng với ví, giặm Nghệ Tĩnh, Việt Nam đã có 9 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận gồm: Nhã nhạc cung đình Huế, Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, dân ca Quan họ, Ca trù, Hội Gióng tại đền Phù Đổng và đền Sóc, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, Hát xoan, Đờn ca tài tử Nam Bộ và Ví, giặm Nghệ Tĩnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ